Ngày 15/12/2021, Cục ATTP Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 với mục đích hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.
Sau 2 năm, các lễ hội trên phạm vi cả nước không được phép tổ chức, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, tình hình dịch bệnh đã nằm trong tầm kiểm soát. Đồng thời, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Y tế quyết định việc mở lại các hoạt động đón khách, chậm nhất vào dịp 30/4 tới.
Vì thế, các địa phương có những khu du lịch tâm linh, thắng cảnh, khu di tích sẽ mở cửa để đón khắp về tham quan, tham gia các lễ hội. Khi lượng du khách đổ về các địa điểm này đông, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được chú trọng, rất cần sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của các cơ quan chức năng đối với các cửa hàng ăn uống, điểm kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ngày 15/12/2021 Cục ATTP Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 với mục đích hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.
Trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Thời gian thực hiện từ 20/12/2021 đến hết 12/3/2022.
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đề nghị, các địa phương tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Xử lý và công khai cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Những năm trước đây, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, tại các địa điểm thu hút khách nhiều nhất đến tham quan đầu Xuân năm mới, đó là những khu du lịch tâm linh như Chùa Hương, Yên Tử… mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt khách hành hương đến tham quan và lễ Phật để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, bình an và sức khỏe. Đó là chưa kể đến các lễ hội của làng, xã được tổ chức tại các địa phương, số lượng du khách đổ về đây cũng không hề nhỏ.
Một trong, những vi phạm thường xuyên xảy ra nhất tại các địa điểm du lịch, khu di tích lịch sử, tâm linh đó là việc kinh doanh ăn uống không đảm bảo an toàn, việc chế biến các món ăn không tuân thủ theo các quy định. Thức ăn sau khi chế biến xong không được đậy hoặc cho vào các tủ bảo quản để tránh việc côn trùng bay, đậu vào thức ăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do quá đông khách đến tham quan, hành hương nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hành thực phẩm đã sử dụng các loại nguyên liệu chế biến không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, để chế biến sản phẩm thực phẩm cung cấp cho các địa điểm du lịch tâm linh, bán cho khách hành hương. Nhiều vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã xảy ra tại đây, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của du khách.
Là một du khách thường xuyên ở các lễ hội lớn được tổ chức hàng năm như Lễ hội Xuân Yên Tử, Lễ hội Chùa Hương, chị Nguyễn Thị Hồng Vân ở Đông Anh chia sẻ, mọi năm nhóm chị em chúng tôi thường tổ chức đi du xuân, lễ Phật đầu năm. Trước đây chúng tôi thường đến đâu thì ăn uống tại đó, nhưng thấy cách chế biến thực phẩm ở những địa điểm đó không được an toàn, vì thế chúng tôi làm sẵn thức ăn, đồ lễ tại nhà mang đi cho an toàn.
“Nếu các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý những địa điểm kinh doanh thực phẩm, cửa hàng ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tại những khu du lịch, khu di tích lịch sử, tâm linh, để mỗi năm du khách về đây vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, vừa được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, vừa bảo đảm được sức khỏe thì rất tốt”, chị Vân nói.
Có thể nêu một vài ví dụ điển hình về công tác kiểm tra vệ sinh ATTP tại mùa lễ hội Chùa Hương năm 2019, của các lực lượng chức năng đã cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý sai phạm được thực hiện rất nghiêm túc, có tính răn đe cao, với mục đích bảo vệ sức khỏe của du khách đến tham quan, vãn cảnh.
Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 1 của TP. Hà Nội do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức).
Tại thời điểm kiểm tra sáng Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 1 của TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 3 nhà hàng, qua đó phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, 3/3 nhà hàng đều thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng quy định, 2/3 nhà hàng vệ sinh bát ăn không đạt yêu cầu, 2/3 nhà hàng chưa xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Ông Trần Văn Chung đã yêu cầu lập biên bản xử lý vi phạm nhà hàng Doanh Hạnh và nhà hàng Năm Thành.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ 2 nhà hàng này đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh được nguồn gốc thực phẩm. Ngay lối vào 2 nhà hàng này, thực phẩm sống, chín để lẫn lộn trên bàn không được che đậy, bảo quản. Khu vực rửa bát của 2 nhà hàng cũng tạm bợ, bát rửa xong được đặt ngay xuống đất. Riêng tại nhà hàng Doanh Hạnh qua xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát có 9 bát rửa không sạch. Còn tại nhà hàng Năm Thành, tủ đựng những túi đá viên dùng liền lại để chung cả thực phẩm sống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu huỷ bỏ toàn bộ những túi đá này để tránh nguy cơ ngộ độc hàng loạt.
Theo thông tin của ngành Du lịch chỉ mấy ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, đã có hàng trăm nghìn lượt du khách đổ về các khu du lịch, các thắng cảnh để tham quan, đây là một tín hiệu rất vui, hứa hẹn cho một năm mới rất thành công của ngành Du lịch nước ta. Việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách khi đến những địa điểm này không chỉ của riêng một ngành, mà là nhiệm vụ cung của toàn xã hội. Xử lý những cửa hàng kinh doanh thực phẩm, cửa hàng ăn uống không thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ một mùa lễ hội vui vẻ, toàn.