Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 6 năm 2020 | 18:40

Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn, tiêu chí sản xuất được chú trọng

Trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn rất coi trọng tới tiêu chí sản xuất, tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng và các thành phần kinh tế của địa phương.

 

đồng-chí-đỗ-thị-minh-hoa-phó-chủ-tịch-thường-trực-ubnd-tỉnh-thống-nhất-với-công-ty-cổ-phần-chăn-nuôi-cp-việt-nam-về-phương-án-khảo-sát-mô-hình-chăn-nuôi-tại-địa-phương.jpg
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam về phương án khảo sát mô hình chăn nuôi tại địa phương

 

Năm 2019, Bắc Kạn có 69 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, có 19 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả đều hoàn thành tiêu chí số 13.

Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể

Để giúp nông dân tổ chức sản xuất theo hướng phát triển mô hình kinh tế tập thể (KTTT), Hội Nông dân tỉnh (HND) đã có nhiều cách làm linh hoạt, thiết thực khuyến khích các hộ nông dân chủ động liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX); đẩy mạnh việc xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX sao cho hoạt động hiệu quả.

 

các-hộ-dân-tham-gia-trồng-nấm-tại-htx-hợp-giang-xã-lục-bình-bạch-thông.jpg
Các hộ dân tham gia trồng nấm tại HTX Hợp Giang, xã Lục Bình (Bạch Thông)

 

Trong năm 2019, Hội đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 02 lớp tập huấn, tư vấn hướng dẫn thành lập HTX tại các xã Địa Linh (huyện Ba Bể) và xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn) cho 100 hội viên nông dân; cử 21 lượt cán bộ Hội và đại diện HTX tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng thúc đẩy, đào tạo, truyền thông, phân tích thị trường và lập kế hoạch sản xuất,…

Những sản phẩm từ các mô hình KTTT luôn được Hội đưa đi tham gia các hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh, giúp hội viên nông dân quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Hội Nông dân các cấp đã thành lập được 26 HTX với 287 thành viên, 77 tổ hợp tác với 997 người tham gia. Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Để góp phần tham gia hiệu quả việc phát triển KTTT, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các tổ hợp tác phát triển thành HTX; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ cho các HTX, tổ hợp tác; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành cho các tổ hợp tác, HTX.

Tìm hướng đi mới cho kinh tế hợp tác

Năm 2019, Liên minh HTX đã tổ chức 36 lớp tập huấn tuyên truyền Luật HTX 2012 cho 554 học viên tham gia; tư vấn, hỗ trợ 153 lượt HTX về đăng ký ngành nghề, tư vấn xây dựng mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn cho 26 lượt HTX tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam. Đến nay có 13 HTX được giải ngân với số tiền từ Quỹ Trung ương là 2,3 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh là 711 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Liên minh còn tham mưu và tổ chức thành công 17 đợt cuộc xúc tiến thương mại và trưng bày giới thiệu sản phẩm; hợp tác với Sở NN và PTNN tỉnh hỗ trợ, tư vấn cấp 12 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 11 HTX với 16 sản phẩm; đồng thời, tư vấn tiếp cận các chính sách khuyến công, chính sách thuế, nguồn nhân lực….

 

đóng-gói-sản-phẩm-chè-tại-htx-nông-nghiệp-thanh-niên-như-cố.jpg
Đóng gói sản phẩm chè tại HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố

 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh, theo ông Trần Ngọc Quang- Phó Chủ tịch Liên minh HTX cho biết: Cần thường xuyên rà soát, đánh giá các HTX; tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm nợ đọng kéo dài; giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả, hoạt động hình thức; đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa.

Tập trung chỉ đạo, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân; xây dựng các mô hình điểm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập, nhân rộng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức như: Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản... Thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển KT-XH ở địa phương nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.

Thực hiện tốt và bám sát Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh về Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, cụ thể tập trung phát triển vào HTX nông nghiệp.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ pháp lý, Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý. Tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”; mở rộng xúc tiến thương mại,...

Triển khai đồng bộ chương trình OCOP

Đến nay, toàn tỉnh đã có 105 sản phẩm OCOP được công nhận, gồm 08 sản phẩm 4 sao và 37 sản phẩm 3 sao; nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh có chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch hiện hành. Trong đó có 03 sản phẩm được cấp chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap; 11 sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP; 04 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu; 04 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; 07 sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể.

 

giới-thiệu-quảng-bá-sản-phẩm-ocop-bắc-kạn-tại-các-hội-nghị-hội-thảo.jpg
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại các hội nghị, hội thảo.

