Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2019 | 11:41

Việc làm cho phụ nữ nông thôn ĐBSCL còn nhiều thách thức

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, chế biến, du lịch và tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ.

pn.jpg
Một bộ phận phụ nữ sau 35 tuổi không còn được làm việc hoặc không xin được việc trong các công ty xí nghiệp, các chị về địa phương làm những nghề tự do để kiếm sống, cuộc sống vất vả do thu nhập không ổn định.

 

Nhưng, hiện khu vực này đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ mục đích khác… kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của người dân khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đối với lao động nữ.

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) vừa tổ chức Hội thảo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: cơ hội và thách thức”.

Chưa tận dụng hết tiềm năng

Báo cáo nghiên cứu của IPSARD nhận định, tỷ lệ nữ tham gia lao động trên tổng số lao động cả nước trong năm 2018 là 47,8%, thì con số này tại vùng ĐBSCL chiếm đến 65,7%. Mặc dù vậy, thu nhập bình quân của lao động nữ trong lĩnh vực nông lâm thủy sản lại thấp hơn của nam giới và khoảng cách đang có xu hướng ngày càng nới rộng với mức chênh lệch từ 1,3 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên đến 1,43 triệu đồng/người/tháng.

Không những vậy, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động nữ tại vùng ĐBSCL cũng luôn cao hơn nam giới, với tỷ lệ tương ứng trong năm 2018 là 3,57% so với 2,02% và 2,84% so với 2,78%.

Theo IPSARD, trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách về đào tạo và việc làm cho lao động nữ cả nước nói chung và lao động nữ ĐBSCL nói riêng đã được ban hành. Cụ thể, Quyết định số 2351/QĐ - TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020; đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020” cùng các đề án đào tạo lao động và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ thất nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn lực sản xuất, cơ hội đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp của lao động nữ ĐBSCL vẫn thấp toàn diện so với mặt bằng chung của cả nước.

Định kiến xã hội ảnh hưởng đến năng lực kinh doanh của phụ nữ

Sóc Trăng có 323.515 hộ dân cư, trong đó có 29.494 hộ nghèo, chiếm 9,11%. Các cấp Hội tiến hành rà soát hộ HVPN nghèo, hộ nghèo do nữ làm chủ hộ từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. Theo số liệu thống kê của 11/11 đơn vị, hiện có 10.346 hộ HV nghèo; 11.724 hộ nghèo do nữ làm chủ, trong đó có 3.830 hộ HV nghèo là chủ hộ. Có 2.793 hộ HV đăng ký thoát nghèo.

Theo Trưởng ban Kinh tế Gia đình Nguyễn Thị Kim Hương (Hội LHPN Sóc Trăng), thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939) hỗ trợ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững Năm 2019, mặc dù được các cấp Hội quan tâm thực hiện nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề ra đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, do những định kiến xã hội còn tồn tại như cho rằng “công việc gia đình” là của phụ nữ; “làm kinh tế, kiếm ra tiền” là công việc chủ yếu của nam giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tự tin, tính mạnh dạng và sự quyết tâm làm kinh doanh của phụ nữ.

Ngoài ra phụ nữ còn có những khó khăn khi làm kinh tế như: Gánh nặng gia đình, thiếu kiến thức kinh doanh và thông tin thị trường, ít giao tiếp xã hội, dễ dãi, cả tin nên dễ bị lừa

Hạn chế lớn nhất đối với phụ nữ làm nông nghiệp là: Chưa có cơ sở bao tiêu sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn do hội viên làm ra đôi lúc chưa có nơi tiêu thụ và giá cả còn thấp, việc liên kết xây dựng tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn.

Tình hình dịch bệnh, giá cả không ổn định ảnh hưởng thu nhập của chị em.

Các mô hình sản xuất kinh doanh chưa đa dạng, quá trình thực hiện chậm sơ tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình hiệu quả.

Do đó, lực lượng lao động nữ bỏ địa phương đi làm ăn xa khá nhiều, phụ nữ lao động trong các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thời gian chăm sóc gia đình, về tiền lương chưa đủ sống và lo cho gia đình.

Một bộ phận phụ nữ sau 35 tuổi không còn được làm việc hoặc không xin được việc trong các công ty xí nghiệp, các chị về địa phương làm những nghề tự do để kiếm sống, cuộc sống vất vả do thu nhập không ổn định.

“Nhà nước nên có chính sách đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các nữ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp khi chị em trên 35 tuổi có thể chuyển qua những khâu sản xuất phù hợp độ tuổi, trình độ tay nghề và sức khỏe chị em”, bà Nguyễn Thị Kim Hương nhấn mạnh.

Thiếu vốn

Bà Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hậu Thành, xã Long An, (Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết: Vĩnh Long là vùng đồng bằng chuyên về trồng lúa nước, bên cạnh đó cũng có nhiều nghành nghề khác nhau, nhưng vùng nông thôn thì có một số chị em phụ nữ không có điều kiện để ra thành thị học ngành nghề.

