Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 6 năm 2020 | 15:2

Xây dựng nông nghiệp đô thị ở Mê Linh: Nhiều sáng tạo

Sau khi sáp nhập về Hà Nội (năm 2008), huyện Mê Linh đã có sự phát triển vượt bậc. Từ lợi thế sẵn có của địa phương, huyện xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn quan trọng và đã thu được nhiều thành tựu.

tr9.JPG
Ông Nguyễn Văn Luật giới thiệu về trang trại chuối của gia đình.
 

Quy hoạch khá đồng bộ

Nằm ở phía Tây Bắc và cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 30km, Mê Linh có diện tích tự nhiên 14.246ha, dân số xấp xỉ 226.800 người, có 18 đơn vị hành chính (gồm 16 xã và 2 thị trấn); hệ thống giao thông tương đối phát triển, có đường bộ, đường sắt, đường sông và gần với sân bay quốc tế Nội Bài.

Địa hình của Mê Linh tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam theo hướng ra sông Hồng. Nơi đây được chia làm 3 tiểu vùng cơ bản, gồm: tiểu vùng đồng bằng (chiếm 47% diện tích tự nhiên), tiểu vùng ven đê sông Hồng (22%), tiểu vùng trũng (31%).

Theo Quyết định số 6694/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh đến năm 2030 tầm nhìn 2050, tỷ lệ 1/10.000, Mê Linh được định hướng phát triển không gian thành 02 vùng chính: vùng đô thị và vùng nông thôn.

Với quy hoạch như vậy nên không gian tự nhiên và hệ thống khung giao thông chính của huyện được phân chia thành 07 khu vực kiểm soát và sự phát triển tương ứng gồm: Khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực thị trấn Kim Hoa, khu vực bãi sông, khu vực hành lang xanh, nệm xanh, khu vực dịch vụ du lịch sinh thái.

Nhờ có  quy hoạch cụ thể nên việc tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn Mê Linh cũng được thực hiện khá tốt, huyện đã phê duyệt quy hoạch sản xuất đầy đủ cho 13/18 xã, thị trấn, hình thành 143 vùng sản xuất với tổng diện tích 5.300ha; cơ cấu cây - con chính  là lúa chất lượng cao, cây ăn quả, hoa, cây cảnh và nuôi trồng thủy sản.

Sáng tạo trong chỉ đạo

Trong quy hoạch sản xuất, UBND huyện đã hoàn thành việc quy hoạch cho 13/18 xã, thị trấn. Với quan điểm, quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tạo khả năng cạnh tranh và tính bền vững cao; quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ; quy hoạch sản xuất phải gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đồng thời đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, hình thành nhiều các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Một trong các xã đã được UBND huyện Mê Linh ban hành Quyết định về quy hoạch sản xuất là xã Hoàng Kim. Theo Quyết định số 1168/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp xã Hoàng Kim giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, nêu rõ: Quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp của xã Hoàng Kim còn là 323,52ha, chiếm 84,78% diện tích sản xuất, giảm 28,19ha so với năm 2016; các vùng cây trồng, vùng chăn nuôi được quy hoạch rõ ràng, số lượng, diện tích rất cụ thể.

Cùng với đó, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được quy hoạch khá chi tiết; về quy hoạch giao thông nội đồng phải đảm bảo được bê tông và cứng hóa toàn bộ phục vụ tốt cả nhu cầu đi lại và nhu cầu sản xuất của người dân; quy hoạch hệ thống thủy lợi đảm bảo thông suốt quá trình vận hành, nắn hệ thống tiêu nước sinh hoạt của nhân dân ra kênh 11A, không cho chảy ra hệ thống thủy lợi của xã,...

Ông Ngô Văn Súy, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông, cho biết: Ngày 04/4/2008, thị trấn Chi Đông được thành lập với diện tích tự nhiên 486ha. Từ khi thành lập đến nay, hạ tầng đô thị của thị trấn đã thay đổi khá nhiều, một số diện tích đã được các cơ quan, doanh nghiệp về đầu tư, thuê đất. Hiện tại, tổng diện tích đất nông nghiệp của thị trấn còn khoảng  90ha, trong đó đất thuộc phân khu đô thị GN (đất dải cây xanh) theo quy hoạch của thành phố là 50ha; còn lại trên 40ha đã được quy hoạch làm khu công nghiệp nhưng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp vẫn chưa triển khai.

Mặt khác, do thị trấn gần khu công nghiệp, nhiều công ăn việc làm khác cho thu nhập cao hơn làm ruộng cũng là nguyên nhân bà con không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND thị trấn đã chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Chi Đông xây dựng phương án sản xuất nhằm phát huy hiệu quả tài nguyên đất.

