Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2016 | 2:42

Xây dựng NTM ở Đắk Glong: Nhiều cách làm sáng tạo

Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 7 đơn vị hành chính thì cả 7 đều là xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp; địa hình rộng, phức tạp, cư dân không tập trung. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60,17%; trình độ dân trí, nhất là nhận thức về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) còn hạn chế.

Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo như kêu gọi đỡ đầu; tuyên truyền để bà con thay đổi nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại; hỗ trợ phát triển sản xuất…, sau 5 năm triển khai (2011-2015), các tiêu chí đã tăng rõ rệt, có xã tăng tới 8 tiêu chí.

Sinh hoạt Chi bộ thôn tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn Đăk Lang.

Cùng vào cuộc với nhiều mô hình sản xuất

Xuất phát điểm là huyện nghèo nên khi phát động phong trào chung tay XDNTM, Đắk Glong đã kêu gọi những đơn vị đóng trên địa bàn nhận đỡ đầu cho các xã. Theo đó, xã Quảng Khê được Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Đắk Nông hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà cho đối tượng là hộ nghèo. Công an huyện Đắk Glong hỗ trợ 31 triệu đồng để hoàn thiện các tiêu chí XDNTM. Đóng góp tuy không lớn, nhưng đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm, sự động viên lớn lao của các đơn vị với phong trào, đúng như nội dung của chương trình toàn dân XDNTM.  

Mặt khác, huyện còn kết hợp với các chương trình, dự án của Chính phủ và doanh nghiệp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Ví như dự án “Tăng cường năng lực cho đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Nông”, hỗ trợ mô hình nuôi dê cho 10 hộ với 7con dê giống. Hoặc chương trình nuôi heo rừng lai, cấp cho 5 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ 4 con (3 cái, 1 đực). Mô hình trồng chè TB14 với 11 hộ tham gia, tổng số chè giống đã cấp là 38.115 cây; năm 2016, tiếp tục hỗ trợ cho 29 hộ (2.000 cây/hộ). Chương trình tái canh cây cà phê với 62 hộ tham gia, đã thực hiện được 38,2ha, cây hiện phát triển khá tốt. Mô hình trồng dâu nuôi tằm có 10 hộ tham gia, trồng được 8ha; cây, con giống và đầu ra do công ty dâu tằm tơ đóng trên địa bàn cung cấp và thu mua. Mô hình chăn nuôi bò đã cấp 29 con bò nái nền cho 90 hộ.  Mô hình chăn nuôi gà quy mô 13.340 con/58 hộ; dự án đang triển khai máy ấp trứng chờ khi đàn gà đến thời điểm đẻ trứng…

Ngoài việc xây dựng mô hình, Quảng Khê còn có chương trình hỗ trợ cây, con giống chất lượng cao cho hộ nghèo của Chính phủ, giúp người dân tăng năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận sản xuất hàng hóa. Nguyên tắc hỗ trợ luôn đúng đối tượng, kịp thời; thực hiện công khai, dân chủ, khách quan và hiệu quả thiết thực. Năm 2016 đã cấp phát 7.048 cây na Thái cho hộ nghèo với tổng số tiền 352.400.000 đồng. Chương trình 135 hỗ trợ phân bón cho các hộ gia đình theo định mức.

Đường giao thông thôn 4.

Ở xã Đắk Ha có 5 đơn vị đỡ đầu, cấp tỉnh là Trường Dân tộc nội trú Đắk Nông; cấp huyện là Bệnh viện Đa khoa, Tòa án Nhân dân, Phòng Dân tộc, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Theo đó, Trường Dân tộc nội trú ngoài việc ưu tiên tuyển chọn con em địa phương vào trường; tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, còn phối hợp với xã họp bàn XDNTM theo định kỳ.

Về phát triển kinh tế, Đắk Ha cũng được hỗ trợ cây, con giống chất lượng cao và nhiều ưu đãi khác. Đáng ghi nhận là đã xuất hiện một số mô hình trang trại khép kín, do bà con tự học hỏi, đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế cao, không những thoát nghèo mà còn làm giàu bền vững. Ông Đoàn Ngọc Lâm ở thôn 6 cho biết, ông có 8ha trang trại nông nghiệp sạch, gây dựng gần 5 năm nay, chủ yếu chăn nuôi bò, trồng tiêu, cà phê. Thức ăn cho 30 con bò sinh sản là cỏ sạch trong trang trại; vỏ cà phê, xác bã thực vật thì ủ men vi sinh bón cho gần 3.000 trụ tiêu, 3.000 cây cà phê.

Trong phong trào XDNTM đã xuất hiện nhiều gương sáng của đồng bào trong việc  tình nguyện hiến đất xây nhà văn hóa thôn, bon, mà không hề đòi hỏi bồi thường như: ông Hồ Nguyên (2.500m2); ông Phạm Văn Tương (1.400m2)...    

Thành quả ban đầu

Đắk Glong có diện tích tự nhiên 144.875,46ha, tổng dân số 13.178hộ, 59.148 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo 62,65%; thu nhập bình quân 21,4 triệu đồng/người/năm.

