Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.
Sản xuất thuận thiên
Còn nhớ mùa khô năm 2020, bên cạnh hình ảnh những cánh đồng khô khốc, nứt nẻ thì tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vẫn có những mô hình “sống cùng hạn, mặn” hết sức thú vị và hiệu quả. Đó là những mô hình trồng đậu xanh, bí đỏ, dưa gang trên nền đất lúa đang xanh tốt như thách thức cái nắng gay gắt của mùa khô. Đó còn là những ao cá sặc rằn được thả nuôi ngay sau khi mùa mưa vừa kết thúc để đến cuối mùa mưa năm sau thì thu hoạch bán cho cơ sở làm khô Tết. Vẫn còn đó hình ảnh hàng chục cái kiệu chứa nước mưa xếp hàng dài cặp bên hông nhà để sử dụng trong suốt mùa khô khá quen thuộc ở những vùng nông thôn Nam Bộ ngày xưa. Đó không chỉ là sự kế thừa kinh nghiệm, mà còn là sự tiến bộ của nông dân trong việc thích ứng với hạn, mặn.
Người dân chủ động tích trữ nước ngọt để ứng phó với hạn, mặn.
Quay lại tỉnh Sóc Trăng, ở vùng tứ bề sông, biển như Cù Lao Dung thì chuyện mùa khô bị mặn vốn được coi là bình thường, bởi họ vốn đã thích nghi từ hàng chục năm nay. Anh Hai Văn (Phạm Hồng Văn, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung) vẫn thường hay nói vui, mặn thì năm nào cũng có, nhưng tôi vẫn sống ở đây hơn 60 năm rồi có sao đâu! Ở cái xứ cù lao giữa sông lại giáp biển này, muốn sống và làm ăn được thì bắt buộc mọi người phải hiểu được chuyện nắng mưa, mặn ngọt; hiểu được đặc tính cây trồng, đồng đất và bây giờ thì có thêm chuyện nữa là phải cập nhật thông tin dự báo thời tiết, thủy văn thường xuyên, ngay từ khi mùa mưa vừa kết thúc.
Thích nghi với sự biến đổi không ngừng của khí hậu, thời tiết, những nông dân trên xứ cù lao này đã không ít lần thay đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Từ việc bỏ lúa chuyển sang trồng mía, trồng màu, rồi đến cây ăn trái và bây giờ có cả con tôm nước lợ ở những vùng giáp biển. Bởi vậy, đợt hạn, mặn năm nay đã là đợt hạn, mặn gay gắt thứ ba kể từ năm 2016 đến nay, nhưng cuộc sống, sản xuất của người dân nơi đây vẫn diễn ra hết sức bình thường, không có nhiều xáo trộn.
Tuy nhiên, cách thích nghi để lại ấn tượng nhất vẫn là mô hình “mùa nắng giữ vuông, mùa mưa trồng lúa” được nông dân Sóc Trăng và một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL thực hiện khá hiệu quả hàng chục năm qua với tên gọi: “mô hình tôm - lúa”. Đây được xem là mô hình thuận thiên có tính bền vững cao, đặc biệt là lượng phát thải khí nhà kính được các nhà khoa học đo đạc gần như bằng 0 (Net-Zero).
Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL thì các địa phương trong vùng phát triển theo hướng thuận thiên để vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa giúp phát triển một cách bền vững. Theo đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp cần chuyển đổi theo thứ tự ưu tiên: thủy sản, cây ăn trái và sau cùng là cây lúa. Tuy nhiên, việc khuyến cáo nông dân từ bỏ dù chỉ là 1 vụ lúa thôi cũng là rất khó. Đây cũng là nguyên nhân chính của những cuộc “xé rào” xuống giống lúa dẫn đến thiệt hại không đáng có trong mùa hạn, mặn, dù đã được thông báo từ rất sớm.
Theo cách lý giải của đa số nông dân làm lúa trong mùa hạn, mặn thì: “Làm lúa quen rồi, nên cũng dễ làm, chỉ cần có nước là dễ đạt năng suất và dễ bán được giá cao, trong khi mấy loại cây trồng khác thì tiêu thụ bấp bênh lắm”. Rõ ràng là nông dân vẫn biết trước là rủi ro nhưng họ vẫn chấp nhận đánh cược một phần vì chưa tìm được cây trồng thay thế, phần khác, cũng có những năm ngay trong thời gian hạn, mặn vẫn có đôi ba lần họ lấy được nước ngọt, giúp cây lúa trúng mùa, trúng giá.
Sử dụng tưới phun cho cây màu trong mùa khô để tiết kiệm nước, tăng hiệu quả sản xuất là một giải pháp hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, đối với năm cực đoan thì việc ứng phó theo tình huống là chấp nhận được và việc này đã được ngành nông nghiệp các tỉnh triển khai thực hiện rất tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần hiểu quy luật tự nhiên và thuận theo tự nhiên để hưởng lợi những gì tự nhiên mang lại.
