Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 6 năm 2020 | 11:28

XDNTM: Điểm sáng Tuyên Quang

Dự kiến năm 2020, Tuyên Quang có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 47/124 xã, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đề ra.

tr10.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm thăm vườn mẫu tại xã Thái Bình.

 

Thành công từ xây dựng NTM

Khi bắt tay xây dựng NTM, bên cạnh việc triển khai để hoàn thành 19 tiêu chí NTM, Tuyên Quang đã ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Do vậy, bên cạnh thực hiện Bộ tiêu chí chung, nhiều xã đã chủ động xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Thái Bình và Phúc Ninh (Yên Sơn) là hai xã điển hình trong xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao của Tuyên Quang. Năm 2011, Thái Bình mới đạt 03/19 tiêu chí nhưng sau 8 năm triển khai, hiện đạt 19/19 tiêu chí. Đặc biệt, xã đã đạt 15/18 tiêu chí NTM nâng cao, 3 tiêu chí còn lại phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020.

Xã Thái Bình đã huy động được  hơn 65,4 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng.

Thái Bình đã bê tông hóa được trên 30km đường giao thông nông thôn, tỷ lệ “cứng hóa” được trên 96%; thi công 3.478m kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; xây dựng 14.365m đường điện thắp sáng đường quê; trồng được 6.750m đường hoa.

Hiện, Thái Bình  không còn nhà tạm, dột nát; 3 trường học đã được đầu tư xây dựng phòng, lớp học, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; 9/9 thôn có nhà văn hóa gắn với sân thể thao; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đạt 39,6 triệu đồng/người/năm; hơn 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của UBND xã Thái Bình, trên địa bàn hiện có trên 100 mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật, trồng rừng theo tiêu chuẩn, thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, sự quyết tâm, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, xã đã có bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho ra sản phẩm sạch, năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Năm 2018, xã Phúc Ninh  đạt chuẩn NTM. Sau khi hoàn thành, bên cạnh việc duy trì các tiêu chí đã đạt, xã tiếp tục xây dựng NTM nâng cao. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết, qua rà soát, xã đạt 8/18 tiêu chí NTM nâng cao và phấn đấu đến năm 2023 đạt 18/18 tiêu chí, đến năm 2025 hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Theo ông Trung, nhờ xây dựng NTM và NTM nâng cao mà thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Năm 2018, xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người; đến cuối năm 2019 tăng lên 33,3 triệu đồng/người; dự kiến hết năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người; năm 2025 đạt 72 triệu đồng. Hay tiêu chí hộ nghèo, hiện xã chỉ còn 6% hộ nghèo, đạt tiêu chí NTM nâng cao, tiến tới đạt NTM kiểu mẫu sẽ không còn hộ nghèo.

“Ở Phúc Ninh, cây ăn quả là chủ lực. Tới đây, để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho nhân dân, các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung sẽ từng bước được áp dụng cơ giới hóa, đẩy mạnh sản suất theo quy trình VietGAP và hữu cơ. Đặc biệt, xã sẽ tận dụng những vườn mẫu đẹp để phát triển du lịch sinh thái; tập trung phát triển chăn nuôi, xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản. Từ chăn nuôi và trồng trọt, nhiều hộ có doanh thu tiền tỷ”, ông Trung nói.

Nghị quyết đúng - trúng - hiệu quả

Ngày 22/2/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về kiên cố hóa kênh mương; bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016-2020.

Nghị quyết nhấn mạnh, thực hiện kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hoá, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, phát huy nguồn lực của nhân dân và các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện cho các sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt trên 70%; tỷ lệ đường giao thông nội đồng được bê tông hóa đạt trên 35%; trên 40% số thôn, bản, tổ nhân dân có nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên đạt chuẩn theo quy định.

UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt nội dung Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Hàng năm, các ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố căn cứ khối lượng công trình dự kiến đầu tư theo từng giai đoạn và nhu cầu thực tế của nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, tỉnh tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng cấu kiện cho phù hợp, bảo đảm chất lượng tiến độ đề ra. Đặc biệt, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện những bất cập, khó khăn để khắc phục kịp thời.

Trên cơ sở kế hoạch được huyện, thành phố phê duyệt, các xã tổ chức lập hồ sơ thiết kế kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố trình UBND huyện, thành phố thẩm định, phê duyệt. Từ đó, tổ chức họp nhân dân thống nhất huy động triển khai thi công xây dựng, bảo đảm tiến độ kế hoạch đã giao.

Khi các công trình hoàn thành, thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí đầu tư xây dựng theo quy định; công khai kết quả huy động đóng góp, kết quả đầu tư đối với từng công trình trên địa bàn để nhân dân biết, cùng tham gia quản lý, giám sát theo Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Kết quả, trong 5 năm qua, Tuyên Quang đã kiên cố được 944,87km kênh mương, nâng tổng số kênh mương toàn tỉnh được kiên cố hóa lên 2.699,99km. Bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa được 470,62km, nâng tổng số đường nội đồng được bê-tông hóa toàn tỉnh đến năm 2020 lên 652,906km. Xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên được 550 nhà, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh đến năm 2020 lên 1.139 nhà.

Tổng kinh phí đầu tư thực hiện ba công trình này ước  hơn 1.366 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 928,594 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 437,742 tỷ đồng. Đặc biệt, kết quả đạt được của cả 3 công trình đều vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, đến năm 2020, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,2 tiêu chí/xã, số xã đạt chuẩn theo dự kiến đạt 47/124 xã (chiếm 37,9%), so với chỉ tiêu khu vực miền núi phía Bắc, Tuyên Quang hoàn thành sớm hơn 01 năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm.

Điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ vừa qua là tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và xây dựng NTM. Phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã huy động được sự đồng lòng, đóng góp của nhân dân. Hiện, toàn tỉnh kiên cố hóa kênh mương được 2.699,99km; hơn 650km đường giao thông nội đồng vùng sản xuất hàng hóa được bê-tông hóa… Diện mạo hạ tầng nông thôn của tỉnh có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân liên tục được nâng cao.

Mục tiêu đến năm 2025, Tuyên Quang có trên 65% số xã (tương đương trên 80/124 xã) đạt chuẩn NTM. Xây dựng lộ trình trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 ít nhất có 30% số xã đạt NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu/tổng số xã đạt chuẩn NTM.

 

Ông Nguyễn Văn Việt nhận xét, những năm qua, Kinh tế nông thôn/kinhtenongthon.vn là người bạn của ngành, của người nông dân, thường xuyên có phóng viên bám sát cơ sở, đưa tin các hoạt động sản xuất, phát triển nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang. Kịp thời phản ánh gương điển hình, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng NTM…

Bên cạnh đó, Kinh tế nông thôn còn phản ánh những mặt trái, ý kiến, vấn đề trái chiều để các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp quản lý, điều chỉnh, chỉ đạo kịp thời cho phù hợp với thực tế như bảo vệ rừng,  môi trường, rác thải ở nông thôn...

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top