Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2022 | 9:19

Vai trò của chuyển đổi số trong chuỗi liên kết và tiêu thụ

Chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.

Chuyển đổi số giúp tăng năng suất, giảm chi phí và mở ra không gian phát triển mới, tạo ra giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống đã có. Đây là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, là cuộc cách mạng của toàn dân. Các chuyên gia cho rằng, giải bài toán chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải  bài toán về kết nối, liên kết giữa “các nhà” nhằm thúc đẩy sản xuất, liên kết và tiêu thụ hàng hóa thuận lợi.

z3464866529393_95370f16b398f28ce486f286f3d52dca.jpg
Ông Nguyễn Kim Xưa đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống chăn nuôi gà công nghệ cao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

 

Vai trò của chuyển đổi số

Có thể hiểu, chuyển đổi số là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data)... vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu. Công nghệ ở đây được hiểu là một hệ thống, trong đó có trang thiết bị kỹ thuật số, có các chương trình kỹ thuật số, có dữ liệu đầu vào ở dạng số, có con người, có phương thức tổ chức hoạt động… liên kết, tác động qua lại lẫn nhau và cho kết quả đầu ra những sản phẩm có hiệu suất lớn về giá trị sản xuất.

Về vị trí, có thể thấy chuyển đổi số là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi số với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước giúp xây dựng nên những cơ sở dữ liệu từ giá trị thực (biến đổi giá trị nghe, nhìn, cảm nhận được từ thế giới thực) sang dạng số (dạng điện toán được lưu trữ trên máy tính), nên rất thuận lợi cho việc quản lý, khai thác sử dụng. Dữ liệu số hóa đã trở thành tài sản của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Dữ liệu ngành càng được bổ sung, liên kết, tích hợp với nhau đã giảm được nhiều kinh phí xây dựng dữ liệu đơn lẻ, không đồng bộ như trước đây.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Chuyển đổi số đóng vai trò kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị đã tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua.

Mục tiêu chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và PTNT là thúc đẩy nông dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ nông sản...

Doanh nghiệp tiên phong

Tại Lâm Đồng, Công ty TNHH trang trại Langbiang (Langbiang Farm) được xem là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số. Ông Trần Huy Đường, chủ trang trại rộng gần 30ha cho biết, bây giờ, công nhân chỉ ngồi văn phòng “thăm” vườn là nắm được đầy đủ dữ liệu quan trắc khí tượng, điều khiển nước tưới, phân bón, dinh dưỡng, độ ẩm.

Ông Đường là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam canh tác rau khí canh trong nhà kính, hiện có hơn 10 loại rau cho thu hoạch cuốn chiếu hằng tuần.

Cách đây 17 năm, tỉnh Lâm Đồng xác định nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 60.000ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 400 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, trên địa bàn có 26 doanh nghiệp đã tiếp cận công nghệ IoT, dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), camera nhằm theo dõi sự sinh trưởng của cây, các thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh; công nghệ ươm giống trong phòng thí nghiệm (in vitro), công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống bò sữa..., nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt có trang trại trồng hoa cao cấp đạt doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm.

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong số ít HTX tiên phong trong phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được thực hiện một cách đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn và các sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, HTX đã ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA) nhằm phục vụ chuyển đổi số với các giải pháp như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu. Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết: Việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nâng cao tương tác giữa nông dân với người tiêu dùng. Mặc dù thời gian qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm, nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của hợp tác xã vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu năm 2021 đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Thời của công nghệ

Năm 2021, ông Nguyễn Kim Xưa ở xã Phấn Mễ (Phú Lương - Thái Nguyên) đầu tư gần 5 tỷ đồng toàn bộ hệ thống chăn nuôi gà tự động quy mô 4 vạn con. Toàn bộ hệ thống chuồng trại khép kín trong các dãy nhà có lắp máy điều hòa nhiệt độ. Trại luôn giữ nhiệt độ ổn định theo ngày tuổi của gà. Nguồn thức ăn cũng được tự động hóa, chế biến sẵn cho từng tuần tuổi của gà được đưa lên các tháp cao, theo hệ thống dẫn tới tất cả máng ăn theo sự điều khiển của công nhân.

Ông Xưa cho biết, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với điều kiện của gia đình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Trong chuồng trại có hệ thống phun sương hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh thâm nhập, nền chuồng cao ráo với mức nhiệt độ giữ ổn định 27-30 độ C nhờ hệ thống lò sưởi ấm và máy lạnh, sử dụng các loại men sinh học để bổ sung, tăng sức đề kháng cho gà. Chuồng trại có gắn camera an ninh, máng ăn tự động nên dễ kiểm soát, điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống cho phù hợp với đàn gà.

Ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi rất tiện lợi cho quản lý, chỉ cần qua điện thoại là đã theo dõi được tình hình của đàn gà để điều chỉnh cho phù hợp. Hệ thống tự động hóa cũng giúp gia đình ông giảm số lao động thường xuyên từ hơn 10 người trước đây xuống còn 5 người, chi phí cũng giảm đi nhiều.

Khẳng định ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi không những quản lý hiệu quả, trang trại còn kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ông Xưa cho rằng, ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn có tính bền vững khi ổn định được đầu ra, cũng như giá cả, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Đứng trên vườn bưởi da xanh rộng hơn 4.000m2, được đầu tư hệ thống tưới tự động, ông Nguyễn Văn Y ở ấp 3A, xã Vị Tân (TP. Vị Thanh - Hậu Giang) cầm trên tay chiếc điện thoại di động, hồ hởi chia sẻ: “Gần một năm nay, việc tưới nước cho vườn bưởi của gia đình tôi đều thông qua chiếc điện thoại này”.

Ông Y phân tích, khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, gia đình ông gắn thêm thiết bị điều khiển từ xa và cài đặt chương trình kết nối qua điện thoại thông minh.

Giờ có đi đâu mà muốn tưới nước cho vườn bưởi, ông Y chỉ cần mở điện thoại , kích hoạt chương trình là xong, không cần phải tới vườn bật cầu dao điện. Với cách làm trên, ông tiết giảm hơn 95% thời gian cho việc tưới nước, công lao động giảm hẳn.

Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm, cùng tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, vườn bưởi da xanh nhà ông Y luôn cho năng suất, chất lượng cao, được các đối tác đến tận nhà thu mua. Hơn 3 năm qua, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về trên 150 triệu đồng, đời sống kinh tế, tinh thần liên tục được nâng lên.

Anh Lê Ngọc Hoàng (thôn Cổ Trâu, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: "Năm 2020, tôi mua thiết bị bay không người lái chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học cho diện tích 7 mẫu đất với 500 gốc bưởi, 300 gốc nhãn, 100 gốc ổi và ao thả cá. Nếu trước đây phải thuê 14-15 nhân công lao động để làm việc này thì nay trong 2 giờ, thiết bị bay đã phun xong toàn bộ".

Nhờ áp dụng công nghệ, gia đình anh Hoàng thu tiền tỷ mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp… 

Đưa đặc sản “lên sàn”

Tháng 8/2021, na Chi Lăng (Lạng Sơn) chín rộ khi cả nước gồng mình chống dịch. Từ một loại quả đặc sản cho giá trị cao, na Chi Lăng lần đầu tiên đối mặt với nỗi lo sẽ không thể tìm được đầu ra trong bối cảnh giãn cách trên diện rộng.

Kịp thời tìm một giải pháp cho na Chi Lăng, ngay thời điểm đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam bên cạnh việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart cũng đồng thời quyết định giảm giá cước vận chuyển để phục vụ khách hàng tốt nhất trong thời gian một số tỉnh giãn cách xã hội. Theo đó, Vietnam Post đã bố trí các loại xe vận chuyển chuyên dụng cấp giấy thông hành “luồng xanh” (qua mã QR Code) để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tại Chi Lăng - Lạng Sơn nhanh chóng đưa sản phẩm đến địa chỉ mua hàng.  Giải pháp kịp thời này đã góp phần giúp trái na Chi Lăng có một mùa không chỉ bớt khó về đầu ra mà còn thu được giá trị rất cao.

Chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải thiều và các nông sản khác năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn, cho biết, hàng nghìn tấn vải được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử. Số lượng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành ứng dụng công nghệ số hóa để tổ chức thành công các hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quy mô quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế với những thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia…

Năm nay, 7 sàn thương mại điện tử tham gia tiêu thụ vải thiều Bắc Giang tiếp tục là những đơn vị lớn như Alibaba.com Việt Nam; Sendo.vn, Felix.store; Voso.vn; Shopee; Postmart.vn và Tiki.vn.

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp lớn đang sở hữu chuỗi bán lẻ rộng khắp cả nước gồm Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Tập đoàn MM Mega Market Việt Nam cũng cam kết phối hợp với sở Công Thương Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ quả vải trên kênh bán hàng online của các doanh nghiệp này.

Anh Hoàng Quang Đông (Hưng Yên) chia sẻ, khi nói đến Hưng Yên, nhiều người nghĩ ngay đến nhãn lồng nhưng ít ai biết đây còn là thủ phủ của nghệ. Củ nghệ Chí Tân (Khoái Châu) được các đối tác Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu... đến khảo sát, phân tích mẫu phẩm đều đánh giá cao và vượt trội so với sản phẩm nghệ ở các nước trên thế giới.

