Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021 | 14:1

Thực phẩm chức năng “càng phạt, càng sai phạm”

Mặc dù trên trang web của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thường xuyên đăng tải các các cảnh báo, thậm chí công khai quyết định xử phạt thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm. Nhưng càng phạt, càng cảnh báo thì càng có nhiều đơn vị vi phạm

Liên tục cảnh báo, liên tục công khai xử phạt
 
Ngày 22/11 trên trang Web của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có đăng tải thông tin với nội dung: Trong thời gian vừa qua trên website/đường link: https://www.pharmacity.vn;http://shopee.vn;https://www.yes24.vn;https://greenoly.vn;https://japana.vn;https://biocare247.vn;https;//hangnoidianhatcantho.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sapril Collagen 2G và website:https://www.cuahangnhapkhau.com;https://aladin.com.vn;https://japana.vn;https://aloola.vn  quảng cáo cho sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe MR.Z210MG không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
 
Cục An toàn thực phẩm đã xác minh đối với tổ chức công bố các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Sapril Collagen 2G và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe MR.Z210MG (là Công ty TNHH Phân Phối Phát Việt). Theo đó, Công ty TNHH Phân Phối Phát Việt khẳng định không thực hiện quảng cáo 02 sản phẩm trên các website nêu trên.
 
1123.png
Thực phẩm chức năng được quảng cáo có khả năng như thuốc chữa bệnh là không đúng

 

Trong lúc chờ cơ quan chức năng xác định chủ thể vi phạm, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Sapril Collagen 2G và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe MR.Z210MG được quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên. Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương xác minh, xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định.
 
Hay, ngày 15/11 Cục An toàn thực phẩm cũng công khai đăng thông tin cảnh báo về việc các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Health gain tea, Viêm âm tán Hoàng Cung, Giảm cân Hoàng Anh, Dương Lực Hoàn, Mờ nám - sáng da đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
 
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng và phản ánh của báo chí, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các website: https://www.dongnamduochoanganh.com, https://dongnamduochoanganh.vn, https://www.dongyhoanganh.com đang quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Health gain tea, Viêm âm tán Hoàng Cung, Giảm cân Hoàng Anh, Dương Lực Hoàn, Mờ nám - sáng da vi phạm pháp luật về quảng cáo.
 
Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Đông Nam Dược Hoàng Anh (địa chỉ: TT Đồng Xa số B10, ngõ 26 đường Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
 
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong khi Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Health gain tea, Viêm âm tán Hoàng Cung, Giảm cân Hoàng Anh, Dương Lực Hoàn, Mờ nám - sáng da quảng cáo vi phạm trên các trang website nêu trên.
 
Đồng thời Cục An toàn thực phẩm cũng liên tiếp công khai đăng tải các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm.
 
Cụ thể qua công tác hậu kiểm và xác minh phản ánh của báo chí, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 Công ty.
 
Quyết định số 28/QĐ-XPVPHC ngày 22/10/2021 xử phạt Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Busno Việt Nam (địa chỉ: Tầng 1, Toà OTC3B Khu đô thị Handiresco, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Sangu trên website: https://sangu.com.vn gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
 
Quyết định số 29/QĐ-XPVPHC ngày 26/10/2021 xử phạt Công ty TNHH Hồng Sâm Hansusam (địa chỉ trụ sở chính: Phòng 206, Tòa nhà Thăng Long Ford, Số 105 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) về hành vi buôn bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tinh dầu thông (Cheon Ji Su) (lô số:OB39601, NSX: không có, HSD: 2022.04.14) không có giá trị sử dụng, công dụng và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Korean red ginseng extract power trên website: http://geasungsangin.com mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo với số tiền 230 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 534,5 triệu đồng.
 