 

luc-binh.jpg
Giá nguyên liệu lục bình hiện rất cao giá từ 15 -17.000 đồng/kg có khi lên đến 22.000 đồng/kg, khó khăn trong việc xoay vòng vốn.

 

Có 3 nguyên nhân: Không có phương tiện, không vốn, gánh nặng gia đình nên chỉ biết học nghề thủ công mỹ nghệ tại nông thôn như: Đan lát; đan thảm lục bình, đan nhựa…

Nghề đan thảm lục bình là thuận hành nhất, vì chị em tận dụng nguồn nguyên liệu sẳn có tại địa phương khổi phải mua. Thu nhập bình quân từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng/tháng.

Nhu cầu sản phẩm lục bình vẫn còn nhiều và cơ hội phát triển nghề trong tương lai rất lớn. Tuy nhiên, đối với người lao động, muốn dựa vào nghề này để phát triển kinh tế gia đình, coi đó là nguồn thu nhập ổn định thì hiện đang đứng trước khó khăn như thiếu vốn mua nguyên liệu, vì giá nguyên liệu hiện rất cao giá từ 15 -17.000 đồng/kg có khi lên đến 22.000 đồng/kg, khó khăn trong việc xoay vòng vốn.

Do đó, để duy trì và phát triển nghề đan thảm lục bình thì vẫn cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng nhằm đề ra chính sách, phương hướng trong việc hỗ trợ vốn cho HTX duy trì hoạt động để tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời vận động tuyên truyền người dân trồng và khai thác nguyên liệu cây lục bình trong tự nhiệm hợp lý, có hiệu quả.

Cần chính sách phù hợp cho lao động nữ

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết, Hội LHPN tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện đề án 1956, 295 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn từ năm 2015 - 2020, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thông qua hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đề án sinh kế, chương trình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch...

Nhưng, một số địa phương, đơn vị chưa có sự phối hợp chặt chẽ, việc xác định đối tượng tập trung đôi lúc chưa chính xác, một số người dân còn thụ động, trông chờ, ỷ lại chưa tìm được giải pháp phát triển kinh tế cho hộ gia đình, công tác tư vấn định hướng, đào tạo nghề giải quyết việc làm còn chung chung, chưa chú trọng đến những giải pháp mang tính bền vững; thiếu những quy hoạch tổng thể, căn bản ở địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội (chỉ tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi nhưng manh mún, nhỏ lẽ, không có đầu ra ổn định), công tác quản lý thiên tai, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường còn nhiều lỏng lẽo, rủi ro cao cho nông dân.

Do vậy, cần có chính sách sát thực tế hơn cho lao động nữ ĐBSCL như: Cần có một quy hoạch tổng thể vùng theo hướng sản xuất, dịch vụ theo thế mạnh của từng địa phương làm cơ sở cho việc thực hiện giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như mô hình liên kết sản xuất, HTX kiểu mới;

Thực hiện tốt công tác tư vấn, định hướng, hỗ trợ hộ gia đình, người lao động tiếp cận với các chính sách trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; hạn chế lực lượng lao động nữ ( trung niên) phải bỏ gia đình, quê hương đi lao động ở những khu cụm công nghiệp, thành phố lớn, rất nhiều rủi ro cho bản thân cũng như con cái và gia đình;

Có giải pháp tích cực, đồng bộ quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt, phòng trách, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; tìm đầu ra đồng thời với quản lý tốt giá cả thị trường;

Tiếp tục thực hiện công tác phân luồng cho học sinh, sinh viên tiếp cận được các chương trình đào tạo nghề, việc làm trong nước hoặc tham gia đi lao động ở nước ngoài;

Cần tiếp tục việc hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các đề án/chương trình ưu đải của Chính phủ trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của BCH Trung ương Đảng và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt, ĐBSCL điều kiện phát triển hiện nay còn thấp so với một số vùng trong cả nước

Lãnh đạo IPSARD cũng kiến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, nhất là thông qua chính sách hỗ trợ các DN khu vực ĐBSCL sử dụng nhiều lao động nữ hơn. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa lồng ghép nội dung bình đẳng giới để quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ khu vực nông thôn ĐBSCL thông qua các chương trình quốc gia về giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích đào tạo nghề, tạo việc làm cho nữ lao động, nhất là lao động nữ lớn tuổi; ưu tiêng cho vay vốn giải quyết công ăn việc làm đối với các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động nữ nông thôn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

 

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam xếp thứ 87 trong bảng xếp hạng chỉ số bình đẳng giới của WEF, tụt 10 bậc so với 2018, xếp thứ 31 về chỉ số cơ hội kinh tế. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao (71,5% so với trung bình 49,6% của thế giới), tỷ lệ nữ trong ngành nông nghiệp cao (56% tổng lao động nông nghiệp), nhưng chất lượng thấp, thiếu ổn định, thu nhập thấp.

Cách mạng KHCN 4.0 và hội nhập kinh tế là cơ hội đồng thời là thách thức. Nâng cao vị thế phụ nữ góp phần đảm bảo tính bền vững xã hội, tăng trưởng kinh tế, đóng góp tăng trưởng 0,218%.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top