Ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ai cũng biết tới anh Nguyễn Công Tùng, bởi anh không chỉ là một chủ trại thỏ lớn trong khu vực, mà anh còn liên kết anh em nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh chế biến, tiêu thụ thịt thỏ.
Khách thăm qua khu nuôi thỏ của gia đình anh Tùng.
Từ những năm 2010, nhận thấy những tiềm năng của việc nuôi thỏ, như: Dễ chăm sóc, khả năng sinh sản nhanh, thích hợp với khí hậu ở địa phương,… anh Tùng đã quyết định mua giống thỏ New Zealand để phát triển đàn.
Sau một thời gian, để mở rộng quy mô chăn nuôi, anh đã đầu tư xây hệ thống chuồng trại khép kín với diện tích 2.000m2, lắp đặt hệ thống thông gió, máng nước tự động…
Theo anh Tùng: “Với ưu điểm sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, thịt thơm ngon, hấp dẫn… trung bình một con thỏ mẹ giống New Zealand một năm đẻ được từ 6-9 lứa, mỗi lứa 7-10 con. Thỏ con sau sinh, nuôi hơn 3 tháng thành thỏ thịt với trọng lượng bình quân 2,5 kg/con và có thể xuất bán được nên khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh”.
Từ những con thỏ giống ban đầu, đến nay anh luôn duy trì số lượng đàn 3 đến 6.000 con, trong đó có lúc nào cũng trên 500 con thỏ giống; bình quân mỗi tháng, gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 1 đến 2.000 con thỏ thương phẩm, doanh thu từ 600 đến 700 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ 2 đến 3 trăm triệu/năm.
Chia sẻ về công việc của mình, anh Tùng cho biết: Hiện nay, đầu ra chưa ổn định, nuôi thỏ thì không gặp khó khăn gì về kỹ thuật cũng như các khâu giống, thuốc thú y, thức ăn cho thỏ. Trước đây, gia đình mua cám ngoài thị trường giá cao nên đến nay tôi tự sản xuất cám để phục vụ chăn nuôi của gia đình và cung cấp cho một số anh em chăn nuôi thỏ. Thỏ nuôi cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chuồng nuôi phải đặt ở vị trí cao ráo và sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho thỏ trong mọi điều kiện thời tiết, thỏ không mắc bệnh.
Thời gian tới, anh Tùng sẽ cùng với anh em tìm kiếm nguồn vốn phát triển sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, sử dụng các giống tốt đáp ứng tiêu chuẩn để cung ứng từ 2.000 đến 3.000 con/tháng cho thị trường. Anh cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn và quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm chuỗi liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân và cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe.
Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam đánh giá: Mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand theo chuỗi giá trị của anh Nguyễn Công Tùng là một mô hình hiệu quả không chỉ ở góc độ hiệu quả kinh tế mà còn làm đa dạng phong phú mô hình chăn nuôi thỏ, từ nội dung, hình thức, đối tượng, cách tổ chức sản xuất mới có giá trị cao phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Với sự cố gắng, lỗ lực phấn đấu trong nhiều năm qua, anh Tùng trong quá trình chăn nuôi thỏ New Zealand cũng như đóng góp vào xây dựng, phát tiển ngành thỏ, Trung ương Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam đã biểu dương, khen thưởng vì đã có thành tích trong xây dựng, phát triển phong trào chăn nuôi thỏ. Phần thưởng tuy nhỏ bé, nhưng cũng là động viên tinh thần để anh Tùng tiếp tục phấn đấu hơn nữa đóng góp phát triển nghề nuôi thỏ trên địa bàn huyện Triệu Sơn, cũng như tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Huy Long còn cho biết: Anh Nguyễn Công Tùng hiện là Chi hội trưởng Chi hội Chăn nuôi thỏ tỉnh Thanh Hóa và cũng là mô hình hội viên làm kinh tế giỏi từ chăn nuôi thỏ. Ngoài ra, để đầu tư cho phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi thỏ, mới đây, anh Tùng còn thành lập Công ty TNHH ADC GOLD để sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ nhân dân.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.