Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 14:43

Vẫn có tình trạng một số cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ

Ngày 10/8, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công an.

Đại tướng Tô Lâm thừa nhận, dữ liệu thông tin về dân cư, định danh và xác định điện tử chưa đồng bộ; một số cơ sở dữ liệu không đúng, không đủ, không sạch... chưa được kết nối.

 

bo-ca.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu.

 

Đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân

Chất vấn Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Trước tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân cá nhân rất phổ biến, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Công an về các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) phản ánh tình trạng thông tin cá nhân được rao bán trên các hội nhóm, nền tảng mạng xã hội, không khó để truy cập vào các hội nhóm này.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân cả trên thế giới và ở nước ta đang trong tình trạng rất đáng báo động, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã triển khai một số biện pháp, trong đó xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm căn cứ pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đến năm 2024, sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều nước trên thế giới cũng đã ban hành luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Giải pháp khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đồng thời, tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp để lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Công an cũng cho biết, đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân, lấy nguồn gốc từ Bộ GD&ĐT và một số ngành khác.

Chưa có chủ trương thu ngay sổ hộ khẩu giấy

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn việc bỏ sổ hộ khẩu giấy theo quy định là đúng nhưng thực tế đang có những vướng mắc.

Luật Cư trú 2020 thể hiện sổ hộ khẩu giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022. Nhưng theo phản ánh của cử tri, khi đến cơ quan công an làm thủ tục liên quan thì công an thu ngay sổ hộ khẩu giấy. Trong khi đó, công dân đến nhiều cơ quan Nhà nước khác vẫn yêu cầu mang theo sổ hộ khẩu giấy để đối chiếu, như nhập học, xin việc...

“Với sổ đã bị thu hồi, giải pháp tạm thời là đến công an xin giấy xác nhận có hiệu lực 6 tháng. Vậy rõ ràng chưa có sự kết nối liên thông trong sổ hổ khẩu, căn cước công dân với những cái cần thủ tục cơ quan nhà nước. Quy định đến  ngày 31/12/2022 sẽ bỏ hẳn sổ giấy, với tình trạng kết nối liên thông hiện nay thì việc này tôi cho là sẽ rối, gây khó khăn và tăng chi phí với công dân”, ông Nguyễn Trường Giang nêu vấn đề và cho rằng cần sự vào cuộc của Chính phủ để đẩy nhanh kết nối thông tin nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu.

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc công an thu sổ hộ khẩu của người dân khi đến làm việc có lẽ là trường hợp cá biệt. “Bộ chưa có chủ trương thu sổ, thời điểm thực hiện là ngày 31/12/2022. Nếu đại biểu có địa chỉ cụ thể thì chúng tôi sẽ kiểm tra chấn chỉnh”, ông Tô Lâm nói.

Tranh luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết: “Tôi vừa được cử tri nhắn tin phản ánh là việc thu sổ hộ khẩu thực hiện theo Khoản 2, Điều 26 của Thông tư  55 có hiệu lực ngày 1/7/2021 chứ không phải việc này xảy ra ở địa phương hay địa bàn cụ thể nào”.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn thi hành Luật Cư trú 2020 có quy định: Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Hộ chiếu mẫu mới: “Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật”

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đặt câu hỏi: Một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục như thế nào?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc cấp hộ chiếu mẫu mới thực hiện theo đúng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tất cả những chi tiết được ghi trên hộ chiếu được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Hộ chiếu mẫu mới phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới sử dụng mẫu hộ chiếu này. 

“Nhiều nước trên thế giới dùng mẫu này và không ghi nơi sinh. Hộ chiếu Việt Nam đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Chỉ có ba nước là Đức, Tây Ban Nha, Séc chưa chấp nhận. Gần đây, Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Cũng có nước bị vướng về vấn đề hộ chiếu giống Việt Nam như Hàn Quốc”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Theo Bộ trưởng, quá trình Bộ thực hiện việc này đúng quy định pháp luật. Một số nước chưa chấp nhận vì có lý do rất thực tế, vì họ muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân vào nước họ, ở địa phương nào cụ thể.

“Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, Bộ Công an đã có giải pháp để khắc phục việc này. Trước mắt, với công dân thấy cần bổ sung nơi sinh thì Bộ đã bàn với các cơ quan liên quan bổ sung vào phần bị chú nơi sinh, để tạo thuận lợi cho công dân.

Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất - nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung những thông tin này.

“Về trách nhiệm, Bộ Công an chủ trì thực hiện việc này, nên chúng tôi nhận trách nhiệm và có những giải pháp để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng khẳng định.

Căn cước công dân gắn chip có thể tích hợp thông tin của hơn 30 loại giấy tờ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về “giải pháp để sớm đồng bộ dữ liệu căn cước công dân và giấy tờ có liên quan?”, Bộ trưởng cho biết, hiện các cơ quan như công an, y tế, bảo hiểm xã hội, tài nguyên - môi trường, tài chính, ngân hàng đang tích hợp thông tin dữ liệu các ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân.

 

cccc.jpg
Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có thể tích hợp thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau...

 

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có thể tích hợp thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng... Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông, đáp ứng việc khai thác, sử dụng đồng bộ.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân được đồng bộ với các cơ sở dữ liệu khác, người dân sẽ thuận lợi hơn khi giao dịch, làm thủ tục hành chính.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top