Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 5 năm 2022 | 21:52

Về thăm xã nông thôn mới kiểu mẫu Tượng Sơn

Về Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) hôm nay không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế…khang trang, đạt chuẩn, mà “cốt lõi” hơn, đó là đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.

Tượng Sơn là xã bãi ngang của huyện Thạch Hà với điểm xuất phát thấp, khi bước vào xây dựng NTM thu nhập bình quân đầu người là 7,57 triệu đồng/năm. Thế nhưng đến nay, sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Tượng Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

 

ts7.jpg
Đến cuối năm 2021, Tượng Sơn có mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 54 triệu đồng/năm, cao nhất trong nhóm các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Tĩnh.

"Từ chỗ vườn tược bỏ hoang, cỏ dại mọc ngang người nhưng qua xây dựng NTM, gia đình chúng tôi đã được hướng dẫn, giúp đỡ cải tạo vườn tạp, cung cấp giống, kỹ thuật để trồng các loại rau màu. Nhờ đó, trên diện tích hơn 1.000 m2 đất vườn, gia đình đã trồng được các loại rau màu, 4 mùa xanh tốt, mùa nào rau nấy. Làm vườn không chỉ đẹp cho cảnh quan, môi trường mà còn có thu nhập khá” - chị Bùi Thị Tuyết ở thôn Hà Thanh phấn khởi cho biết.

Năm 2015, khi phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn được phát động triển khai, khu vườn của gia đình chị Tuyết cũng thay đổi từng ngày. Vườn rau, quả của chị Tuyết được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và trở thành là 1 trong những thành viên sản xuất vệ tinh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà (Tượng Sơn).
 
ts19.jpg
Vườn mẫu ở Tượng Sơn được quy hoạch bài bản
 
 
Với lợi thế ven đô, xã Tượng Sơn được biết đến là vựa rau lớn nhất tỉnh, chuyên cung cấp rau xanh cho thị trường thành phố Hà Tĩnh. Đặc biệt, qua chương trình xây dựng NTM, người dân Tượng Sơn đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa khoa học kĩ thuật, chọn giống, cải tạo đất, thâm canh đạt năng suất cao.
 
Đến nay, toàn xã có 4 vùng sản xuất rau củ quả tập trung có diện tích từ 2 ha trở lên, trong đó 3 vùng đã lắp đặt hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước, sản xuất chuyên canh trong năm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó là hơn 500 vườn hộ trồng rau màu, chăn nuôi gà, vịt có thu nhập từ 40 - 120 triệu đồng/năm. Sản phẩm rau, củ, quả của Tượng Sơn đã được cấp chứng chỉ VietGAP, được đối tác là các siêu thị, công ty cung ứng rau quả trong và ngoài nước tìm đến ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm.
 
 
ts5.jpg
Bình yên xã nông thôn mới Tượng Sơn.
Để có thu nhập bình quân đầu người trên 54 triệu đồng/năm thì thu nhập từ vườn hộ của người dân Tượng Sơn chưa phải là thu nhập chính. Với sự năng động, nhạy bén thị trường và lợi thế ven đô, người dân Tượng Sơn còn có rất nhiều ngành nghề mang lại thu nhập cao như: thương mại dịch vụ, xây dựng, cơ khí, điện máy, xuất khẩu lao động và nuôi trồng thuỷ sản.
 
“Toàn xã có 50 hộ có ki-ốt kinh doanh bám tỉnh lộ 27, 50 hộ buôn bán trong chợ Thành Bình, 9 tổ xây dựng với 100 lao động, 2 tổ lắp điện dân dụng với 30 lao động, 2 doanh nghiệp với 50 lao động. Tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh này đang tạo việc làm ổn định cho người dân Tượng Sơn với mức thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Tượng Sơn đang có hơn 200 người đi xuất khẩu lao động, hàng năm đưa về khoảng hơn 30 tỷ đồng. Đây là thu nhập chính để đưa con số thu nhập chung của xã lên trên 54,02 triệu đồng” – ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho hay.
 
Một nguồn thu nhập lớn của người dân Tượng Sơn đó là nuôi trồng thủy sản. Hiện, trên địa bàn đang triển khai 130 ha nuôi trồng thủy sản mặn lợ với các sản phẩm chủ lực: tôm, cua, cá bống bớp, chạch sụn... Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản điển hình như hộ ông Nguyễn Trọng Túc, ông Nguyễn Trọng Nga (thôn Bắc Bình); anh Nguyễn Văn Tuấn, anh Nguyễn Xuân Phúc (thôn Hà Thanh) cho doanh thu bình quân mỗi hộ trên 1 tỷ đồng/năm.
 
ts3.jpg
Đường vào trung tâm hành chính xã NTM kiểu mẫu Tượng Sơn, Thạch Hà.
Kinh tế phát triển là điều kiện để người dân Tượng Sơn đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Hiện, trên địa bàn có 7/7 khu dân cư kiểu mẫu với các nhà văn hóa, khu thể thao tại các khu dân cư đạt chuẩn. Sau những giờ lao động, kinh doanh mệt nhọc, người dân Tượng Sơn lại tập trung tại các sân thể thao, nhà văn hóa để giao lưu thể thao, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó.
 
“Bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, Tượng Sơn luôn chú trọng đến vấn đề an ninh trật tự thôn xóm. Các mô hình tự quản, liên kết bảo vệ an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nhiều năm liền, trên địa bàn Tượng Sơn không có khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự, không có công dân thường trú ở xã phạm tội. Đây cũng là một trong những mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM đã, đang được Nhân dân Tương Sơn gìn giữ, phát huy” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Dương Kim Huy khẳng định.
 
 
 
Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top