 

tr10.JPG
Mô hình nuôi chim bồ câu của hộ ông Trương Văn Thao (Văn Khê - Mê Linh).

 

Ông Nguyễn Quang Chúc, Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm 2019, HTX đã cơ cấu lại toàn bộ, hiện nay, chúng tôi có 9 thành viên. Năm 2020, HTX tiến hành gom ruộng, thuê ruộng của bà con địa phương để tiến hành cải tạo, tiến hành sản xuất những cây trồng phù hợp với chất đất hiện tại và nhu cầu cao của thị trường. Đến nay, HTX đã gom được 1,2ha, một số diện tích đang tiến hành cải tạo đất, có khoảng 0,5ha đất sản xuất ngay được, chúng tôi đang trồng dưa.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn

Trên cơ sở quy hoạch, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn ở Mê Linh đã triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung. Cụ thể, đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô từ 50ha trở lên tại các xã Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa, Tự Lập; vùng sản xuất rau, quy mô 70-200ha gồm các xã Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong, Văn Khê, Đại Thịnh; vùng sản xuất hoa, cây cảnh quy mô  20 - 190ha gồm các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa; vùng sản xuất cây ăn quả có quy mô từ 20ha trở lên gồm chuối ở Chu Phan, Hoàng Kim; bưởi ở Tráng Việt; vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, xa khu dân cư đã được hình thành gồm các xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng, Tam Đồng,...

Việc quy hoạch vùng chuyên canh đã tạo điều kiện cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mang lại hiệu quả tích cực nhiều mặt: khai thác tối đa được nguồn lực từ đất, đặc biệt là vùng trũng, vùng trồng lúa kém hiệu quả, vùng trồng màu năng suất thấp...

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó chủ tịch UBND xã Liên Mạc, cho biết: Năm 2011, Liên Mạc được TP. Hà Nội chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. Năm 2013, Liên Mạc đã cán đích nông thôn mới, hiện nay đang tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

“Theo quy hoạch về xây dựng nông thôn mới, ngay từ khi ấy, chúng tôi đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung như vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng rau màu, vùng trồng lúa chất lượng cao. Đặc biệt là vùng chăn nuôi tập trung với diện tích 31ha, được nhiều hộ dân đăng ký đầu tư, tổ chức sản xuất tập trung.

 

tr12.JPG
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Tạ Văn Duyên.

 

Ông Tạ Văn Duyên (Khu 11, thôn Bồng Mạc, xã Tam Đồng) chia sẻ: Năm 2013, gia đình đầu tư xây dựng mô hình trang trại VAC tổng hợp, với diện tích khoảng 4.000m2, tại khu chăn nuôi tập trung của xã. Chúng tôi tiến hành đào ao, xây dựng chuồng trại, trồng cây, nuôi lợn, gà, vịt, thả cá,... hàng năm doanh thu ước đạt trên 3 tỷ đồng.

Ông Duyên bộc bạch thêm: Việc có khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có nhu cầu mở rộng phát triển kinh tế là rất tốt. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, chăn nuôi trong khu vực này hiện vẫn còn một số bất cập bởi một số hộ đã nhận đất ở khu chăn nuôi tập trung nhưng vẫn sản xuất lúa; khi họ phun thuốc ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi, thả cá của chúng tôi.

Bà Trịnh Thị Nghinh, chủ trang trại có diện tích rộng 6,2ha trong khu vực chăn nuôi tập trung của xã, cho biết: Gia đình thuê của UBND xã khu đất này từ năm 2017. Chúng tôi đầu tư hơn 6 tỷ đồng để trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và đào ao thả cá. Tới nay, một số cây ăn quả như bưởi Diễn đã bắt đầu cho thu hoạch; thu nhập từ nuôi vịt mỗi năm cũng đạt khoảng 300 triệu đồng; đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 người, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. 

Ở xã Văn Khê có tới vài chục hộ thuê bãi của dân để làm trang trại tổng hợp hoặc chuyên canh rau màu với diện tích từ 1.000m2 đến vài hecta. Tới khu vực này, chắc ai cũng phải thán phục sự hăng say và sáng tạo của người dân nơi đây bởi sự đa dạng về cây - con, đa dạng về mô hình phát triển kinh tế; “lạc” vào đây, mọi người đều muốn khám phá, tìm hiểu và tham quan.

Năm nay 64 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Luật, xóm Đền (thôn Khê Ngoại) vẫn thoăn thoắt làm việc, hình như mưa nắng không thể gây khó cho ông. Năm 2007, gia đình ra vùng bãi này thuê khoảng 5ha đất của dân trong xóm để sản xuất, trồng khoai, trồng rau, trồng chuối và chăn nuôi gà, vịt, lợn. Sau nhiều lần đáo hạn thuê (5 năm một lần), tới nay, gia đình chỉ còn thuê khoảng 2ha với 3 khu vực; mỗi khu vực có một mô hình khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là trồng chuối và thả gà”, ông kể.

