Là huyện thuần nông, vẫn còn 70% dân số gắn với đồng ruộng nên Nghị quyết Đảng bộ huyện Thường Tín (Hà Nội) nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với du lịch sinh thái - làng nghề; đạt huyện nông thôn mới (NTM) vào cuối nhiệm kỳ.
Khó khăn cần tháo gỡ
Đóng gói trà chùm ngây, sản phẩm đã thành hàng hóa ở xã Hồng Vân (Thường Tín).
Thường Tín (Hà Tây cũ) được mệnh danh là “đất trăm nghề”, từ bấy đến nay vẫn giữ vững giá trị và ngày càng phát huy. Ngay sau Đại hội, Thường Tín đã triển khai nhiều chương trình, gắn với thực hiện Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, thành phố để hoàn thiện các hạng mục XDNTM: điện, đường, trường, trạm; thiết chế văn hóa, xã hội… Khai thác thế mạnh của từng địa phương, nhất là sản xuất nông nghiệp bền vững; phát triển các làng nghề.
Xã Lê Lợi xưa có nhiều nghề nổi tiếng như: nghề sơn, đóng thùng nước mắm, làm vali gỗ…, đến đầu những năm 1980 mới chấm dứt. Vài năm sau lại xuất hiện nghề buôn bán, giết mổ gà, vịt và tồn tại đến nay. Hiện, Lê Lợi có chợ đầu mối trung chuyển gia cầm, thủy cầm số lượng lớn.
Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi, ông Nguyễn Văn Triển, cho biết: “UBND TP.Hà Nội, Huyện ủy rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh dịch tễ; ô nhiễm môi trường. Trước mắt, xã đang gặp phải một số khó khăn như: nước thải giết mổ gia cầm chưa có khu xử lý, vẫn xả thẳng xuống kênh mương đất (gần 80% chưa được cứng hóa). Do vậy, xã thường xuyên chủ động phun thuốc phòng dịch, vệ sinh môi trường trong chợ và khu vực xung quanh. Cụ thể, yêu cầu các hộ chuẩn bị vôi bột, đổ xuống đầu cống của gia đình, trước khi thải ra mương máng chung (đạt tỷ lệ 50%). Vệ sinh toàn diện 10 lần/năm, chủ yếu kẻ đường ngang bằng vôi bột trên các trục đường; tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm tại 4 lò giết mổ…”.
Phó chủ tịch UBND xã Duyên Thái, ông Đỗ Văn Hùng, cho hay, xã có làng nghề sơn mài truyền thống hơn 20 năm nay, với đủ chủng loại: tranh phong cảnh, lọ hoa, khay bát đĩa, đồ thờ cúng… Hàng năm xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm.
Hiện, xã có 2 làng nghề với 500 hộ sản xuất (từ năm 2008 về trước gần 2.000 hộ); ngoài ra, còn có 200 lao động ở các tỉnh lân cận tham gia làm nghề tại địa phương. Xã có thuận lợi là đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề 12ha, tuy nhiên, mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu (153 hộ vào khu tập trung). Việc phun sơn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Rác thải công nghiệp bao gồm phôi gỗ, tre đã dính keo lên tới vài chục tấn/năm, rất khó xử lý. Để giải quyết vấn đề này, xã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, nhưng chưa có kết quả, khiến địa phương gặp khó trong việc đảm bảo tiêu chí vệ sinh môi trường trong XDNTM.
Phấn đấu đạt huyện NTM
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Thường Tín, ông Nguyễn Tiến Minh, cho biết: “Đúng là các làng nghề của Thường Tín là thế mạnh nhưng cũng bộc lộ nhược điểm không dễ khắc phục. Đặc biệt, đây cũng là tiêu chí về đích NTM nên chúng tôi đang rất quan tâm. Hiện, những làng nghề như sơn mài (Duyên Thái), dệt (Tiền Phong), huyện sẽ từng bước khắc phục; còn các làng nghề vượt quá tầm xử lý như nghề xương sừng (Hòa Bình), giết mổ gia cầm (Lê Lợi), tiện (Nhị Khê)… sẽ trình thành phố để có phương án kịp thời. Trước mắt, tập trung tối đa nguồn lực cho các xã về đích NTM. Tính đến hết năm 2015, đã có 10/28 xã về đích; phấn đấu cuối năm 2016 có thêm 5 xã nữa; đến cuối nhiệm kỳ đạt huyện NTM. Thường Tín quyết tâm về đích bền vững, không chạy theo thành tích, không nợ đọng xây dựng cơ bản”.
Từ đầu năm 2016, huyện đã rà soát các tuyến đường đất gây bức xúc trong dân tại 28 xã để tiếp tục đầu tư, phân bổ vốn theo cơ chế đặc thù. Hiện, 97% hệ thống đường trục xã, liên xã; 83% đường trục thôn, xóm; 95% đường ngõ, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa, không còn đường lầy lội vào mùa mưa. Năm 2016, đã phê duyệt 184 công trình giao thông tại 28 xã, tổng kinh phí 15.304 triệu đồng. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện gần 35%. Hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh với tổng số hơn 1.000 công trình lớn, nhỏ đã được đưa vào khai thác. Đồng thời, yêu cầu các xã tiếp tục triển khai dự án NTM theo kế hoạch; kiện toàn Ban chỉ đạo XDNTM và bố trí cán bộ chuyên trách.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 774 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm. Tiếp tục hỗ trợ 50% giá giống cho nông dân (147,1 tấn thóc/2 vụ), kinh phí hỗ trợ 2,05 tỷ đồng. Hỗ trợ vùng nuôi thủy sản Nghiêm Xuân 494 triệu đồng. Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản duy trì tốt, không để dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, huyện đang tập trung rốt ráo cho 5 xã về đích NTM trong năm 2016 là Ninh Sở, Quất Động, Thắng Lợi, Chương Dương, Văn Phú. Đến nay, các xã đã đạt và cơ bản đạt 13-16 tiêu chí.
Bên cạnh đó, huyện còn một số chỉ tiêu “cứng” đến năm 2020, cần sự nỗ lực của toàn dân như: Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, tăng bình quân 15%/năm; thương mại, dịch vụ 16%/năm; nông nghiệp từ 2,5% trở lên/năm. Tổng giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt từ 140 triệu đồng trở lên/năm; thu nhập bình quân 36 triệu đồng/người/năm trở lên.
Phấn đấu đến năm 2020, 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% có hệ thống xử lý rác thải, chất thải rắn thông thường; chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt chuẩn 100%. Hạn chế, tiến tới ngăn chặn ô nhiễm môi trường làng nghề. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 3%. Mỗi năm giải quyết việc làm từ 2.500 lao động trở lên (trong đó 55% trở lên đã qua đào tạo, bồi dưỡng). Đặc biệt, xây dựng Thường Tín thành khu vực phòng thủ vững mạnh về quốc phòng - an ninh ở cửa ngõ Thủ đô.
Dương An Như
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.