Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 7 năm 2021 | 10:57

Đảm bảo ATTP: Trách nhiệm không của riêng ai

Bảo đảm an toàn thực phẩm đã được nhà nước giao cho các đơn vị, cơ quan chuyên môn thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Nhưng nếu chỉ có những cơ quan này thực hiện thì hiệu quả sẽ không cao, do đó cần sự chung tay của toàn xã hội.

Người dân nên phản ánh 
 
Là người sử dụng thực phẩm dùng cho bữa ăn hàng ngày của mình và những người thân, vừa để tái sức lao động, vừa duy trì sự sống, người tiêu dùng luôn mong muốn những thực phẩm được dùng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. An toàn từ khâu chăn nuôi, trồng trọt đến giết mổ, thu hoạch và tiêu thụ ngoài thị trường.
 
14-cha-bong-1_ylgb.jpg
Người dân phản ánh đến các lực lượng chức năng về những cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn VSTP

 

Do đó, không ai hết người tiêu dùng phải là một trong những lực lượng phát hiện và thông báo cho các lực lượng chức năng về những cơ sở, đơn vị chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm để kiểm tra và xử lý. 
 
Một số người dân ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã phản ánh đến cơ quan chức năng, một cơ sở giết mổ và một doanh nghiệp sản xuất chà bông trên địa bàn không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Sau khi mổ heo, công nhân quăng phụ phẩm xuống sàn nhà rồi đá qua đá lại, trông rất mất vệ sinh. Điều đáng nói, hình ảnh trên lặp đi lặp lại nhiều lần mặc dù trên sàn của cơ sở này có dụng cụ chứa phụ phẩm.
 
Sau khi tiếp nhận thông và kiểm tra, bà Lê Đinh Hà Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết, cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng công nhân giết mổ không cho phụ phẩm heo vào rổ mà để trên sàn, rồi sau đó đưa vào khu sơ chế là chưa thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan thú y. Kết quả là lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và nhắc nhở cơ sở này.
 
14-cha-bong-2_ykpc.jpg
Đều vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

 

Hay như thông tin do bạn đọc cung cấp, cơ sở chế biến chà bông không đảm bảo vệ sinh ở xã Xuân Thới Thượng của Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm Đức Chín. Trong quá trình sản xuất chế biến, các thau nhôm thịt gà, sụn gà chưa chế biến nhưng không được che đậy để trên sàn, công nhân thực hiện công đoạn sơ chế xé, trộn thịt gà nhưng không mang khẩu trang. Ở khâu đóng gói, công nhân cũng không mang khẩu trang, không đeo găng tay, dùng tay không bốc chà bông cho vào bịch để đóng gói thành phẩm.
 
Sau khi được cung cấp thông tin, Đội Quản lý ATTP liên quận, huyện Hóc Môn, Củ Chi và 12 đã kiểm tra Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm Đức Chín. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vụ việc, lấy mẫu chà bông xét nghiệm để có cơ sở xử lý.
 
Những phát hiện của người dân cho lực lượng chức năng và việc xử lý kịp thời của những lực lượng này, đã làm phần hạn chế những vi phạm của những cá nhân, tổ chức kinh doanh, chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh và bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân.
 
Cơ quan truyền thông tham gia truyên truyền, phản ánh
 
Việc vào cuộc quyết liệt của các cơ quan truyền thông, khi phát hiện và được nhân dân cung cấp thông tin, về những cơ sở, doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những biện pháp mạnh có tính răn đe và là cơ sở cho các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
 
14-cha-bong-3_skfl.jpg
Phản ánh của báo chí về nhưng cơ sở sai phạm
Không khó để tìm những bài viết trên các trang báo điện tử, báo in của các cơ quan thông tấn, báo chí, liên quan đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, những vụ vận chuyển lậu hàng tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ để đi tiêu thụ, qua ngâm tẩm hóa chất để chế biến thành những thực phẩm bắt mắt, ngon miệng cho người tiêu dùng. Đây là một trong những hành vi vô đạo đức của những cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm bẩn, gây tai họa khôn lường đến sức khỏe cho người sử dụng.  
 
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông còn có một nhiệm vụ rất quan trọng đó là, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và xã hội, của nhân dân về vị trí, vai trò cũng như nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của cả cơ quan quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi bền vững những tập tục và thói quen không đảm bảo ATTP; tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội để mỗi người dân luôn là người tiêu dùng “thông thái”.
 
Ngày 21/10/2011, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới (Chỉ thị 08). Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị này, ngày 12/12/2011, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 08, trong đó nhấn mạnh đến tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và xã hội về vị trí, vai trò cũng như nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm ATTP trong tình hình mới...
 
Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 08, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức ngành ATTP từ Trung ương đến địa phương không ngừng được nâng lên; có nhiều chuyển biến tích cực về yêu cầu nhiệm vụ, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn - nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đều nhận thức rõ trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo công tác ATTP; áp dụng triệt để, linh hoạt trong quá trình xây dựng kế hoạch hàng năm cũng như bố trí ngân sách bảo đảm cho công tác ATTP. Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 08 này.
 
Cần các cơ quan xử lý mạnh tay những sai phạm
 
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATTP”, “Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ATTP”, “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về ATTP”, “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương”.
 
 
tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-van-de-an-toan-thuc-pham-trong-tinh-hinh-moi.jpg
Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra

 

Cũng theo Luật An toàn thực phẩm, công tác quản lý ATTP tại Việt Nam được tổ chức, triển khai nhất quán và hệ thống theo 5 nguyên tắc: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh; Quản lý ATTP phải trên cơ sở kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng; Quản lý ATTP phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành; Quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP; Quản lý ATTP phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Thời gian qua, với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt và trách nhiệm, các bộ, ngành, địa phương đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ và triển khai nhiều giải pháp, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm ATTP. Ngày 4/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược). Chiến lược đã xác định, thống nhất quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện cụ thể, đồng bộ với mục đích xuyên suốt và tối cao là bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển giống nòi và phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống nhân dân.
 
Theo đó, Chiến lược xác định 3 quan điểm chỉ đạo là: Bảo đảm ATTP chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân; Tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về ATTP, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý ATTP; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về giữ gìn vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Chiến lược đã xác định 3 nhóm giải pháp chủ yếu là: Nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành; Nhóm giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật; Nhóm giải pháp về nguồn lực. Trong đó nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đáp ứng các yêu cầu triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ATTP.
 
An toàn thực phẩm luôn luôn là một vấn đề “nóng” của toàn xã hội, trước những vụ việc đau lòng dẫn đến hậu quả đáng tiếc, mà nguyên nhân cũng do mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây ra. Sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các lực lượng chức năng và sự đồng lòng hưởng ứng của toàn xã hội, đã làm giảm bớt những sai phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, vẫn do lợi ích mà một số cá nhân, tổ chức bất chấp pháp luật, ngang nhiên coi thường tính mạng của nhân dân, lén lút thực hiện hành vi sai phạm của mình. Do đó, công cuộc đấu tranh phòng chống trong lĩnh vực này còn nhiều gian nan và vất vả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cuộc chiến này không chỉ của riêng ai.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top