Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 2 năm 2023 | 11:0

“Cơn sốt” sầu riêng ở Trung Quốc

Tuyên bố mới nhất trên tài khoản WeChat chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 13/2 cho biết, nước này cho phép nhập khẩu thêm sầu riêng tươi từ Philippines.

Theo quy tắc mới, Trung Quốc sẽ cho phép trái sầu riêng tươi của Philippines tiếp cận thị trường khổng lồ nước này, tương tự như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Nhập khẩu thêm sầu riêng tươi từ Philippines

Đầu năm 2023, khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tới Bắc Kinh (Trung Quốc), hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã ký 14 thỏa thuận về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, hợp tác phát triển, an ninh hàng hải, du lịch…

Trong số các thỏa thuận này có một Nghị định thư đồng ý về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với hoạt động xuất khẩu sầu riêng tươi của Philippines sang Trung Quốc, mở đường cho trái sầu riêng từ Philippines xuất sang đất nước hơn 1,4 tỷ dân.

Sầu riêng hiện được coi là một trong những loại trái cây sinh lợi nhất với giá tốt tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, việc tiếp cận thị trường khổng lồ Trung Quốc là vận may đối với người nông dân trồng sầu riêng Philippines.

Sầu riêng được làm sạch để đóng gói xuất khẩu. Ảnh: T.VY

Theo thống kê, sẽ có 9.696 việc làm trực tiếp và 1.126 việc làm gián tiếp được tạo ra sau khi sầu riêng Philippines được phép xuất sang Trung Quốc. Các công việc trực tiếp bao gồm lực lượng lao động bổ sung trong các cơ sở trang trại và đóng gói; trong khi các công việc gián tiếp bao gồm những công việc trong lĩnh vực đóng gói, hậu cần và các dịch vụ khác.

Hãng tin Tân Hoa xã trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines trong 6 năm liên tiếp và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước này. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Philippines.

Ngoài ra, Philippines hiện còn là nguồn cung chuối và dứa lớn nhất của Trung Quốc. Dự kiến sắp tới dừa, bơ và trái cây đông lạnh của nước này cũng sẽ trở thành mặt hàng phổ biến được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài sầu riêng, chuối từ Myanmar và nhãn từ Campuchia là một trong những loại trái cây Đông Nam Á gần đây được chấp thuận tại thị trường Trung Quốc, mang lại lợi nhuận cho các quốc gia Đông Nam Á.

Một cửa hàng hoa quả bày bán sầu riêng ở Bắc Kinh. Ảnh: CAN

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Philippines đạt 80,41 tỷ USD từ tháng 1-11/2022, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong khi đó, tờ Global Times dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, Philippines sẽ mở rộng sản xuất sầu riêng bằng cách đào tạo thêm nông dân, sau khi ký thỏa thuận xuất khẩu với Trung Quốc, nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Hiện, Bộ này tích cực làm thủ tục đăng ký cho các nhà xuất khẩu và đào tạo người trồng sầu riêng trong nước tuân thủ các tiêu chuẩn thị trường mới. Cụ thể như việc tiến hành tập huấn cho đội ngũ canh tác về phòng trừ sâu bệnh hại sầu riêng, đào tạo nâng cao kiến thức nhằm đảm bảo sầu riêng tươi chất lượng cao sẽ được xuất sang Trung Quốc và các thị trường khác.

Philippines là quốc gia xuất khẩu nông sản quan trọng ở Đông Nam Á. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, khoảng một phần tư việc làm của đất nước vào năm 2021 là trong ngành nông nghiệp và ngành này chiếm 9,6% tỷ trọng GDP.

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021 và ước tính con số nhập khẩu trái cây vua vẫn ở mức 800.000 tấn vào năm 2022, bất chấp các tác động của dịch Covid-19.

