Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 11 năm 2022 | 21:16

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Chiều 30/11, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 11 và 11 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12/2022. Qua đó, thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, Bộ sẽ thực hiện Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng hậu dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra nhưng toàn ngành đã duy trì tăng trưởng trên tất cả các tiểu ngành, lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, thông tin, trong tháng 11, các địa phương phía Bắc đã tập trung vào thu hoạch lúa mùa, gieo trồng các loại cây màu vụ đông; các tỉnh ĐBSCL thu hoạch lúa thu đông ở và gieo trồng vụ đông xuân.

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng 11 phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Giá thịt lợn hơi biến động giảm so với tháng trước. Giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao do giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng so với năm trước. Thời gian này, nhiều hộ chăn nuôi đang tập trung chăm sóc đàn để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh những tháng cuối năm và các kỳ lễ tết.

Trong tháng 11, thời tiết mát và có mưa, thuận lợi cho việc trồng rừng. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị cây giống và hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch. Tháng 11 đã chuẩn bị được 60,9 triệu cây giống, trồng rừng đạt 47.400 ha, tăng 27,1% so với tháng 11/2021; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,0 triệu m3, tăng 9,0%; sản lượng củi ước đạt 1,6 triệu ste, tăng 8,0% so với tháng 11/2021.

Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 11 và 11 tháng đầu năm.

Lũy kế 11 tháng, cả nước chuẩn bị được gần 1,19 tỷ cây giống, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước; trồng rừng đạt 260.600 ha, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 17,6 triệu m3, tăng 6,6%; sản lượng củi 17,0 triệu ste, tăng 1,0%.

Tình hình nuôi trồng thủy sản trong tháng 11 tiếp tục phát triển cả về diện tích và sản lượng nhờ nhu cầu tăng mạnh cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do giá dầu tăng cao ngư dân giảm chuyến khai thác, nhiều tàu cá tại các tỉnh miền Trung phải nằm bờ.

Sản lượng thủy sản tháng 11 ước đạt 802.300 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 11 tháng ước đạt hơn 8,2 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Bộ đã duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tiếp cận chủ động trong xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT cho rằng,  trong tháng 12 tới đây, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các yếu tố cạnh tranh địa kinh tế, địa chính trị, xung đột quân sự, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; ban hành những chính sách mới nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.

Về thị trường trong nước, các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định. Giá các loại trái cây dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ các dịp lễ hội cuối năm. Chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Bộ NN-PTNT sẽ có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão

 

Theo đó, trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tập trung nguồn lực tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; vận động cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và tuân thủ quy định an toàn thực phẩm. Chủ động tiếp nhận thông tin, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về an toàn thực phẩm. Duy trì kiểm nghiệm, thẩm tra, chứng nhận kịp thời phục vụ doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top