Hiện nay, trang trại của gia đình ông Luật có khoảng 2.700 gốc chuối, 2 vạn con gà, 1.000 con vịt; được biết, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi vài trăm triệu đồng.

Cách trang trại nhà ông Luật không xa là mô hình trồng rau màu tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Bắc (xóm San, Khê Ngoại). Ông Bắc cho biết: Tôi thuê hơn 1000m2 đất bãi này chủ yếu là của người nhà, giá thuê kỳ này là 7,5 triệu/sào/5 năm, trả tiền ngay từ đầu. Từ năm 2013, gia đình tôi đã thuê đất ở đây để sản xuất. Tuy diện tích không lớn nhưng có được mặt bằng và hạ tầng sản xuất gồm điện, nước như hôm nay, chúng tôi cũng đã phải đầu tư vài chục triệu đồng.

 Nhờ sự luân canh rau màu trên vùng đất bãi này, kinh tế gia đình ông đã có của ăn, của để; việc chăm sóc bố mẹ già thêm phần trọn vẹn; hai con đều  ngoan, học giỏi. “Với tôi, việc có thêm thu nhập, điều kiện kinh tế để phụng dưỡng bố mẹ và lo cho các cháu ăn học là rất quan trọng nên có vất vả đến đâu, tôi cũng thấy vui”, ông Bắc nói.

Bên cạnh những trang trại tổng hợp, những mô hình chuyên rau màu, vùng bãi Văn Khê còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế độc đáo, đáng kể đến là mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình ông Trương Văn Thao (xóm Vực, thôn Khê Ngoại).

Cách đây 2 tháng, gia đình ông Thao thuê vùng đất bãi để xây dựng chuồng trại, tới nay, việc xây dựng cơ bản gần xong, những dãy lồng chim đã được đưa về để chăn nuôi. Ông Thao tươi cười nói: Trước đây gia đình nuôi chim ở nhà. Để phát triển hơn, chúng tôi ra đây thuê lại đất của người khác. Với diện tích chuồng rộng hơn 600m2, tôi dự kiến nuôi khoảng 3.000 đôi, doanh thu mỗi tháng ước đạt 50 triệu đồng.

Sáng tạo trong tổ chức sản xuất

 Hàng năm, UBND huyện Mê Linh luôn chỉ đạo sát sao việc lập kế hoạch sử dụng đất tại các xã, thị trấn; đặc biệt là việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây lâu năm khác hoặc sang nuôi trồng thủy sản, hình thành khu chăn nuôi tập trung,... Việc giám sát cũng được người có trách nhiệm và cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm nên tỷ lệ bỏ ruộng hoang  trên địa bàn huyện hầu như không có; có chăng chỉ là những vùng đang nằm trong quy hoạch, thiếu nước, sản xuất không đảm bảo.

 

tr13.JPG
Hoa chậu ở xã Mê Linh phát triển mạnh.

 

Ngoài công tác xây dựng và triển khai các kế hoạch sản xuất, công tác tuyên truyền về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản tới người dân cũng được Mê Linh triển khai khá tốt. Tháng 9/2019, Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP của Thủ đô được tổ chức, ngay từ ngày đầu chuẩn bị, hệ thống loa truyền thanh của các xã, thị trấn đã tuyên truyền mạnh để người dân tiếp cận, mua sắm; cho các HTX, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của đơn vị mình. Trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ 06 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm,...

Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, chia sẻ thêm: Ngoài việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, đề án cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp cũng được Mê Linh triển khai mạnh mẽ.

Đến nay, toàn huyện đã có 168 máy làm đất, 48 máy gặt đập liên hợp, 176 máy vò tuốt lúa, 3 máy cấy, 6.500 máy phun thuốc bằng động cơ; khâu làm đất bằng máy đạt tỷ lệ 85% diện tích; 70% diện tích lúa sử dụng máy gặt đập liên hợp; 10% diện tích lúa được cấy bằng phương pháp mạ khay; 90% diện tích cây trồng sử dụng máy phun thuốc động cơ tự động.

Ngoài ra, UBND huyện luôn khuyến khích nhân dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; phát huy tối đa các quỹ đất hiện có trong khu đô thị, khu quy hoạch đô thị để sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn.

