Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2016 | 2:59

XDNTM ở Ứng Hòa: Phát triển sản xuất là nền tảng

Là huyện trọng điểm về nông nghiệp của Hà Nội, Ứng Hòa xác định phát triển nông nghiệp là hướng đi vừa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Máy cấy được đưa vào đồng ruộng huyện Ứng Hòa.

Những năm qua, Ứng Hòa luôn chủ động chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng sản xuất tập trung, quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Chính vì vậy, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác của huyện đạt 152 triệu đồng/ha, tăng 39 triệu đồng/ha so với năm 2010. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tính đến hết năm 2015 đạt trên 3.296 tỷ đồng, tăng 866,6 tỷ đồng. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, trồng trọt chỉ còn 29,58%; chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ chiếm 70,42%. Huyện đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sau 5 năm thực hiện, đời sống của nhân dân trên địa bàn được cải thiện và nâng cao. Trước khi XDNTM, năm 2010, các xã trên địa bàn mới chỉ đạt và cơ bản đạt từ 1 - 3 tiêu chí. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn lực đã huy động để thực hiện chương trình trên địa bàn huyện đạt 1.696 tỷ đồng, trong đó, ngân sách các cấp cùng với đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân đạt trên 570 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng đầu tư khu vực nông thôn trên 1.126 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, Ứng Hòa đã có 8/28 xã đạt chuẩn NTM (đạt 28,6%); 11 xã đạt và cơ bản đạt 15 - 18 tiêu chí; 9 xã đạt và cơ bản đạt 10 - 14 tiêu chí.

Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện và dần nâng cao, thu nhập bình quân tăng từ 10,68 triệu đồng/người (năm 2010) lên 23,6 triệu đồng/người (năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,48% (năm 2010) xuống còn dưới 3,04% (năm 2015). Toàn huyện không còn nhà dột nát, không còn hộ đói; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám - chữa bệnh được nâng lên, có 28/28 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý trong ngày đạt 85%; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nông nghiệp, XDNTM tại huyện Ứng Hòa vẫn gặp một số khó khăn, tồn tại như: sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, chưa chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chưa tháo gỡ được những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, lực lượng lao động trình độ thấp. Hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... ở nhiều xã còn hạn chế; các nguồn lực huy động cho XDNTM còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được mục tiêu; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra...

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, đánh giá cao kết quả mà Ứng Hòa đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến hết năm 2016, huyện có thêm ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM, ông Cương cho rằng: “Ứng Hòa cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vào đề án XDNTM ở các xã phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn”.

Thời gian tới, Ứng Hòa tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có thu nhập cao trên đơn vị diện tích canh tác, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp tăng 6,8%/năm trở lên, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 210 triệu đồng/ha; 100% đường làng ngõ xóm được kiên cố hóa, 80% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020; thu nhập bình quân đạt 38-40 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%, 45% số hộ được dùng nước sạch; 85% số làng đạt danh hiệu văn hóa; 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Hà Nội

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top