Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường bánh Trung thu năm nay không sôi nổi như những năm trước, nhưng không phải vì thế mà bánh Trung thu trôi nổi không hoành hành.
Nhiều địa phương đã tổ chức kiểm tra và thu giữ nhiều bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.
Hơn 11.000 hộp bánh Trung thu trôi nổi bị thu giữ tại Hà Nội
Hà Nội là nơi tiêu thụ nhiều bánh Trung thu và cũng là địa phương có nhiều loại bánh trung, do các doanh nghiệp “có tiếng” sản xuất. Bên cạnh đó còn có cả một làng nghề cũng chuyên sản xuất bánh trung thu và rất nhiều các hộ tư nhân tham gia vào công việc sản xuất bánh Trung thu này.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, sử dụng bánh Trung thu chất lượng cao, ngon, đẹp mắt để làm quà biếu, nên các đối tượng cung cấp nguyên liệu làm bánh, các cá nhân tiêu thụ bánh không ngần ngại gì sử dụng nguyên liệu sản xuất bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ đưa ra thị trường, nhằm thu lời bất chính. Thậm chí các đối tượng này còn làm giả nhãn mác của các đơn vị sản xuất bánh Trung thu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.
Các lực lượng quản lý nhà nước, quản lý chức năng của thành phố Hà Nội vào những thời điểm này trong năm, căng minh kiểm tra, xử lý đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất bánh trung thu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 10/9 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại số 1 ngõ 72 đường La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 11.130 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không rõ chất lượng, không có bất cứ giấy tờ của cơ quan quản lý chuyên ngành chứng minh đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Trong quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, chủ cơ sở đã chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ liên quan đến số bánh Trung thu trên.
Mua bánh Trung thu trôi nổi về bán trên mạng
Trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, việc kinh doanh trên các nền tảng số được các đối tượng tận dụng và đã phát huy hiệu quả. Hầu hết các giao dịch đều được đặt online và giao hàng trực tuyến, dó đó người tiêu dùng hay gặp phải những trường hợp “treo đầu dê, bán thịt chó” bởi chất lượng không như những gì được giới thiệu trên mạng.
Nắm bắt được cơ hội đó, ông Nguyễn Xuyến Thắng Thiện, ở số nhà 02/01 đường Đinh Công Tráng (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đã mua 6.000 chiếc bánh (trong đó 3.600 chiếc bánh trộn vị và 2.400 chiếc bánh trứng) trên nhãn ghi chữ nước ngoài, trôi nổi trên thị trường để chứa tại kho và sử dụng mạng xã hội để bán kiếm lời.
Sau quá trình các lực lượng chức năng phát hiện và theo dõi, Khoảng 11 giờ 20 phút ngày 14/9/2021 Đội cơ động của lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra và thu giữ toàn bộ số bánh nói trên. Quá trình kiểm tra, ông Thiện đã không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lo hàng; toàn bộ số bánh này đang chuẩn bị đóng gói để chuyển đến các khách hàng đã chốt đơn trên facebook.
Ông thừa nhận đã mua số hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường để chứa tại kho và sử dụng mạng xã hội để bán kiếm lời. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tất cả các nội dung, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bắc Giang) đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh Hùng Cường do ông N.Đ.C làm chủ tại thôn Vân Cốc 1, xã Vân Trung, huyện Việt Yên.
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh của ông C đang bày bán hơn 1.800 sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo có nhãn mác nước ngoài. Trong đó bao gồm: 810 chiếc bánh trung thu, 500 chiếc chân gà ngâm, 100 chiếc xúc xích, 80 chiếc kẹo trứng… tổng giá trị hàng hoá hơn 22,5 triệu đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông N.Đ.C không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa nêu trên. Ngoài ra, ông C khai nhận toàn bộ số hàng hoá đó do ông mua trôi nổi tại TP Bắc Giang, sau đó đem về bán lại kiếm lời.
Việc kinh doanh, buôn bán hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ xảy ra vào những dịp lễ, tết như thế này, mà vấn nạn này thường xuyên xảy ra. Do đó các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý thật nghiêm để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Lai Châu chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ vi phạm ATTP dịp Trung thu
Sở Công Thương tỉnh Lai Châu vừa có Công văn số 1593/SCT-QLTM gửi Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2021.
Công văn đề nghị Cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, không để lưu thông trên thị trường hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp thông báo kết quả kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu về Sở Công Thương trước ngày 28/9/2021 để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.
Cục QLTT cũng đề nghị các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bánh trung thu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong dịp Tết Trung thu này. Trong đó chú trọng kiểm tra bảo đảm chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, việc sử dụng phụ gia, phẩm mầu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm… đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn quản lý.
Thành phố Hải Phòng lập 2 đoàn kiểm tra ATTP dịp Tết Trung thu
UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Quyết định về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt Tết Trung thu năm 2021.
Theo đó, 2 Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm do Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục và Phó Giám đốc Sở Công thương Đặng Thị Phương Liên làm Trưởng đoàn.
Các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm được sử dụng trong dịp Tết Trung thu năm 2021. Thời gian kiểm tra kể từ ngày 13/9/2021 đến hết ngày 17/9/2021.
Trong quá trình kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 70 của Luật An toàn thực phẩm; Điều 46, Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng kiểm tra có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 7,8 của Luật An toàn thực phẩm.