Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thiên nhiên ưu đãi cho Phúc Trạch một khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt để phát triển cây gió trầm. Theo người dân địa phương, cũng như cây bưởi, cây gió trầm trồng ở vùng đất Phúc Trạch sẽ phát triển tốt, trầm hương trong cây rất nhiều và thơm nhưng khi trồng tại các địa phương lân cận chất lượng lại không được như vậy. Năm 2020, Hội Trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây gió trầm tại xã Phúc Trạch xác định chất lượng cây và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch có chất lượng rất cao, “thuộc tốp đầu thế giới”.
Ông Nguyễn Văn Phương là một trong những hộ dân có nhiều cây gió trầm lâu năm của xóm 8, xã Phúc Trạch. Ông có hơn 1ha vườn trầm, với khoảng 400 cây trên 20 năm tuổi. Trong vườn trầm ông Phương, có rất nhiều trầm hương được hình thành tự nhiên. Bước vào khu vườn gió trầm mát rượi, rêu xanh phủ đầy mặt đất, hương trầm dịu nhẹ trong gió.
Vườn cây gió trầm trị giá hàng tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Phương ở xã Phúc Trạch.
Ông Phương chỉ vào những vết sâu ăn trên thân cây, tiết ra những dòng nhựa và hạt gỗ nhỏ: “Cây này là trầm hương tự nhiên, thương lái trả 50 triệu đồng, tôi chưa bán”. Trước đây, ông Phương bán một vườn cây hơn 1 tỷ đồng, có cây trầm tự nhiên lâu năm giá 170 triệu. Ông dùng số tiền đó để làm nhà ở và dưỡng già. Mới đây, có thương lái đến mua cả vườn 400 cây, trả trung bình mỗi cây 10 triệu nhưng ông Phương không bán. Nhu cầu tiêu dùng cá nhân không nhiều, ông chỉ muốn giữ vườn trầm cho đẹp sau này để lại cho con cháu.
Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình tại xã Phúc Trạch.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Trường ở xã Phúc Trạch hiện có 500 cây gió trầm từ 12- 15 năm tuổi. Cách đây 3 năm, hầu hết cây gió trầm trong vườn đã được ông tiến hành đục lỗ, tạo trầm và đều sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, vườn cây gió trầm đang ở thời kỳ cho thu hoạch, thương lái từ khắp mọi nơi đến đặt mua với số lượng lớn.
“Toàn bộ cây gió đã tạo trầm được gia đình tập trung thu hoạch, với giá bán như hiện nay dự kiến sẽ mang về nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, tôi sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí mua cây gió trầm giống về trồng để ổn định phát triển kinh tế lâu dài”, ông Nguyễn Xuân Trường cho biết.
Người dân nơi đây cho biết, cây gió trầm hợp với thổ nhưỡng nên rất dễ trồng và cây phát triển tốt. Cây gió trầm phải trải qua một khoảng thời gian khá dài (từ 10 năm trở lên) mới có thể khai thác được.
Theo thống kê, toàn xã Phúc Trạch hiện có hơn 300ha cây gió trầm. Trong đó, nhiều hộ gia đình trồng cây gió trầm với quy mô lớn và thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm trầm hương, trầm nụ, trầm miếng, đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nhiều sản phẩm chế biến từ cây gió trầm ở xã Phúc Trạch đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Từ cây gió trầm, người dân chế tác nhiều sản phẩm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, năm 2023 thu nhập từ cây gió trầm đạt khoảng 90 tỷ đồng. Cùng với đặc sản bưởi Phúc Trạch thì cây gió trầm được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
“Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang đầu tư trồng cây gió trầm. Tập trung chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm từ cây gió trầm, mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”, ông Trần Quốc Khánh thông tin.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.