Quyết định số 30/QĐ-XPVPHC ngày 28/10/2021 xử phạt Công ty cổ phần Kiềm Saphia (địa chỉ: Số nhà 27 ngách 1 ngõ 104 đường Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) 45 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Saphia Alkalight, Saphia Alkalixk, Saphia Alkaliub, Saphia Alkali balance, Saphia Alkali dạ dày, Saphia Alkali D-revie X50, Saphia Alkali D-revie X300 trên website: https://kiemsaphia.com/ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
 
Quyết định số 31/QĐ-XPVPHC ngày 29/10/2021 xử phạt Công ty TNHH Đông Y Xứ Mường (địa chỉ: Tầng 2, số 204/4 Hoà Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: Nữ Xuân XM, Bổ phế XM, Dạ dày XM, Xương khớp XM, Nhất Nam Dương trên website: https://dongyxumuong.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh
 
Cùng với hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc 4 Công ty nêu trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm về chất lượng.
 
Cảnh báo nhiều, xử phạt hành vi vi phạm cũng nhiều, nhưng xem ra việc xử phạt và cảnh báo của cơ quan chức năng như “bắt cóc bỏ đĩa”. Các doanh nghiệp dường như vẫn coi thường việc xử phạt của cơ quan chức năng.
 
Nguyên nhân và biện pháp để xử lý những sai phạm
 
Một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp “xem thường” việc xử phạt từ phía các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, đó là hầu hết các quảng cáo sản phẩm đều được quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trực tiếp gọi điện thoại đến tận người tiêu dùng. Điều này làm cho việc quản lý của cơ quan chức năng khó kiểm soát.
 
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp Bộ TTTT, Bộ Công Thương, Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao xử lý sai phạm bằng việc khóa tên miền… nhưng khi cơ quan chức năng khóa tên miền này thì doanh nghiệp lại mở tên miền khác, hoặc máy chủ được đặt bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên việc xử lý đã khó lại càng khó hơn.
 
Chồng chéo trong công tác quản lý cũng là một nguyên nhân, việc quy định rõ trách kiểm tra, giám sát và xử phạt còn chưa rõ ràng, dẫn đến việc ngăn chặn các vi phạm không đạt hiệu quả, dẫn đến việc các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm vi phạm các quy định vẫn xảy ra.
 
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngoài phạt tiền, thu hồi bản công bố, thì việc công khai cơ sở vi phạm và các hình phạt bổ sung có hiệu quả rất lớn. Nếu chỉ phạt tiền, thì vì lợi nhuận cao, các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt rồi lại vi phạm.
 
Để xử lý sai phạm liên quan tới quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã thành lập tổ phản ứng nhanh giữa Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương và các sàn giao dịch điện tử để xử lý những quảng cáo không đúng sự thật. Quảng cáo sai phạm thuộc lĩnh vực của cơ quan nào, thì cơ quan đó xử lý.
 
Đối với người tiêu dùng cần phải đối chiếu những thông tin quảng cáo, kiểm tra sản phẩm đó có công dụng đúng như quảng cáo hay không. Trên cơ sở thông tin từ website của Cục An toàn thực phẩm hoặc trên Cổng Công khai y tế (https://congkhaiyte.moh.gov.vn).
 
Ngoài ra, khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng, nên chọn sản phẩm có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất rõ ràng; có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa.
 
Đặc biệt, trên bao bì của thực phẩm chức năng đều có dòng chữ “thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, người dân cần lưu ý chi tiết này để sử dụng.
 
Bên cạnh đó các cơ quan báo chí, truyền thông và người dân để đồng hành đấu tranh với các vi phạm liên quan tới quảng cáo thực phẩm chức năng, mang lại giá trị thật và minh bạch thị trường, tạo niềm tin cho người dân.
 
 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng: Theo Luật Quảng cáo, nếu một quảng cáo vi phạm pháp luật, thì phía nhãn hàng sẽ bị xử lý đầu tiên, sau đó là phương tiện truyền tải thông tin quảng cáo. Khâu ở giữa là nhà sản xuất và người nổi tiếng tham gia đóng phim quảng cáo thì chưa có chế tài để xử lý.

Tôi cho rằng, cần phạt thật nặng các đối tượng là người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật để có tính răn đe. Bên cạnh đó, phải luật hóa các quy định, chế tài xử lý cụ thể, đặc biệt là các quy định ràng buộc trách nhiệm của cá nhân tham gia quảng cáo.

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top