Cơ hội cho sầu riêng Việt Nam

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy - Tiền Giang), trước kia, giá sầu riêng đỉnh điểm cũng chỉ  ở mức 105.000 đồng/kg. Nhưng giữa tháng 1/2023, giá sầu riêng Thái vọt lên 170.000 - 190.000 đồng/kg,  sầu riêng Ri6 140.000 - 160.000 đồng/kg. Hiện, giá sầu riêng đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức 140.000 - 150.000 đồng/kg, tuỳ loại.

Nguyên nhân khiến giá sầu riêng thời điểm này tăng cao là do tại khu vực miền Tây còn khoảng 1,5 tháng nữa mới rộ vụ thu hoạch. Thời điểm này vẫn chỉ là sầu trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc “ăn hàng” nên giá tăng mạnh.

Những vùng trồng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc giá tốt, cao hơn giá nhà vườn trồng bình thường. Để mua được sầu riêng ở những vùng này, doanh nghiệp phải đặt cọc. Mặt khác, các công ty xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc phải đóng cả container nên nếu thiếu hàng, giá có tăng cao, họ vẫn phải gom mua đủ số lượng.

Công ty TNHH xuất - nhập khẩu Vạn Xuân Phát cho biết, mỗi tháng, công ty xuất 1.000 tấn sầu riêng Việt Nam theo đơn đặt hàng của đối tác. Còn một công ty chuyên mua sầu riêng tại tỉnh Bình Phước cho hay, lần đầu doanh nghiệp xuất 1 container sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng mới đây, doanh nghiệp tiếp tục nhận được đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng Việt Nam.

Là một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho hay, Vina T&T và Tập đoàn Sunwah (Hong Kong - Trung Quốc) đã ký kết xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường này. Dự kiến năm 2023, sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu là 90.000 tấn, khoảng 4.500 container.

Cũng theo ông  Tùng, với trái sầu riêng, hàng năm, Trung Quốc chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khẩu từ các nước. Việt Nam có lợi thế nhất định về địa lý gần, việc vận chuyển nhanh hơn nhiều nước nên loại quả này được kỳ vọng  mang về lợi nhuận, doanh số cao cho ngành nông nghiệp. “Nếu tiếp cận tốt vào thị trường này, tận dụng lợi thế trồng quanh năm so với sầu riêng Thái Lan chỉ một vụ và đảm bảo chất lượng xuất khẩu thì giá trị sầu riêng mang về có thể đạt hơn 1 tỷ USD”, ông  Tùng nhận định.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc ước đạt 300 triệu USD.

Hiện, Thái Lan đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, chiếm 40% thị phần. Trung Quốc cũng đã cho phép sầu riêng của Philippines được nhập khẩu vào nước này từ ngày 4/1/2023.

Tuy nhiên, sầu riêng Việt vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Bởi lẽ, cả sầu riêng Thái Lan và Philippines đều thu hoạch theo mùa, trong khi ở Việt Nam có nhiều vùng trồng với thời gian thu hoạch lệch nhau nên có hàng xuất khẩu quanh năm.

Cùng với đó, quãng đường vận chuyển sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, đảm bảo sầu riêng tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng của các đối thủ cạnh tranh.

“Sầu riêng Thái Lan thường có độ cứng của múi thịt, trong khi người Trung Quốc, Việt Nam thích ăn sầu riêng chín cây, có độ mềm, thơm nên khi xuất sang đây, người tiêu dùng đánh giá rất cao”- ông Nguyên chia sẻ - những lô sầu riêng khi vào Trung Quốc được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực do giá rẻ hơn sầu riêng Thái Lan, Malaysia, trong khi chất lượng không thua kém, thậm chí còn ngon hơn.

Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch bước đầu đạt kết quả tích cực khi thị trường Trung Quốc được khơi thông. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý, Việt Nam cần làm tốt khâu vùng trồng, cơ sở đóng gói, giữ chất lượng ổn định để sầu riêng sẽ là loại quả “tỷ đô” ngay trong năm 2023 này.

Chanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top