Với tiềm năng đó, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên đã sớm xây dựng và chủ động sản xuất, chế biến sản phẩm nghệ như bột nghệ, nghệ khô, tinh bột nghệ để phục vụ thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh việc sản xuất, từ năm 2016 công ty còn đầu tư hàng chục triệu đồng để quảng cáo sản phẩm trên kênh mạng xã hội, sàn thương mại diện tử. Công ty đã thu được thành quả rất tốt, nhiều đại lý đã kết nối, xuất bán thu về hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trong 3 năm trở lại đây, công ty đã hợp tác với đối tác Nhật Bản, châu Âu... Riêng thị trường Nhật Bản, đơn vị đã xuất khẩu hàng trăm tấn mỗi năm. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để bán các sản phẩm mới, giá trị cao hơn.

Thống kê cho thấy, đến tháng 11/2021 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

“Các nhà” phải liên kết để thúc đẩy tiêu thụ

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết, một trong những giải pháp đột phá là liên kết thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, HTX, người tiêu dùng. Đây cũng là những việc làm thiết thực hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đảm bảo mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa chống dịch. Đồng thời, tạo tiền đề để chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần gia tăng giá trị nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp.

z3464866541925_7b2767cd158c3491964ed7b6bb095657.jpg
Xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất nông nghiệp.

 

Chia sẻ về nhu cầu của HTX trong chuyển đổi số từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam Vũ Quang Phong) nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, khu vực kinh tế HTX không thể đứng ngoài cuộc. Sự kiện ký kết là bước đầu tiên của việc tham gia công cuộc chuyển đổi số giữa khối quản lý nhà nước và Liên minh HTX Việt Nam.

Theo ông Trần Hùng (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, thuộc nhóm nghiên cứu triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp), qua thời gian thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã xác định được những yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Đó chính là việc kết nối giữa các đơn vị với nhau, gồm: kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quan lý nhà nước với thị trường. Do vậy, giải quyết bài toán chuyển đổi số ở đây là giải quyết bài toán về kết nối, liên kết giữa “các nhà” nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thuận lợi.

Tiếp cận mới thông qua công nghệ thông tin

Chúng ta đều biết, khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực tế là, trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế của ta phát triển mạnh mẽ nhờ đường lối đúng đắn của Đảng về mọi mặt, trong đó có coi trọng việc nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ công nghệ vào đời sống và sản xuất. Nhưng phải nói rằng, những con số tăng trưởng đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của nước ta.

Tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sự mù mờ về thông tin  như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất gây khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ. Hệ lụy của sự mù mờ này dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Ông mong nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, để vươn xa hơn.

Lâu nay chúng ta luôn nhận định, người nông dân, chủ thể của kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn luôn “đói thông tin”, nhất là thông tin thị trường, thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức về quản trị,... Họ thiếu kiến thức bởi không được đào tạo, khó tiếp cận hệ thống đào tạo, cũng như kiến thức mới về quản trị, pháp luật,…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc người nông dân khó tiếp cận thông tin và kiến thức là do chúng ta chưa áp dụng công nghệ số. Ông đưa ra giải pháp tiếp cận mới thông qua công nghệ thông tin: Nếu là đào tạo trực tuyến thì sao? Nếu có một nền tảng đào tạo trực tuyến dạng MOOC (Massive Open Online Course) dành riêng cho bà con nông dân thì sao? Nếu có một đại học số cho bà con nông dân để họ không phải khăn gói lên thành phố học thì sao? Nếu người nông dân có trợ lý ảo để có thể hỏi về bất cứ thứ gì liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì sao? Nếu đứa con, đứa cháu mới học cấp 2 đã được thầy cô dạy cách lên mạng để hỗ trợ bố mẹ, ông bà lên sàn thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, tìm kiếm thông tin thì sao? Có thể đạt 100% lao động nông nghiệp qua đào tạo vào năm 2025 không?

Những giải pháp tiếp cận này không chỉ cần thời gian mà rất cần sự hành động mạnh mẽ của các bộ ngành, các doanh nghiệp và mọi người dân.

 

 

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, ngày 23-24/5, trong phiên đối thoại về “Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, quá trình gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững cần được triển khai đồng bộ ở ba cấp độ.

Ở cấp độ toàn cầu, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, phối hợp xây dựng các cơ chế, khuôn khổ toàn cầu và đa phương nhằm quản trị những vấn đề mới liên quan đến kinh tế số.

Ở cấp quốc gia là xây dựng hệ sinh thái số, bao gồm thể chế số, hạ tầng số, quản trị số, nhân lực số, thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư, huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan.

Ở cấp độ doanh nghiệp là tận dụng công nghệ số và dữ liệu số để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển các sản phẩm xanh, tạo động lực cho phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.


 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top