Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2019 | 11:28

Vận hội mới nâng tầm du lịch Phương Liễu

Thời kinh tế thị trường, Phương Liễu trở thành trung tâm thương mại sầm uất của người xứ Bắc, tạo nên vận hội mới để xã mở mang phát triển du lịch tham quan, lễ hội và ẩm thực. Những năm qua, doanh thu từ du lịch của Phương Liễu đạt 1 tỷ đồng/năm.

chủ-tịch-ubnd-xã-phương-liễu-nguyễn-hải-trưng.jpg
Chủ tịch UBND xã Phương Liễu Nguyễn Hải Trưng

 

Phương Liễu (Quế Võ - Bắc Ninh) là miền quê Quan họ cổ kính và tươi đẹp có từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Người dân có tinh thần yêu nước, bất khuất đánh đuổi ngoại xâm. Trong tiến trình lịch sử, người Phương Liễu cũng đã xây dựng các công trình đình, đền, chùa, tháp nguy nga.

Thời kinh tế thị trường, Phương Liễu trở thành trung tâm thương mại sầm uất của người xứ Bắc, tạo nên vận hội mới để xã mở mang phát triển du lịch tham quan, lễ hội và ẩm thực. Những năm qua, doanh thu từ du lịch của Phương Liễu đạt 1 tỷ đồng/năm.

Dấu ấn lịch sử hào hùng

Nằm trên thế đất Long chầu - Hổ phục, người Phương Liễu đã gắn bó máu thịt với mảnh đất này gần 5000 năm lịch sử: Thời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân sang xâm lược nước Văn Lang, người Phương Liễu đã hăng hái theo Phù Đổng Thiên Vương anh dũng giết thù. Chiến tích mà người anh hùng làng Gióng để lại trên mảnh đất này là những bụi tre đằng ngà vàng óng ả, tương truyền đó là những bụi tre của Phù Đổng Thiên Vương nhổ làm vũ khí đập vào đầu quân giặc, khi ngựa hét ra lửa làm cho các bụi tre ấy có màu vàng rực rỡ.

Nếu có điều kiện, hãy đến làng Ngà trong “Làng Do Nha ngày nay” và làng Ngà ngoài “Làng Phương Cầu ngày nay” để thăm những bụi tre đằng ngà và những hồ ao liên tiếp, cùng roi đá, ngựa đá do Phù Đổng Thiên Vương để lại. Thăm Phương Liễu, bạn như được sống lại thời kỳ lịch sử huy hoàng đó.

Dấu ấn lịch sử ghi lại, thế kỷ thứ VI, cuộc kháng chiến chống quân đô hộ của nhà Lương bên Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Triệu Quang Phục, người dân Phương Liễu đã anh dũng tham gia giải phóng kinh đô Long Biên, mở nền độc lập cho dân tộc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì kinh thành Long Biên nằm ở huyện Quế Võ ngày nay.

Dưới triều Lý Thái Tông (1028 - 1054), vào năm 1039 niên hiệu Càn phù, nước Đại Việt có giặc Chiêm Thành xâm lược. Thế nước lâm nguy, Triều đình cử Đại tướng Nguyễn Công Cự đem 3 vạn quân thủy, bộ song hành cùng tiến ra chống giặc: Quân ta bị thua ở Hưng Yên, rút về Lục Đầu Giang, quân Chiêm đuổi sát tới Giang Liễu. Trước thế giặc mạnh, Nguyễn Công Cự cho xây dựng đồn lũy ở khu rừng lim đại ngàn Giang Liễu để phòng thủ. Dựa vào địa thế hiểm yếu và đồn lũy vững chắc, quân ta đã chặn đứng được bước tiến của quân thù hung bạo. Đây là một cống hiến lớn về nghệ thuật quân sự của Đại tướng Nguyễn Công Cự trong chiến lược phòng thủ vững chắc để bảo toàn lực lượng và tiêu hao quân địch trước khi chuyển sang thế phản công.