 

Để chương trình OCOP đi vào thực chất, hiệu quả, tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của chương trình đến các cơ quan, tổ chức kinh tế, các tầng lớp nhân dân; tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, thực hiện chương trình OCOP các cấp để hiểu rõ bản chất của chương trình; tập huấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất thực hiện chương trình OCOP.

Đặc biệt là tăng cường rà soát, hướng dẫn các chủ thể kinh tế tham gia chương trình đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt;   hỗ trợ các tổ chức kinh tế hoàn thiện phương án, cơ cấu tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh; tư vấn hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp; tổ chức kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ cấp tỉnh, cấp huyện và tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Theo kế hoạch, năm 2020 tỉnh Bắc Kạn tiếp tục nâng cấp các sản phẩm OCOP đã có, phát triển thêm 36 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 08 tổ chức kinh tế là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia chương trình; xác định 10 - 20 sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế để tham gia các chuỗi giá trị tại các địa phương từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển và thương mại hóa các sản phẩm truyền thống.

Chợ Mới: Phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông sản chủ lực

Xác định nông nghiệp là kinh tế chủ lực, hiện nay, huyện Chợ Mới đang tập trung thực hiện Đề án Phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông sản chủ lực giai đoạn 2020 - 2025.

Đối với sản phẩm chè, huyện vận dụng chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nguồn vốn sự nghiệp của huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác, đầu tư liên kết của các doanh nghiệp để: Trồng mới phát triển diện tích chè Shan tuyết lên 100ha trong 05 năm; thực hiện thâm canh, cải tạo để tăng năng suất, chất lượng chè theo hướng VietGap, chè hữu cơ, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm với diện tích 100ha/05 năm; trồng mới và cải tạo diện tích chè trung du già cỗi, thâm canh cải tạo theo hướng an toàn thực phẩm và VietGap, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp để đầu tư thâm canh và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho chè xanh với diện tích 200ha/5 năm.

 

chợ-mới-tập-trung-phát-triển-sản-xuất-theo-chuỗi-một-số-nông-sản-chủ-lực.jpg
Chợ Mới Tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông sản chủ lực

 

Về cây ăn quả, Chợ Mới chú trọng phát triển các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Với 02 loại cây cam, quýt, huyện khuyến khích phát triển diện tích Cam xã Đoài để tạo vùng tập trung; đầu tư trồng mới và thâm canh cải tạo 140ha để tăng năng suất, chất lượng, sản lượng Cam xã Đoài; duy trì diện tích cây quýt hiện có, cải tạo thâm canh nâng cao chất lượng quýt đáp ứng yêu cầu của thị trường. Về cây mơ, trồng mới 120ha, thâm canh cải tạo 150ha diện tích hiện có để đáp ứng yêu cầu thu mua chế biến của Công ty Vietnam Misaki và thị trường; thâm canh cải tạo theo hướng VietGap hoặc hữu cơ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với sản phẩm quế, hồi, Chợ Mới tiếp tục duy trì diện tích quế, hồi hiện có; trồng mới và cải tạo 300ha cây quế, 300ha cây hồi trong 05 năm theo Đề án được phê duyệt nhằm tăng năng suất, sản lượng quế, hồi trên địa bàn huyện; chăm sóc, thâm canh cải tạo diện tích hồi già cỗi để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng hồi; thu hút tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hồi, quế trên địa bàn .

Riêng cây rau, huyện hỗ trợ trực tiếp mô hình rau công nghệ cao, rau an toàn để liên kết cung ứng cho thị trường lớn, kết hợp thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và đối ứng của nhân dân. Cụ thể, phát triển 300ha cây rau, củ, quả theo lợi thế và phù hợp với từng vùng, tạo thành vùng sản xuất tập trung và ổn định, đồng thời liên kết với các công ty đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm khoai tây trên địa bàn; duy trì diện tích rau hiện có và tập trung phát triển ổn định 20ha diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn thực phẩm, VietGap kết nối với các siêu thị, các cơ sở kinh doanh để liên kết tiêu thụ các loại rau ổn định và lâu dài.

Có thể thấy, OCOP đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ phát triển các mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bắc Kạn; đưa giá trị nông sản của địa phương không ngừng tăng lên; giúp người nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận với cái mới. Việc đẩy mạnh các sản phẩm OCOP và chú trọng phát triển kinh tế HTX sẽ là chìa khóa đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh gặt được nhiều thành công trong tương lai.

 

 

 

Đình Hợi (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top