Giá tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ở mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. khiến người nuôi tôm hiện nay đang đứng ngồi không yên vì càng nuôi càng lỗ.
Trong những tháng đầu năm, giá tôm liên tục giảm và kéo dài đã khiến việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với người dân nuôi tôm tại Bạc Liêu - một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của cả nước.
Bước vào quý 3/2023, tình hình giá cả vẫn còn ở mức thấp khiến người nuôi tôm trên địa bàn Bạc Liêu gặp khó trong việc duy trì sản xuất, nhất là đối với các hộ dân nuôi tôm ao đất, ít vốn. Do đó, các hộ nuôi tôm "treo" ao chờ giá.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất của người dân mà còn tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu tỷ đô mà tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng đối với ngành tôm.
Càng nuôi càng lỗ
Tính từ tháng đầu tiên của quý 3/2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4-18%. So với quý 1/2023, giá tôm thẻ chân trắng trong quý 2/2023 tiếp tục giảm và kéo dài sang tận quý 3/2023 từ 18.000-49.000 đồng/kg và so với cùng kỳ năm trước giảm từ 11.000-36.000 đồng/kg.
Cùng đó, giá tôm sú cũng giảm từ 35.000-55.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng/kg và loại 40 con/kg giảm 45.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp tôm công nghiệp cũng phải cân nhắc kỹ trước khi tái thả nuôi. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Anh Trần Văn Khoa ở ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Vĩnh Thịnh (huyện Hoà Bình) cho biết, giá tôm nguyên liệu giảm sâu trong khi giá thức ăn, con giống, thuốc đều tăng cao khiến cho người nuôi lao đao. "Để nuôi tôm kích cỡ 50 con/kg về 30-40 con/kg nhằm chờ giá là không khả thi, càng nuôi càng lỗ, cầm cự chẳng được lâu nên đành phải "treo ao," anh Khoa tâm sự.
Chỉ tay về phía những ao vèo được đầu tư với số tiền hàng chục triệu đồng, máy móc thiết bị ngổn ngang mặc nắng mưa, anh Khoa không giấu được nỗi buồn. Giá thấp, nuôi lỗ triền miên khiến vợ chồng anh lâm vào cảnh nợ nần.
Anh Nguyễn Văn Đông, thành viên Hợp tác xã 30/4 ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) cho biết tình hình giá cả giảm mạnh khiến cho các thành viên chỉ dám nuôi thưa, không nuôi đại trà, để quan sát diễn biến giá cả. Lợi nhuận năm nay so với các năm trước giảm mạnh, thậm chí không có lợi nhuận.
"Năm nay, nếu người nuôi tốt thì còn hòa vốn, còn lại là lỗ," anh Đông bộc bạch. Cũng theo anh Nguyễn Văn Đông, mong mỏi của người nuôi tôm hiện nay là chi phí về nguồn thức ăn, con giống giảm.
Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thành Công Mới ở ấp Vĩnh Mới với hơn 30 thành viên từng giúp nhiều tổ viên trong phát triển kinh tế vươn lên khá giả, thế nhưng chưa bao giờ khát vọng của những “tỷ phú nông dân’ lại bị thách thức như hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Lập, Tổ trường Tổ hợp tác Thành Công Mới chia sẻ hơn 30 thành viên tổ hợp tác giờ có đến hơn 10 người treo ao. Hiện giá tôm rất rẻ, do đó bà con rất ngại tái sản xuất. Nhiều hộ đã giảm mật độ thả nuôi, giảm số lượng ao.
“Do lỗ quá nên 8 ao tôm giờ tôi chỉ dám thả 2 ao để cầm cự, hy vọng giá tôm nhích lên. Nếu tình hình giá cả không được cải thiện, không riêng gì các hộ nuôi ao đất, ít vốn mà các hộ nuôi tôm công nghiệp, có vốn cũng phải cân nhắc kỹ trước khi tái thả nuôi,” anh Lập chia sẻ.
Chung tay gỡ khó cho người nuôi tôm
Với diện tích trên 140.000ha, Bạc Liêu là một trong số 3 địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước, đóng góp từ 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi.
Tỉnh Bạc Liêu cũng xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Bạc Liêu xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, trước tình giá tôm giảm liên tục thời gian qua, khiến các hộ nuôi tôm và các doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Người nuôi tôm và các doanh nghiệp cần sự chung tay, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nhất là trong việc mở rộng thị trường, giảm chi phí đầu tư; quan trọng nhất là có giải pháp thúc đẩy giá tôm sớm “quay” trở lại.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho rằng giá tôm trên địa bàn có thể thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Người nuôi tôm hiện nay đang đứng ngồi không yên.
Với những người đã thu hoạch xong đang phân vân có nên thả nuôi tiếp hay treo ao, chờ giá lên. Còn những hộ nuôi đang còn tôm trong ao, khả năng lỗ rất cao, tôm kích cỡ càng lớn, lỗ càng cao.
Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, vấn đề mấu chốt cần sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nông-Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp). Trước mắt, cần có động thái để hỗ trợ nhà nông đảm bảo giá sản phẩm, thức ăn, tôm giống.
Còn ông Đào Văn Liêm, Giám đốc phát triển Farm, Công ty Công nghệ sinh học Trúc Anh (phường Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) cho rằng đây là năm “bão giá” đối với người nuôi tôm. Bà con gặp rất nhiều khó khăn trước diễn biến về thời tiết bất lợi, môi trường, dịch bệnh diễn ra phức tạp.
Trước tình hình trên, doanh nghiệp đã mạnh dạn và đẩy mạnh nhiều mô hình nuôi, phương thức mới, mang tính khép kín để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Đào Văn Liêm cũng mong muốn, ngành chức năng theo dõi, nắm bắt được nhu cầu của thị trường để có kế hoạch, định hướng đến bà con. Khi sản phẩm đến với thị trường đúng lúc, kịp thời sẽ có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng kỳ vọng của người nuôi tôm.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, dù năm nay thời tiết khá thuận lợi, người nuôi tôm được mùa nhưng các nhà máy chế biến tôm và xuất khẩu tôm gặp khó.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng đưa ra khuyến cáo, về lâu dài, nông dân nuôi tôm Bạc Liêu cần phải hướng đến các quy trình nuôi tôm mang tính hiệu quả, bền vững.
Bà con nên có những lộ trình, kế hoạch theo mùa vụ khuyến cáo của các cơ quan, ban ngành. Đồng thời, phải có cách làm mới, phù hợp với thực tiễn của địa phương, kinh tế hộ gia đình; áp dụng công nghệ mới để đưa vào quá trình vận hành, tối ưu hóa chi phí trong nuôi tôm.
Như vậy người nuôi tôm Bạc Liêu mới đảm bảo có lãi, đầu ra ổn định, bền vững; qua đó, góp phần đảm bảo lộ trình đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước./.
Chanh Đa (TTXVN/Vietnam+)
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.