Sau 5 năm XDNTM, huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ nhựa hóa đường huyện đạt 68,50%; số hộ được sử dụng điện đạt 63,8%. Thôn, bon, buôn có điện lưới quốc gia đạt 86,89%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 71%.

Phụ nữ Mông mua sắm quần áo tại trung tâm xã Đắk Som.

Đắk Glong đã ban hành Nghị quyết XDNTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020. Thành lập Ban chỉ đạo XDNTM, có quy chế hoạt động rõ ràng; phân công người phụ trách địa bàn, kế hoạch thực hiện từng năm. Cử 4 - 6 cơ quan đóng tại huyện nhận đỡ đầu 1 xã để cùng triển khai kế hoạch; hàng năm, sơ kết, đánh giá và xây dựng kế hoạch thực hiện; thường xuyên theo dõi các đơn vị để có sự điều chỉnh kịp thời. Thành lập Văn phòng Điều phối XDNTM theo quyết định của Chính phủ; ngoài Ban quản lý XDNTM của xã, còn phân công 1 cán bộ địa chính chuyên trách XDNTM để hỗ trợ. Công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động được triển khai đến thôn, buôn, từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức phong phú: treo băng rôn, khẩu hiệu, cổ động trên xe thông tin lưu động (80 lượt). Đăng tải 350 tin, 150 bài trên các phương tiện thông tin đại chúng huyện và tỉnh về gương điển hình XDNTM, tiến độ và kết quả thực hiện. Nhờ vậy, đã góp phần thay đổi nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước của người dân và một bộ phận cán bộ; nhiều xã đã khơi dậy được tính tích cực, chủ động của người dân với những kết quả đáng trân trọng.

Thành quả ban đầu của Đắk Glong có thể kể đến như: Xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép khác nhau, đầu tư vào khu vực nông thôn trên 489 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách là 408 tỷ đồng, vốn khác 81 tỷ đồng). Giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, được người dân đồng tình ủng hộ. Nhiều nơi tự nguyện thực hiện, với mức đầu tư 307,5 tỷ đồng (chiếm 54% nguồn vốn đầu tư cho nông thôn). Đã xây dựng được 63km đường giao thông liên xã; 40km liên thôn và giao thông nội đồng.  Kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục đạt 60,6 tỷ đồng, trong đó xây mới 132 phòng học, 50 công trình nước sạch và vệ sinh; kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khác đạt 85,86tỷ đồng.

Mặt khác, huyện cũng đã huy động được hàng ngàn ngày công, nhiều diện tích đất để làm đường, ước tính đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 9,5 tỷ đồng. Về giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường: cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu. Hiện, 5/7 trạm y tế có trụ sở làm việc, đội ngũ cán bộ, trang thiết bị cơ bản đầy đủ. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 61,5%; công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo luôn được chăm lo. Công tác an ninh, trật tự xã hội (tiêu chí 19) có 6/7 xã đạt. Kết quả theo bộ tiêu chí, tính đến tháng 12/2015, xã Quảng Khê đạt 11 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí; Đắk Plao 10 tiêu chí, tăng 6 tiêu chí; Đắk Ha 8 tiêu chí, tăng 7 tiêu chí; Đắk Som 7 tiêu chí, tăng 5 tiêu chí; Đắc RMăng 6 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí; Quảng Sơn 6 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí; Quảng Hòa 5 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí.

Tuy nhiên, điều mà người dân Đắk Glong còn băn khoăn khi đón nhận thành quả XDNTM là nhà văn hóa cộng đồng chưa đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn Nhà nước quy định (Thông tư số 06/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Theo đó, nhà văn hóa cộng đồng là nơi diễn ra các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống của địa phương. Song, một số nơi đang mất đi bản sắc của bà con, xây dựng không đúng vị trí truyền thống, phần lớn bị bê tông hóa (trụ, cầu thang), mái lợp tôn, sàn lát gạch hoa, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống không được phát huy. Điều này đã làm cho nhà văn hóa cộng đồng mất đi vị trí, vai trò của mình.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Trưởng ban XDNTM huyện Đắk Glong, ông Nguyễn Hiền, cho biết: “Đây là công việc khó khăn đối với huyện nghèo như Đắk Glong, vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động được chúng tôi chú trọng, người dân thấy có lợi thì hưởng ứng. Tiếp đến, huyện phân công đơn vị đỡ đầu, ví như Văn phòng Huyện ủy tặng các địa phương máy tính để cải cách hành chính từ cơ sở. Phòng Nội vụ hỗ trợ xã rà soát các tiêu chí để đưa ra kế hoạch hàng năm sát sao, cụ thể hơn và cùng phối hợp thực hiện. Công an huyện xây dựng nhà tình nghĩa cho cán bộ dân tộc có chỗ ăn, ở làm việc tại chỗ. Thiết nghĩ, đỡ đầu không nhất thiết phải là tiền, vật chất; hỗ trợ công việc, năng lực phát triển sản xuất… cũng rất cần thiết với những địa bàn như Đắc Glong”.                                    

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top