Tham mưu, trình UBND tỉnh thu hồi, cho Công ty Xăng dầu Tuyên Quang thuê 5.000m2 đất xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), dường như Sở TN&MT Tuyên Quang đang bao biện cho việc làm của mình?
Tỉnh nói một đằng, sở nói một nẻo
Ngày 25/11/2019, Báo Kinh tế nông thôn nhận được Văn bản số 1362/STNMT-CCĐĐ của Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang ký ngày 11/11/2019, thông tin nội dung phản ánh của Báo Kinh tế nông thôn ngày 10/11/2019.
Về nội dung báo phản ánh liên quan đến việc chuyển đổi mục đích 5.000m2 đất lúa để xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu, Sở TN&MT Tuyên Quang cho biết, theo hồ sơ đất đai, diện tích 5.000m2 thu hồi để xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa thuộc nhóm đất phi nông nghiệp có nguồn gốc được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 769786 ngày 25/12/2013 cho Trạm Khuyến nông Chiêm Hóa. Diện tích nêu trên không phải là đất trồng lúa nên không thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, đất trồng lúa.
Về nội dung này, Báo Kinh tế nông thôn khẳng định, Sở TN&MT Tuyên Quang cho rằng "diện tích 5.000m2 thu hồi để xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại xã Phúc Thịnh" thuộc nhóm đất phi nông nghiệp là thiếu cơ sở.
Theo Quyết định số 118/QĐ-UB ngày 27/4/2005 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc thu hồi và giao đất xây dựng công trình: Trạm trình diễn khuyến nông huyện Chiêm Hóa có tổng diện tích thu hồi là 17.537,0m2, trong đó có tới 16.011,0m2 là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp 1.380m2, đất chưa sử dụng 146m2.
Tỉnh Tuyên Quang giao cho UBND huyện Chiêm Hóa 15.800m2 sử dụng vào mục đích xây dựng trạm trình diễn khuyến nông huyện Chiêm Hóa (Xây dựng mô hình sản xuất và nuôi trồng thủy sản - PV); 1.737m2 đất còn lại giao cho xã Phúc Thịnh quản lý làm hành lang giao thông.
Như vậy, 15.800m2 đất UBND tỉnh Tuyên Quang giao để xây dựng trạm trình diễn khuyến nông huyện Chiêm Hóa gần như 100% là đất nông nghiệp.
Đến ngày 25/12/2013, Sở TN&MT thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 769786 cho Trạm Khuyến nông Chiêm Hóa.
Vậy, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trạm Khuyến nông Chiêm Hóa, Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang đã chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp? Có lẽ là chưa, vì:
Thứ nhất, trong Văn bản số 2928/UBND-CN ngày 29/9/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang đồng ý chủ trương để Công ty Xăng dầu Tuyên Quang - Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh khẳng định rõ, 5.000m2 đất, hiện trạng là đất trồng lúa nước do Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa quản lý và sử dụng.
Thứ hai, trong Văn bản số 952/UBND-TNMT, ngày 26/7/2019, của UBND huyện Chiêm Hóa do ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện ký tiếp tục khẳng định hiện trạng sử dụng đất trên là đất chuyên trồng lúa nước.
Như vậy, 5.000m2 đất UBND tỉnh Tuyên Quang cho Công ty Xăng dầu Tuyên Quang - Công ty TNHH MTV thuê đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh vẫn là đất nông nghiệp. Khi xây dựng cửa hàng xăng dầu phải chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp.
Việc Sở TN&MT Tuyên Quang cho rằng 5.000m2 đất cho Công ty Xăng dầu Tuyên Quang thuê là đất phi nông nghiệp nên không cần chuyển đổi là không có cơ sở, nếu không nói là Sở này đang bao biện cho dấu hiệu sai phạm.
Qua đây, đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang rà soát lại quy trình Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 769786 cho Trạm Khuyến nông Chiêm Hóa xem đã đúng quy định?
Có thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn?
Về việc đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu, Sở TN&MT Tuyên Quang cho biết, dự án xây dựng cửa hành kinh doanh xăng dầu do Công ty Xăng dầu Tuyên Quang đề xuất đầu tư theo quy định tại Điều 32, Luật Đầu tư, thực hiện tại địa bàn huyện Chiêm Hóa (địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục số II, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) ngày 12/11/2015 của Chính phủ.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013; khoản 1, Điều 110, Luật Đất đai năm 2013, hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) tại Văn bản 1281/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 7/9/2015, thì việc thực hiện dự án sản xuất kinh doanh (xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu) trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) không thuộc trường hợp phải giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo Sở TN&MT Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Hảo, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh không phải là thôn, xã đặc biệt khó khăn. Chiêm Hóa cũng không phải là huyện 30a.
Để làm rõ thông tin “trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có phải là địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", phóng viên đã trao đổi với ông Hoàng Văn Hảo, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Ông Hảo cho biết, theo Quyết định 582/QĐ - TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, huyện Chiêm Hóa có 20 xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, Phúc Thịnh không nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn. Thôn Phúc Tâm cũng không phải là thôn đặc biệt khó khăn. Chiêm Hóa cũng không phải là huyện 30a.
Về tên gọi, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa “địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, theo ông Hảo, gọi như thế là không đúng, không gọi là địa bàn mà gọi là thôn, xã đặc biệt khó khăn. Mà thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh không phải là thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Như vậy, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh không phải là thôn, xã đặc biệt khó khăn. Chiêm Hóa cũng không phải là huyện 30a.
Đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang rà soát, kiểm tra làm rõ Dự án xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại xã Phúc Thịnh có thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.