Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 12 năm 2020 | 15:58

Tin ATTP: Phát hiện và bắt giữ nhiều vụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng của một số địa phương đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ.

Liên tiếp bắt giữ các vụ vi phạm
 
Vào hồi 8h 30 phút ngày 15/12, tại thôn Lộc Nội, xã Thạch Xuân (Thạch Hà), Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Công an huyện Thạch Hà, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh bất ngờ kiểm tra nhà riêng bà Trần Thị Thuỷ (SN 1967), phát hiện tại đây đang chế biến mỡ động vật (mỡ bò) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
96d2123516t10196l0.jpg
Số mỡ bẩn được đựng trong các bao tải, để ở khu vực chăn nuôi. (Ảnh Báo HT)

 

 
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 14 bao tải đựng mỡ đã qua sơ chế với tổng trọng lượng khoảng 700kg. Tất cả số mỡ trên được bảo quản không đúng quy trình, để ở khu vực chăn nuôi, mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối.
 
Tại thời điểm kiểm tra, bà Trần Thị Thuỷ không xuất trình được các thủ tục, hồ sơ có liên quan đến số mỡ nói trên và cho biết: từ tháng 9/2019 đến nay đã thu gom mỡ động vật ở các chợ trên địa bàn về chế biến rồi bán ra các tỉnh phía Bắc với giá 8.000 đồng/kg.
 
Khoảng 12h 15 phút ngày 17/12/2020, tại xã Kỳ Châu, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Châu tiến hành kiểm tra tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nghĩa (SN 1978), trú tại thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, phát hiện tại đây có 363kg sản phẩm động vật (mỡ, da lợn đã qua sơ chế) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
kỳ-châu.jpgPhần lớn số mỡ, da lợn được cất giữ trong tủ cấp đông (ảnh Báo HT)
 
Chị Nghĩa cho biết: số mỡ, da lợn trên được mua tại chợ và các hộ dân trên địa bàn, sau đó bán cho người có nhu cầu ở các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.
 
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ, tiến hành xử lý một cơ sở sơ chế sản phẩm động vật vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Tam Kỳ. 
 
mo-1608196088245.jpgLực lượng chức năng phát hiện cơ sở chế biến sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh.
 
Trước đó, lúc 11 giờ ngày 16/12, tại khối phố 5, phường An Sơn (TP Tam Kỳ), lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam kiểm tra, bắt quả tang xe khách mang BKS 77B-008.06 đang bốc bốn bao tải màu trắng bên trong có chứa sản phẩm động vật là mỡ lợn, với tổng trọng lượng 240 kg từ cơ sở chế biến sản phẩm mỡ động vật do bà Hồ Thị Xuân (SN 1979) làm chủ.
 
Qua kiểm tra, Tổ công tác đã phát hiện cơ sở đang sơ chế mỡ lợn bằng dụng cụ dao đã bị rỉ sét và để trực tiếp dưới nền nhà không bảo đảm về an toàn thực phẩm. Kho đông lạnh bảo quản thực phẩm gồm mỡ, da lợn (khoảng 540 kg mỡ, da lợn) không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
 
Bước đầu, bà Xuân khai nhận, số sản phẩm này bà mua từ các tiểu thương và các lò giết mổ tập trung trên địa bàn TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh sau đó đem về chế biến để bán kiếm lời.
 
Vì sao vẫn còn nhiều vi phạm?
 
Nguyên nhân có thể chỉ ra đó là do lợi nhuận rất lớn từ việc tiêu thụ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Chúng ta có thể thấy hàng ngày trên bàn ăn của các gia đình, cho đến những bàn nhậu ngoài các quán ăn, rất nhiều món ăn được chế biến từ thịt của gia súc, gia cầm và nội tạng. Với nhu cầu tiêu thụ lên đến hàng chục tấn thì không thể có nơi nào cung cấp được số lượng lớn như vậy.
 
Các đối tượng chỉ có con đường duy nhất đó là mua thực phẩm gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, nội tạng từ các quốc gia láng giềng, hoặc những nơi gia súc, gia cầm bị dịch bệnh mà các lực lượng chức chức năng chưa phát hiện hay chưa kịp tiêu hủy với giá thành rất rẻ, sau đó vận chuyển ra các vùng không dịch bệnh, không bị kiểm soát để tiêu thụ. Đây cũng là một con đường lây lan bệnh tật cho gia súc, gia cầm chủ yếu.
 
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tổ chức thành những chốt cố định, hay cơ động, thậm chí tổ chức những chiến dịch, những đợt truy quét để kiểm tra, phát hiện và bắt giữ nhưng vẫn như “muối bỏ bể”.
 
Các đối tượng vận chuyển này còn rất hung hãn chống trả để tháo chạy nếu như phát hiện ra lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.
 
Để xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng này, xem ra các chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cần thay đổi biện pháp, chế tài xử phạt thật nặng, thậm chí truy tố hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
 
Dịp lễ, Tết là khoảng thời gian người tiêu dùng sử dụng thực phẩm nhiều nhất, do vậy, các đối tượng không từ thủ đoạn nào để vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ, chế biến thành những thực phẩm ăn chín khác. Do vậy, các lực lượng chức năng cần phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để xử lý những vi phạm này. Có như vậy, sức khỏe của người dân mới được bảo đảm và một cái Tết an toàn không bị ngộ độc xảy ra.
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top