Hơn 10 năm gắn bó với nông nghiệp bằng tình yêu và niềm đam mê, chị Nguyễn Thị Hà tích tụ ngày một nhiều đất cấy lúa và trồng rau màu.
Với phương châm “Một cánh đồng, một giống lúa”, chị đã xây dựng thành công thương hiệu với nhiều sản phẩm gạo đặc trưng trên vùng đất Hải Phòng.
Mỗi năm đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng, chị Hà được tôn vinh là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Miệt mài tạo lối đi riêng
Chị Nguyễn Thị Hà (SN 1985) hẹn gặp chúng tôi tại trụ sở HTX Sản xuất, Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (HTX Thụy Hương) tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Đây là nơi hàng ngày chị cùng công nhân làm việc và trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của HTX.
Vừa nhâm nhi chén trà nóng, chị Hà vừa kể câu chuyện làm nông nghiệp của mình.
Chị Nguyễn Thị Hà hướng dẫn người dân sử dụng mạ khay.
Chị Hà sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Sau khi kết hôn, năm 2009, vợ chồng chị chuyển đến sinh sống tại thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP. Hải Phòng. Đến vùng đất mới, chị Hà làm nhiều công việc khác nhau, nhưng niềm đam mê với nông nghiệp thì luôn hiện hữu. Chị dành nhiều thời gian tham khảo, tìm tòi về cách làm nông nghiệp hiện đại.
Ban đầu, chị Hà thực hiện gieo mạ khay với số vốn chỉ vài triệu đồng, vụ đầu lúa cho năng suất tăng, phân bón giảm so với sản xuất thông thường. Tiếng lành đồn xa, người dân quanh vùng tìm đến học tập cách làm của chị. Số người sử dụng mạ khay cấy bằng máy tăng dần lên theo từng năm. Phương pháp canh tác thủ công “con trâu đi trước cái cày theo sau” dần được xóa bỏ.
Trẻ tuổi, lại nhiệt huyết, say mê làm nông nghiệp, chị Hà ngày ngày cần mẫn, miệt mài phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, đưa cơ giới hoá, phân hữu cơ vào đồng ruộng.
Năm 2017, được sự ủng hộ của chính quyền xã Thụy Hương, chị thành lập HTX nông nghiệp, đầu tư mua thêm 10 máy cấy, 2 máy gặt, 2 giàn gieo mạ và 11.000 khay gieo. Hàng năm, chị gieo mạ khay, cấy máy cho 1.122ha đất nông nghiệp trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Việc đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất góp phần giảm đáng kể chi phí trong sản xuất lúa, hạn chế tình trạng bỏ ruộng do thiếu lao động hiện nay. Mặt khác, phương thức sản xuất gieo mạ khay, cấy bằng máy giảm chi phí 30 - 40% nhưng lại tăng năng suất 10 -12% so với sản xuất thông thường.
Tích tụ ruộng đất để thực hiện “Một cánh đồng, một giống lúa”
Nhấp chén trà, tiếp câu chuyện, chị Hà kể: Những ngày đầu thành lập HTX Thuỵ Hương, đặt chân đến vùng đất Kiến Thuỵ bắt tay vào sản xuất, tôi nhận thấy đất nông nghiệp bị người dân bỏ hoang lâu ngày không canh tác là một sự lãng phí nguồn tài nguyên. Năm 2018, tôi vận động Nhân dân xã Ngũ Phúc cho thuê 17,5ha đất cấy lúa. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận được sự đồng thuận của hơn nửa hộ dân (cho thuê khoảng 10ha); nhiều hộ còn lại có tâm lý sợ mất ruộng, số ít người vẫn giữ canh tác. Khi đó, vận động cùng cấy một giống lúa cho thuận tiện canh tác, nhưng họ không đồng ý.
Trên phần đất tích tụ tại huyện Kiến Thuỵ, chị Hà sản xuất lúa hữu cơ .