Vai trò của khuyến nông

Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Mê Linh được thực hiện khá tốt, nhiều cây con mới được đưa vào sản xuất, chăn nuôi; nhiều cây thế mạnh được tiếp tục phát huy. Nổi bật chính là cây hoa, Mê Linh có được mệnh danh vựa hoa hôm nay là nhờ sự nỗ lực rất lớn của nhân dân và chính quyền địa phương và sự góp sức của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

Ông Nguyễn Như Tường, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Văn Quán (xã Văn Khê) chia sẻ: Trước đây, bà con trong thôn Văn Quán và xã viên HTX chủ yếu chỉ trồng rau màu. Từ năm 2007, bà con đã chuyển sang trồng hoa nhiều hơn; thu nhập từ hoa cao hơn các cây rau màu khác nên diện tích của các thành viên HTX không ngừng mở rộng. Hoa của HTX chủ yếu là hoa hồng, một số loại khác cũng trồng những diện tích nhỏ; trong những giống hoa hồng bà con đang trồng có cả giống hoa hồng Pháp do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ giống từ năm 2012.

Ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Tự Lập, xã cách xa trung tâm huyện, cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 10ha hoa, trong đó có gần chục hộ là người dân trong xã trồng; số còn lại là người dân xã Đại Thịnh (Mê Linh) tới thuê đất sản xuất. Năm 2018 – 2019, HTX Rau quả sạch Phú Mỹ (HTX nằm trên địa bàn xã) đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ một số bầu hoa; Năm 2019 – 2010, tiếp tục được Trung tâm hỗ trợ kho lạnh bảo quản nông sản với mức 150 triệu đồng, trong đó HTX đối ứng 50%. Dù mới đi vào trồng hoa nhưng hoa của HTX phát triển khá tốt, đây thực sự là mô hình điểm để bà con nhân dân trong xã học tập làm theo, mở rộng diện tích hoa, ông Khánh nói.

Một số bài học rút ra

Tại Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 của huyện Mê Linh, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đề nghị huyện căn cứ nguồn lực của địa phương để xây dựng kịch bản chi tiết cho tăng trưởng nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế như: hoa, rau an toàn.

Đặc biệt, Mê Linh là địa phương có điều kiện về cơ sở chăn nuôi, nguồn giống do vậy huyện cần đẩy mạnh việc tái đàn lợn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng; có kế hoạch và giải pháp để phát triển các sản phẩm tham gia mạnh vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Sự xuất hiện nhiều mô hình nhà vườn hoa ở xã Mê Linh không chỉ số lượng mà còn với quy mô ngày càng lớn là một bài học về việc thay đổi mô hình sản xuất từ trồng hoa hái cành sang trồng hoa trong chậu; hay những mảnh đất manh mún trên vùng bãi ven sông Hồng; xưa người dân Văn Khê thường chia cho các hộ, mỗi hộ một mảnh nhỏ để sản xuất thì nay vấn đề này đã được các chủ trang trại gom thầu, mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Một bài học lớn của tái cơ cấu nông nghiệp Mê Linh theo nông nghiệp đô thị là việc tuân thủ quy hoạch vùng sản xuất. Bởi vậy, để quê hương Mê Linh tiếp tục sáng lên, bên cạnh sự chỉ đạo về phát triển nông nghiệp theo quy hoạch của thành phố, Mê Linh cần khẩn trương rà soát các dự án không khả thi, nhất là các dự án trong khu quy hoạch đô thị để có giải pháp sử dụng đất cho hiệu quả.

Bài học lớn thứ hai là, để hạn chế "giải cứu", cần tổ chức tốt liên kết để phát triển cơ sở chế biến.

Bài học lớn thứ ba là, phát triển HTX làm cơ sở để ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bài học thứ tư là, sự phối hợp đồng bộ trong chuyển giao giống mới, tập huấn kỹ thuật và sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.

Bài học thứ năm là, khuyến khích sự chủ động sáng tạo của người dân trong xây dựng mô hình kinh tế mới, gắn nông nghiệp với du lịch - văn hóa với sự hỗ trợ phù hợp của chính quyền.

Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, nhiều vùng sản xuất tập trung sẽ phát triển, nông sản hàng hóa sẽ nhiều và chất lượng hơn, mang tới nguồn thu lớn cho địa phương và thêm nhiều công ăn việc làm bền vững cho người dân, phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2020.

Theo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội huyện Mê Linh năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 ước đạt 1.610 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 1.171 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2018.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thời gian tới, huyện Mê Linh cần tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhất là rau màu và hoa cây cảnh. Khuyến khích các hộ có đất nông nghiệp trong vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản quy mô trang trại…

Đồng thời, huyện cần tập trung tổ chức lại sản xuất theo hình thức chuỗi liên kết. Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng canh tác nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản, hàng hoá  cung ứng cho thị trường…

 

 

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
  • Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Xuyên suốt các hoạt động trong thời gian qua và sắp tới, Hội Làm vườn Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm vấn đề hợp tác, phối hợp công tác của Hội với ngành Nông nghiệp và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong và ngoài nước.

  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Top