Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 9 năm 2021 | 21:0

Tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 70 huyện

Trước tình trạng số vụ vi phạm ATTP gia tăng, Bộ Y tế đang phối hợp với bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng hoàn thành dự thảo quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 70 huyện tại 9 tỉnh, thành phố.

Phát hiện nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương – Sa Đéc 156 triệu đồng về hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá tang vật vi phạm 98 triệu đồng. 

Trước đó, vào ngày 27/8/2021 Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế, Phòng Kinh tế và Công an thành phố Sa Đéc tiến hành kiểm tra đột xuất hàng hóa đang để tại kho của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương - Sa Đéc, địa chỉ: Khu công nghiệp Sa Đéc, Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp do bà Trần Ngọc Vân làm Giám đốc theo nguồn tin báo của quần chúng nhân dân. 

h1_d1_27092021.png
Đoàn kiểm tra kiểm đếm số lượng tang vật vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện trong kho lạnh thuộc sở hữu của công ty có chứa 1.621 kg thịt và thủy sản đông lạnh bao gói sẵn gồm: thịt lợn, thịt trâu, cá nục, mực. Tất cả số lượng hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của lô hàng và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Qua làm làm việc, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương - Sa Đéc thừa nhận các sản phẩm trên mua trôi nổi trên thị trường về kinh doanh nên không có hóa đơn, chứng từ và có một sản phầm không nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa theo quy định.

Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra một chiếc xe “luồng xanh” và phát hiện trên xe đang chở 7 tấn nầm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đưa từ Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ.

Được biết, chủ xe là ông Nguyễn Danh Hào, đồng thời là chủ hàng hóa có địa chỉ thường trú tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Lực lượng chức năng cho biết, đây là phương tiện được cấp giấy phép “luồng xanh”, được ưu tiên hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành.  

untitled.png
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa của ông Nguyễn Danh Hào.

Tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang chở 140 thùng nầm lợn, trọng lượng 50kg/thùng, tổng trọng lượng hàng hóa 7 tấn.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe là ông Nguyễn Danh Hào không xuất trình được hóa đơn chứng từ kèm theo, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Danh Hào khai nhận, số hàng hóa trên được ông mua gom trôi nổi trên thị trường, vận chuyển từ Lào Cai đưa về Hà Nội tiêu thụ, bán kiếm lời. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ

Theo ông Vũ Văn Huyện, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5, trị giá số hàng hóa thu giữ là 2,1 tỷ đồng. Hiện lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên và xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ những vụ việc trên, có thể thấy, chỉ vì lợi nhuận mà những “gian thương” này sẵn sàng bất chấp tất cả, bỏ mặc sức khỏe của người tiêu dùng mà không ngần ngại buôn bán những thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng quản lý thị trường tích cực điều tra, xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, có thể xem xét, kiến nghị nâng chế tài xử phạt vi phạm, để người dân có thể an tâm, tin tưởng vào những thực phẩm được bày bán trên thị trường. 

 

TP. Hồ Chí Minh xử phạt gần 400 cơ sở vi phạm về ATTP

Trong 9 tháng năm 2021, lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phát hiện 734 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt 396 cơ sở với tổng số tiền là 10.012.389.600 đồng, buộc tiêu hủy 80.067 kg sản phẩm.

Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tham gia đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, tiến hành kiểm tra 7.213 lượt xe. Cục Quản lý thị trường TP tham gia Đoàn Liên ngành phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc đi kiểm tra 33.100 vụ, phát hiện 40 vụ vi phạm về kiểm dịch và các quy định về thú y trong quá trình vận chuyển.

Tại chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền, tiến hành xử phạt 26 trường hợp với số tiền phạt là 169.830.000 đồng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, TP đã tiến hành kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 12 cơ sở cung cấp suất ăn trên địa bàn (phục vụ Trung tâm cách ly tập trung). Qua đó, yêu cầu tạm ngưng cung cấp suất ăn 5 cơ sở do đơn vị có bệnh nhân nhiễm Covid-19, hoạt động không hiệu quả.

Trong 3 tháng cuối năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với công tác tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố.

Song song đó, tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về cách sử dụng thực phẩm an toàn, các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh.

 

Tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 70 huyện

Bộ Y tế đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 70 đơn vị hành chính cấp huyện của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã, thành phố (cấp huyện) của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.

Phạm vi thí điểm: 70 đơn vị hành chính cấp huyện đã thí điểm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Thời gian thí điểm là 1 năm.

Nghị quyết nêu rõ, công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Kinh phí cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ưu tiên bố trí ngân sách theo phân cấp cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện để khen thưởng, đầu tư trang thiết bị, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước khác.

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2021.

Sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm tổ chức tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ.

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top