Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 1 năm 2015 | 9:58

Vụ đền bù nhầm 78 tỷ ở Từ Liêm: Quyền lợi của người dân bao giờ được đáp ứng?

78 tỷ đồng là số tiền nhẽ ra 37 hộ dân mất đất phục vụ GPMB khu đô thị Tây Hồ Tây phải được hưởng. Tuy nhiên, từ một công văn “bất thường” của UBND TP. Hà Nội, nguồn tiền trên đã không được chuyển đến đúng địa chỉ cần đến, khiến người dân khiếu kiện nhiều năm qua.

37 hộ dân trước đây là cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118 tại xã Cổ Nhuế (Từ Liêm - Hà Nội) “bỗng dưng” dính vào vòng khiếu kiện từ khi TP Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc mở đường số 4 vào khu đô thị Tây Hồ Tây.

Ông Trần Thuân, trú tại số 4, ngõ 16/1 phố Thái Hà - Đống Đa (Hà Nội), đại diện cho 37 hộ gia đình, cho biết: Năm 1994, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1057/QĐ-UB về việc giao quyền sử dụng đất cho Công ty Công trình giao thông 118 (Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông I - Bộ Giao thông Vận tải) 5.800m2 đất tại xã Cổ Nhuế. Ngay sau khi có quyết định giao đất, Công ty Công trình giao thông 118 đã thu của 37 hộ gia đình là CBCNV đóng góp tổng số tiền là 3.096.000.000 đồng nộp cho Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng.

 

Văn bản "bất thường" của UBND TP Hà Nội khiến 37 hộ dân điêu đứng.

 

Ban lãnh đạo Công ty Công trình giao thông 118 đã phân đất cho 37 hộ đã đóng tiền, sau đó các hộ đều đã xây dựng nhà và ăn ở ổn định không xảy ra tranh chấp suốt từ năm 1995 đến nay.

Ngày 18/2/2008, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 692/QĐ-UBND do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký về việc thu hồi 72,927m2 đất tại xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, giao cho Ban Quản lý và đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội để xây dựng tuyến đường số 4, khu đô thị Tây Hồ Tây (trong quyết định này có thu hồi toàn bộ diện tích của Công ty Công trình giao thông 118 và diện tích nhà, đất của 37 hộ dân nói trên).

Trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ là CBCNV Công ty Công trình giao thông 118; mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng vào tài khoản của Công ty cổ phần 118, khiến sự việc phức tạp và khiếu kiện đến nay. Bởi, sau đó Công ty Công trình giao thông 118 cổ phần hóa và Công ty cổ phần Alphanam đã mua toàn bộ cổ phần của Công ty cổ phần 118. Đến cuối năm 2010 đã đổi tên thành Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Alphanam. 

Nguyên do sự việc xuất phát từ một công văn bất thường của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội. Bởi, khi dự án đang được tiến hành, 37 hộ dân đã bàn giao đất cho UBND TP Hà Nội thì ngày 22/3/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội bất ngờ có văn bản số 787/TN&MT-KHTH do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở ký báo cáo, kiến nghị về việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khu đất của 37 hộ dân cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118.

Tại phần kết luận, kiến nghị này đưa ra đề xuất: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118 một khu đất nằm ở vị trí khác có diện tích khoảng 4.000m2 trên địa bàn huyện Từ Liêm để công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư...".

Từ đề xuất bất thường của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, ngày 7/4/2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2333/UBND-XD do ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố ký ban hành chấp nhận với đề nghị của liên ngành, yêu cầu: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118".

Từ văn bản này của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm cùng Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã "răm rắp" tiến hành các bước tiếp theo bất chấp Quyết định số 692/QĐ-UBND ban hành trước đó.

Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã kiên quyết không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ là CBCNV Công ty Công trình giao thông 118; mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng vào tài khoản của Công ty cổ phần 118.

Trước sự việc trên, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có Công văn số 169/VPBCĐ-VIV ngày 22/4/2011 gửi trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng ban chỉ đạo TP Hà Nội về Phòng chống tham nhũng nêu rõ: "Việc chỉ đạo giải quyết theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty 118 là không phù hợp vì nguồn gốc số tiền bồi thường hỗ trợ tiền sử dụng đất là tiền của các hộ gia đình đóng. Công ty CP 118 là một pháp nhân mới, hoàn toàn không phải là đối tượng thụ hưởng, không có trách nhiệm đại diện cho các hộ gia đình.

Thêm nữa, sau khi chuyển số tiền bồi thường hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng vào tài khoản, Công ty CP 118 có Văn bản số 352/VP xác định rõ: Số tiền bồi thường, hỗ trợ trên có nguồn gốc từ tiền nộp thuế sử dụng đất của cán bộ, công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp, khi cổ phần hóa không đưa giá trị lô đất vào doanh nghiệp.

 

Văn bản giải quyết mới đây của UBND TP Hà Nội vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân

 

Trước đơn kêu cứu liên tiếp gửi các cơ quan chức năng về sự việc của hàng chục hộ dân, ngày 23/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1912/VPCP-KNTN gửi Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội với nội dung giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan kiểm tra nội dung khiếu nại, phản ánh của ông Trần Thuân và 37 hộ gia đình tại xã Cổ Nhuế - Từ Liêm, kiến nghị biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Ngày 21/4/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 165/TB-VPCP giao UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng giải quyết khiếu nại của ông Trần Thuân và 37 hộ dân.

Ngày 12/12/2014, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 9730/UBND-TNMT gửi ông Đào Quang Động và các hộ dân. Công văn của UBND TP Hà Nội nêu: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP Hà Nội giải quyết khiếu nại của công dân theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân và Công ty Công trình giao thông 118 (nay là Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA).

Trên cơ sở cuộc họp ngày 5/5/2014 tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA đã có Văn bản số 58/BC/DAX ngày 16/9/2014 báo cáo đề xuất đầu tư dự án (tại vị trí UBND TP Hà Nội giới thiệu) làm trụ sở kết hợp nhà ở.

“Những nội dung liên quan đến giao dịch dân sự giữa Công ty Công trình giao thông 118 (nay là Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA) đề nghị các công dân có quyền, lợi ích liên quan làm việc với Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA để thỏa thuận, giải quyết”, Công văn của UBND TP Hà Nội nêu.

Tuy nhiên, các hộ dân không đồng tình với quyết định trên, cho rằng 37 hộ dân đang đi đòi 78 tỷ đồng, số tiền đáng lẽ của các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ một dự án của TP Hà Nội được đem đền bù "nhầm" cho Công ty CP 118 chứ không phải để phối hợp với Công ty Công trình giao thông 118 MOMOTA làm dự án.

Đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân./.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top