Hay nói một cách khác, lẽ ra mặn cũng là cơ hội nếu chúng ta chủ động có mô hình thích ứng một cách hiệu quả nhất. Điều này đã được không ít nông dân vùng hạn, mặn vận dụng khá thành công bằng các mô hình thích ứng một cách chủ động, như: tôm - lúa, hay bỏ 1 vụ lúa để chuyển sang 1 vụ màu, hoặc trồng bắp sinh khối trong mùa khô để bán lại cho các trang trại nuôi bò làm thức ăn chăn nuôi…
Làm giàu nhờ thích ứng với hạn, mặn
Trước tình trạng hạn mặn ngày càng nghiêm trọng, nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất sang các loại cây trồng thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Thái Đắc Trọng, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ), sở hữu hàng nghìn chậu xương rồng trồng trong nhà kính - loại cây cảnh vô cùng được ưa chuộng. Với kinh nghiệm đúc kết được, từ 10 chậu xương rồng ban đầu, ông đã thuê 1.000m2 đất gần nhà để mở rộng sản xuất. Trên diện tích lớn, ông đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để trồng xương rồng trong nhà kính và nhập khẩu nhiều giống mới từ Thái Lan, Trung Quốc về thuần dưỡng và nhân giống.
Chủ động chuyển đổi cây trồng đề thích ứng với hạn, mặn đã mang lại hiệu quả cao.
Trồng trong nhà kính mang lại nhiều ưu điểm như quản lý nguồn nước tưới dễ dàng, cây ít bị nấm bệnh hơn. Các loại xương rồng chăm sóc tương tự nhau, chỉ cần đất thoáng, thoát nước tốt. Nhờ đúc kết được kinh nghiệm, hiện nay vườn của ông Trọng có hàng nghìn chậu xương rồng với hơn 500 chủng loại khác nhau. Giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng/chậu tùy loại. Mỗi tháng, ông xuất bán vài trăm cây thu nhập dao động 40-50 triệu đồng.
Trong điều kiện hạn hán như hiện nay, một loại cây trồng không tốn nhiều nước tưới đó là cây tre. Ông Nguyễn Văn Giao, ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ trồng tre tứ quý và có được nguồn thu nhập ổn định. Năm 2020, ông Giao quyết định đổi từ trồng mít sang trồng tre. Hiện, vườn của ông có tổng cộng 600 gốc tre tứ quý. Đây là loại tre rất khỏe mạnh, không bị sâu bệnh nên không tốn chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Ông Giao cũng đầu tư hệ thống tưới tự động để tiết kiệm nước và công lao động. Bên cạnh bán măng non, ông Giao còn tận dụng bán thân cây tre già cho người nuôi dúi, lá tre được bán cho một công ty ở Hà Nội. Mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.
Tại Vĩnh Long, ông Trần Ngọc Quận, ngụ huyện Bình Tân đã gặt hái thành công từ việc trồng giống mận hồng MST - loại cây ăn trái mới, trái to, màu sắc bắt mắt và thích hợp với điều kiện hạn hán gay gắt. Ông Quận chia sẻ, năm nay, nắng hạn gay gắt nhưng mận hồng vẫn sai trái vì cây không cần quá nhiều nước. Tôi cũng đầu tư hệ thống tưới nước tự động hơn 30 triệu đồng lắp xung quanh gốc để đỡ tốn công. Có thể nói loại loại cây ăn trái này rất phù hợp với điều kiện thời tiết cực đoan.
Trữ nước bằng lu, kiệu để sử dụng trong mùa khô là cách làm truyền thống rất hiệu quả của nông dân vùng hạn, mặn.
Tại hội thảo giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL được tổ chức tại TP. Cần Thơ, mới đây, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu ra những thách thức lớn của ĐBSCL, bên cạnh đó là nguồn nước mặt phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian. ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Về lâu dài, cần chú trọng đặc biệt trong quá trình đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển phù hợp với các vùng sinh thái (nước mặn, nước lợ, nước ngọt).
Ông Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, cần có các giải pháp thuận thiên là điều phải quan tâm để giữ được an ninh nguồn nước và cần phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng, công trình hồ chứa nước lũ và vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm, chuyển diện tích lúa - màu sang nuôi trồng thủy sản và tiết kiệm nước.
Có thể thấy, biến đổi khi hậu ngày càng gay gắt, thời tiết ngày càng cực đoan, bao giờ sản xuất thuận thiên, bao giờ mặn mới trở thành cơ hội và hàng loạt những câu hỏi bao giờ khác nếu không sớm có được câu trả lời thỏa đáng thì sản xuất vẫn còn bấp bênh, nông dân vẫn còn gặp khó trong mỗi mùa hạn, mặn.
Tổng hợp từ nguồn: baosoctrang; congannhandan; SGGP.
Sự khắc nghiệt của mùa đông tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam luôn đặt ngành thủy sản trước những thách thức lớn. Trước nguy cơ thiệt hại do rét đậm, rét hại, các địa phương đã triển khai hàng loạt biện pháp đồng bộ để bảo vệ động vật thủy sản, đảm bảo sinh trưởng và phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.