Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 7 năm 2018 | 21:17

Xây dựng nông thôn mới bằng cách làm mới

“Sự chỉ đạo của Trung ương đối với xây dựng nông thôn mới là quan trọng nhưng sự sáng tạo của người dân, cộng đồng là quyết định cho thành công của chương trình“, PTT Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai XDNTM ở thôn, bản khó khăn.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

 

Sáng 27/7, Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững được tổ chức tại tỉnh Điện Biên.

Có nhiều thôn, bản NTM ắt sẽ có xã NTM

Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng thôn, bản nông thôn mới cách đây 5 năm và đã ban hành bộ tiêu chí của tỉnh cho riêng mô hình này.

Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá Trần Đức Năng cho biết khi nghiên cứu Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Thanh Hoá nhận thấy có tới 14/19 tiêu chí liên quan trực tiếp đến thôn, bản. Qua khảo sát thực tế cũng nhận thấy, các công trình đầu tư trên địa bàn có nhu cầu kinh phí ít hơn so với công trình cấp xã, phù hợp với khả năng huy động sức dân và linh hoạt hơn trong bố trí nguồn lực của địa phương.

“Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng NTM cấp xã như toàn quốc đang triển khai, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản ở các huyện miền núi, với phương châm có nhiều thôn, bản NTM ắt sẽ có xã NTM”, ông Năng cho biết.

Theo đó, năm 2013 tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thí điểm và năm 2014 thực hiện trên diện rộng toàn tỉnh, đồng thời tỉnh cũng ban hành Bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM, gồm 14 tiêu chí: Việc làm, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư và vườn hộ, giao thông, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, hệ thống chính trị, quốc phòng và an ninh. Văn phòng điều phối đã cử cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp xuống địa bàn “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân theo hướng cầm tay chỉ việc.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, với cách tiếp cận sáng tạo và phù hợp, xây dựng NTM cấp thôn, bản, Thanh Hoá đã tạo được nền tảng, sự lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả nổi trội cả về số lượng và chất lượng, không những giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, mà còn tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản.

Theo ông Trần Đức Năng, điều đáng ghi nhận là, thông qua xây dựng NTM, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân thay đổi, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên, so với khi triển khai tăng 2,5-3 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm tương ứng 4-5 lần, điển hình có những thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người 45-50 triệu đồng/năm.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 huyện, 244 xã (42,6%) đạt chuẩn NTM. Riêng khu vực miền núi của tỉnh đã có 38 xã và 392 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Theo đà đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 20% tương ứng với 450 thôn, bản miền núi, trên 60% số xã và 5 huyện đạt chuẩn NTM.

Tương tự Thanh Hoá, các tỉnh còn lại như Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai… cũng đã bắt đầu ban hành các tiêu chí về thôn, bản NTM và chủ động triển khai nhiều giải pháp quan trọng về tín dụng để khơi dậy nguồn lực đầu tư hạ tầng, sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện dân cư, địa hình của vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hiên nay, cả nước còn 46 tỉnh với tổng số 2.139 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có trên 100 xã đặc biệt khó khăn (Hà Giang: 136 xã, Cao Bằng: 136 xã, Lạng Sơn: 136 xã, Sơn La: 118 xã, Điện Biên: 136 xã, Lào Cai: 104 xã, Thanh Hóa: 100 xã); có 103 xã đạt dưới 05 tiêu chí (tập trung ở Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi…).

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

 

Thay đổi đời sống vùng “phên dậu”

Biểu dương kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu từ nay tới năm 2020, xây dựng thôn, bản, ấp NTM sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

“Xây dựng NTM luôn phải có sức sống mới dựa vào tư duy mới, cách làm mới. Trong giai đoạn này sự chỉ đạo của Trung ương là quan trọng nhưng sự sáng tạo của người dân, cộng đồng là quyết định cho thành công của chương trình“, Phó Thủ tướng nói.

Trưởng Ban Chỉ đạo dẫn chứng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM mới như NTM kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, chương trình mỗi xã một sản phẩm và đã thành công ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nam Định..., góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ở các tỉnh này.

Về bộ tiêu chí xã NTM nói chung, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ và người dân không thể thu xếp đủ nguồn lực để nhanh chóng xây dựng các xã ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoàn thành 19 tiêu chí vì dân cư phân tán, địa hình trải dài, chia cắt.

Lấy ví dụ ở tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Văn Sơn tính toán rằng nếu để hơn 100 xã còn lại đạt chuẩn NTM thì cần phải đầu tư tới hơn 20.000 tỷ đồng (trung bình đầu tư 200 tỷ đồng/xã) - con số mà ngân sách và sự ủng hộ của xã hội không thể đáp ứng nổi trong ngắn hạn.

“Khi đời sống cư dân nông thôn ở đồng bằng ngày một thay đổi mà đời sống của bà con ở những vùng sâu, địa bàn “phên dậu” của Tổ quốc vẫn còn nhiều khó khăn thì không thể để như vậy được”, Trưởng Ban Chỉ đạo bày tỏ và quán triệt tới Hội nghị việc triển khai Đề án trong thời gian tới song song với việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh không chỉ có 35 địa phương trong phạm vi Đề án triển khai thực hiện mà các địa phương khác có địa bàn khó khăn dưới 10 tiêu chí cũng cần chủ động rà soát, thực hiện theo phương châm khơi dậy tính chủ động của người dân, cộng đồng ở thôn, bản, ấp.

Để tăng cường nguồn lực thực hiện chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng chính sách nghiên cứu, cung cấp dịch vụ tín dụng phục vụ cho Đề án này, tập trung vào các tiêu chí phục vụ sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu...

Các bộ, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp về tuyên truyền, tập huấn để nâng cao năng lực, kiến thức cho cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là cán bộ, những người có uy tín trong cộng đồng làm công tác xây dựng NTM ở xã, thôn, bản, ấp.

Phó Thủ tướng thăm khu vực trưng bày các sản phẩm trong khuôn khổ Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

 

Trong quá trình hỗ trợ các thôn, bản, ấp xây dựng NTM, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư; để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gắn với các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mỗi xã một sản phẩm.

Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ NN&PTNT nhanh chóng hoàn thiện Đề án, Văn phòng điều phối NTM các địa phương tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành ngay trong năm nay kế hoạch triển khai Đề án để đạt các mục tiêu chung vào năm 2020.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top