Thời Lê Lợi đánh quân Minh cũng có những trận đánh đẫm máu diễn ra ở Phương Liễu và các làng mạc xung quanh. Những chiến tích đó ghi đậm công lao to lớn  và đóng góp hy sinh của người dân Phương Liễu.

Một điểm đến, 5 di tích lịch sử văn hóa

Đền Giang Liễu: Đây là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam, một nguồn lịch sử sống ghi lại thời kỳ Đại tướng Nguyễn Công Cự chiến đấu chống quân Chiêm trên mảnh đất Phương Liễu. Đền được xây dựng dưới vương triều Lý. Đền nằm ở phía Tây làng, có thế đất Long Chầu Hổ Phục.

Đình Giang Liễu: Đình được xây dựng trên một khu đất rộng, tương truyền là nơi đóng đại bản doanh của Đại tướng Nguyễn Công Cự. Đình được xây dựng đầu thế kỷ XVIII, thờ Thành Hoàng là Nguyễn Công Cự, người có công đánh giặc giữ nước đồng thời là nơi phối thờ ngũ vị Lôi công.

Đình Do Nha: Đình được xây dựng trên một gò đất cao, mặt quy về hướng Nam, đình thờ Thành Hoàng là 2 vị  Thánh Tam Giang: Trương Hống và Trương Hát (là hai anh em, danh tướng của Triệu Quang Phục). Đình được xây dựng từ lâu đời, có bình đồ kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, đình còn lưu giữ được các hiện vật quý: Kiệu bát cống, bộ Ngai thờ và bài vị có niên đại thế kỷ XVII.

Nghè Hà Liễu: Nghè làng Hà Liễu cổ có 3 nếp nằm song song hình chữ tam. Nghè thờ 3 vị thần trong ngũ vị Lôi công. Nghè còn lưu giữ được cuốn ngọc phả soạn năm Hồng Đức thứ nhất “1572” nói về thân thế các vị thần. Nghè nằm trong khu đất rộng phía Tây Bắc làng, được xây dựng năm 1911 đời vua Duy Tân. Hiện vật còn lại là chiếc chuông đồng có hoa văn tinh xảo, trên mặt có 3 chữ “Hà Liễu Hương” đúc năm Quý Sửu “1913” đời Vua Duy Tân và đôi Hạc thờ làm năm “1918” cùng nhiều cổ vật có giá trị: Bia đá, ngai thờ, bài vị, siêu, đao, bát biểu, sơn son thiếp vàng phía trên xà thượng treo bức hoành phi Thanh Đàng Vũ Trụ “nổi danh trên trời”.

Chùa Giang Liễu: Chùa Giang Liễu, tên chữ là Hưng Phúc tự, được xây dựng dưới vương triều Lý. Chùa hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ quý: 2 pho tượng cổ, hệ thống bia đá thời Lê - Nguyễn, một chóe cổ thời Lê, bát hương, tháp gỗ được trạm khắc tinh xảo. Hàng năm cứ đến ngày 12/3 và 20/10 âm lịch, làng mở hội chùa. Những năm hạn hán, nhân dân lại tổ chức lễ cầu mưa, đều rất linh nghiệm.

Đặc biệt, về Phương Liễu có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như: Thi hát Chèo, hát Trống quân, hát Quan họ, thi dệt vải, thi bổ cau, đánh vật, đu, cờ. Đặc biệt là hội thi ăn để tìm ra các “trạng ăn” của vùng quê Quan họ, thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ, đúng như ca dao dân ca đã từng ca ngợi:

Vui nhất là hội chùa Thầy,

Vui thì vui vậy không tày chùa Giang.

Bên cạnh đó, du lịch lễ hội tham quan di tích lịch sử văn hóa ẩm thực đang bùng phát ở làng quê Phương Liễu, thu hút các thực khách tham quan và thưởng thức.

 

Nguyễn Hải Trưng (Chủ tịch UBND xã Phương Liễu)

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top