Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 3 năm 2023 | 10:56

Ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể khi nào không còn là nỗi lo?

Vụ nghi bị ngộc độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) làm cho hơn 50 học sinh của nhà trường phải nhập viện, lại gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các đơn vị cung cấp thức ăn, các nhà trường và các nhà quản lý, nhất là trong những giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Lại ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể

Vụ việc xảy ra ngày 28/3, Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) có tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), khi về đến trường, khoảng 56 cháu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn.

Học sinh trường Tiểu học Kim Giang đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Thời gian ăn trưa lúc 11h trong ngày.

Trong quá trình đi trải nghiệm học sinh có mang theo đồ ăn vặt, nước uống từ nhà và sử dụng nước uống đóng chai 19l của trang trại Cánh Buồm Xanh. Thời gian học sinh từ trang trại về trường lúc 14h30, về đến trường một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, 2 cháu có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.

Từ 15h30 đến 18h cùng ngày, có tổng số 50 học sinh có cùng biểu hiện nôn, buồn nôn, đau bụng được chuyển khám bệnh viện. Tới trưa 29/3, đã ghi nhận 73 trẻ nhập viện, trong số này, 58 trẻ đã ra viện.

Ngộ độc từ bếp ăn tập thể, nhất là những bếp ăn nấu cho học sinh không phải đến bây giờ mới xảy ra, trước đó vào tháng 12/2022, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cùng lúc tiếp nhận 40 học sinh (lớp 4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu) vào viện với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn sau khi ăn tối tại một nhà hàng. Sau khi nhập viện, qua đánh giá ban đầu, các trường hợp được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Các bác sĩ đã truyền dịch chống độc, giảm co cho những bệnh nhi này. Một trong số các học sinh cho biết đã ăn canh, đùi gà, sườn, ngô, sau khi ăn thì bị đau bụng, buồn nôn.

Ngộ độc từ bếp ăn tập thể không chỉ xảy ra tại các bếp ăn của nhà trường, ngộ độc tập thể còn xảy ra tại các bếp ăn tập thể ở những khu công nghiệp trên toàn quốc, từ những cuộc gặp mặt đông người, đám cưới, đám tang….Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những cảnh báo, kiểm tra, kiểm soát thậm chí xử lý đối với những đơn vị tổ chức, thực hiện cung cấp thức ăn cho tập thể, tuy nhiên vẫn có những vụ ngộ độc tập thể xảy ra. Câu hỏi đâu là nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độ từ bếp ăn tập thể này đã được đặt ra, nhưng xem ra vẫm chưa thể nào giải quyết được triệt để.

Nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra ở nhiều nguồn

Đánh giá về nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Kim Gian vừa xảy ra, PGS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí cả nước uống. Vì vậy, ông đánh giá món ăn có thể không phải thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm mà do con người lúc chế biến và vận chuyển.

Nguồn thực phẩm sạch sẽ giảm được nguy cơ ngộ độc

Theo PGS. Thịnh, quá trình lựa chọn thực phẩm dù rất tốt, tươi sống, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vẫn có thể nhiễm vi khuẩn từ nhà bếp tới bàn ăn. Qua báo cáo của Chi cục An toàn thực phẩm, chuyên gia lo ngại thức ăn bị nhiễm vi sinh vật ở khâu nấu nướng và vận chuyển.

"Nhà trường nấu rồi cho thực phẩm vào các dụng cụ và vận chuyển đến trang trại với số lượng lớn như vậy nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ xảy ra. Nếu hộp đựng thức ăn không sạch sẽ, người chia phần ăn tay chưa vệ sinh, đầu tóc, quần áo không đảm bảo cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc", PGS. Thịnh nhận định.

Trong số hơn 900 học sinh tham gia dã ngoại nhưng có hơn 70 học sinh phải đi cấp cứu dù ăn cùng món. Về vấn đề này, PGS. Thịnh lý giải có học sinh chỉ xuất hiện dấu hiệu nhẹ, có em lại phải vào cấp cứu là vì mức độ tiêu thụ thực phẩm khác nhau.

"Có trẻ ăn nhiều, có bé lại ăn ít. Nếu học sinh càng ăn nhiều thì lượng độc tố đi vào cơ thể càng cao. Ngoài ra, tình trạng tùy theo thể trạng sức khỏe từng người mà mức độ ngộ độc có thể khác nhau. Người có cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn", chuyên gia này cho biết.

Học sinh có thể bị nhiễm loại vi khuẩn nào?

PGS. Thịnh cho biết nếu các học sinh bị nhiễm tụ cầu hoặc khuẩn E-coli thời kỳ ủ bệnh thường ngắn từ 30 phút đến 6 giờ. Triệu chứng là đột ngột đau bụng dữ dội và nôn nhiều, thường xuất hiện sớm trước khi bị tiêu chảy. Một số trường hợp không bị tiêu chảy, không sốt hoặc sốt rất nhẹ. Biểu hiện nặng nhất có thể mất nước nhiều dẫn đến trụy tim mạch, thường gặp ở trẻ nhỏ và người già yếu, người có miễn dịch kém.

Theo vị chuyên gia này, đa phần bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do nhóm vi sinh vật ít nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc Botulinum, bệnh nhân dễ diễn biến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Để hạn chế ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể trong trường học, theo PGS.TS Thịnh, cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, và bảo quản thực phẩm.

Phụ huynh học sinh cũng cần tăng cường giám sát chuỗi thực phẩm, quy trình chế biến bởi đây là quyền lợi, giúp đảm bảo an toàn cho con.

Đứng trước những vụ việc ngộ độc từ bếp ăn tập thể xảy ra trong thời gian vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17 - CT/TƯ ngày 21/10/2022 về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Theo nội dung của Chỉ thị số 17- CT/TƯ, bên cạnh kết quả đạt được, Ban Bí thư cũng nhận định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.

 Tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm:

Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm…;

Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm,...;

Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng. Ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn…;

Để không còn xảy ra những vụ ngộ độc từ những bếp ăn tập thể và không còn là nỗi lo cho các gia đình có con em đang theo học ở các nhà trường và không còn là nỗi lo chung cho toàn xã hội, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải thực hiện viêc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh và cung cấp thực phẩm, các chợ đầu mối, các đơn vị cung cấp thực phẩm...phải xử lý nghiêm những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sơ chế biến thực phẩm, phải đảm bảo mọi khâu trong chế biến sạch sẽ, nơi chế biến không ô nhiễm môi trường...Người dân cần phải thận trọng trước khi mua thực phẩm, phải biết rõ nguồn gốc xứ, nên mua thực phẩm ở những địa chỉ cụ thể...Có như vậy chúng ta mới tạm yên tâm và không còn lo lắng nhiều đến vấn đề an toàn thực phẩm.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top