“Vụ đó nhiều hộ dân mất trắng do chuột phá hoại hoặc sâu bệnh. Thấy diện tích tôi canh tác cho năng suất cao, 2 năm sau, những hộ còn lại cũng cho tôi thuê hết. Áp dụng cấy “Một cánh đồng, một giống lúa”, đưa cơ giới hoá, kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, chị Hà kể tiếp.
Từ thành công ban đầu, tôi tiếp tục mở rộng diện tích tại những xã có vùng đất bãi ngoài đê để phát triển cây lúa trên ruộng rươi, với ý tưởng cấy lúa hữu cơ trên ruộng rươi và “săn rươi” sau khi thu hoạch lúa. Việc này vừa nâng cao thu nhập, vừa cải tạo đồng ruộng, góp phần tăng sản lượng rươi.
Theo chị Hà: “Rươi là loài nhạy cảm với môi trường, thường sống ở các vùng cửa sông, bãi nước lợ ven biển, những nơi có vùng đất và nước sạch không bị ô nhiễm bởi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tôi đã học tập, nghiên cứu về các giống lúa phù hợp trên đất ruộng rươi như: Hạt Ngọc 9, ST25, Thơm RVT, Tím Thảo Dược, Huyết rồng…, năng suất 80 - 90 kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), bán với giá cao gấp 3 lần lúa thông thường. Thu nhập từ rươi gấp nhiều lần thu nhập từ lúa, đạt 300 - 500kg rươi/ha. Hàng năm, số lượng thóc bán ra thị trường trên 600 tấn; gạo khoảng 100 tấn với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg”.
Để khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng không cấy diễn ra ở nhiều địa phương, chị Hà tiếp tục thuê ruộng, mở rộng diện tích canh tác. Tận dụng những chân ruộng cao, xen canh tăng vụ trồng rau vụ đông như khoai tây, bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa lê… Đến nay, diện tích canh tác đất nông nghiệp của HTX Thuỵ Hương là hơn 500 ha (trong đó gần 300ha lúa - rươi và hơn 200 ha ruộng bỏ hoang thuê lại). Ngoài ra, chị còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông nghiệp trên diện tích 400 ha.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu trong lần đến thăm HTX nông nghiệp Thuỵ Hương.
Chị Hà chia sẻ: Hiện nay, HTX Thuỵ Hương đã phát triển được những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Bộ sản phẩm “Gạo ruộng rươi” được công nhận sản phẩm OCOP 3 và 4 sao cấp thành phố gồm: Gạo ruộng rươi ST25, Hạt Ngọc 9, Nếp cái Hoa vàng đạt OCOP 4 sao; Gạo ruộng rươi Nếp Nhung, Thơm RVT, Tím Thảo Dược, Huyết rồng, giống lúa Hana đạt OCOP 3 sao.
“Để giới thiệu, quảng bá bộ sản phẩm OCOP “Gạo ruộng rươi” đến người tiêu dùng, HTX Thuỵ Hương chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài thành phố để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu hàng năm. Các sản phẩm của HTX đang có mặt tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của hơn 20 tỉnh, thành phố. Doanh thu của HTX Thuỵ Hương đạt hơn 4 tỷ đồng/năm. Hiện tại, HTX đang trong giai đoạn đầu tư và phát triển, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 15 - 17%. Sau năm 2025, lợi nhuận thu về có thể đạt 30 - 40%”, chị Hà cho biết.
Sau nhiều năm phát triển sản xuất nông nghiệp, HTX Thuỵ Hương đã thành công trong việc thay đổi hình thức sản lúa truyền thống của người dân địa phương từ nhỏ lẻ, manh mún sang hợp tác sản xuất với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất để giải phóng sức lao động của con người. Mỗi năm, HTX giải quyết việc làm cho 14 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành tích về sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho ngành Nông nghiệp địa phương, nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Hà được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền địa phương. Chị vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.