Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 3 năm 2023 | 10:1

Cùng bà con Đắk Tô làm giàu từ rau sạch

Nắng nóng kéo dài trước khi sang hạ, nhưng rau sạch của bà con Tổ hợp tác rau an toàn Đắk Tô ở thị trấn Đắk Tô (Đắk Tô - Kon Tum) vẫn lưu thông bình ổn với giá khá cao, nhiều thành viên “trúng đậm”.

Được mùa rau, củ, quả

Ông Phạm Quang Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) rau an toàn (RAT) 7ha (mô hình điểm của huyện), tại khối 7, thị trấn Đăk Tô, cho biết, ông quê ở Ninh Bình, vào Đắk Tô sinh sống từ năm 2008. Hiện, ông và 6 gia đình, trong Tổ hợp tác sản xuất  RAT, đang chuyên canh tác các loại như: rau cải, rau muống, mướp, bí, bầu; hành, ớt tỏi; khoai môn, khoai lang, khoai tây ruột vàng; khổ qua (mướp đắng) rừng và khổ qua thường. Các giống rau phần lớn mang từ miền Bắc vào.  

Bà Duyên đang chăm sóc mướp đắng. 

Giá rau khá rẻ và thất thường, có lúc phải đem về làm thức ăn chăn nuôi. Hoặc có khi rau đang được giá, lại gặp mưa to, nên hư hỏng nhiều.  Đặc biệt, từ năm 2020 đến đầu năm 2021, khi dịch Covid - 19 bùng phát mạnh, rau, củ, quả sạch không lưu thông được. Nhất là 7 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) hoa lý (khoảng 5 tấn) xanh, sạch, đẹp của gia đình, phải đem vứt bỏ. Rất may, từ sau dịch Covid -19, nhất là đầu năm 2022 đến nay, giá hoa lý  trở lại bình thường, trung bình 50.000 đồng/kg. Sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy. Hiện tại, giá hoa lý đang tăng, đạt ngưỡng 60.000 đồng/kg.   

Tuy nhiên, giá bầu trắng trong Tết khá cao (10.000 đồng/kg), nay chỉ còn 4.000 đồng/kg; ớt cũng vậy, đầu năm 40.000 đồng/kg (lãi khá), nay 30.000 đồng/kg.

Theo ông Chiến, gia đình ông đang chuẩn bị sản xuất nấm rơm, nếu được hỗ trợ nhà sản xuất nấm, ông sẽ sớm bắt tay vào sản xuất. Dự kiến, đây là sản phẩm dễ tiêu thụ, đứng vững được quanh năm.

“Đáng ghi nhận là, bà con trong THT thường phân công nhau sản xuất, để tránh “đụng hàng”; tránh khủng hoảng thừa, thiếu. Hàng hoá làm ra, các thành viên chủ động phân phối, các gia đình đều có khách quen, bà con đến lấy tại vườn và đem đi bán lẻ, bán buôn trong và ngoài tỉnh, ra tận Đà Nẵng. Dự kiến, vào mùa hạ, giá rau sẽ thấp hơn, nhưng sản xuất cũng thuận lợi hơn. Bình quân, gia đình thu hoạch từ nguồn rau sạch trên 200 triệu đồng/7 sào/năm”, ông Chiến cho biết thêm.

Không riêng  Tổ trưởng Phạm Quang Chiến, các thành viên cũng có khá nhiều sản phẩm như: bầu, hành, khổ qua, hoa lý…, sẵn sàng cung ứng cho thị trường, đầu ra rộng mở và khá ổn định. Bà Đỗ Thị Duyên (khối 7) cho biết, gia đình bà có 1,5ha rau an toàn, chủ yếu trồng khổ qua rừng (1ha), còn lại là các loại rau ăn lá theo mùa vụ như: bầu, bí, hành, ngò (mùi Tàu), khoai tây, khoai môn. Theo đó, các loại rau thường thay đổi theo mùa, ví dụ: đón đầu mùa hạ, gia đình trồng dưa leo, khổ qua, đậu cô ve, bầu, mướp… Đầu ra cơ bản vẫn cung cấp tại thị trấn Đắk Tô và người dân quanh vùng.

Hoặc gia đình chất lên xe thồ, đem đi cung cấp đến các làng, bản, các xã ven thị trấn như: Kon Đào, Văn Lem và Ngọc Tụ. Đây là những địa phương chưa có kỹ thuật và thâm niên sản xuất rau an toàn quy mô lớn. Nhờ sản xuất quanh năm, bình quân  gia đình thu lãi trên 400 triệu đồng/năm”, bà Duyên cho biết thêm.

Sát cánh cùng người dân

Trao đổi với chúng tôi, ông Tưởng Văn Khanh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đắk Tô, cho biết: Trên địa bàn huyện có 63ha cà phê,  5ha rau các loại sản xuất theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, Đắk Tô còn canh tác dứa, liên kết với Công ty TNHH MTV xuất khẩu rau quả DOVECO Gia Lai (11,7ha). Hiện, cây dứa sinh trưởng, phát triển bình thường, chưa bị sâu bệnh gây hại, song do chưa thu hoạch, nên chưa có cở sở để đánh giá hiệu quả kinh tế.   

Ngoài ra, cũng theo ông Khanh thì địa phương đang xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đậu xanh mỡ, đậu đỏ với Công ty TNHH xuất - nhập khẩu Tân Bảo Châu, với tổng diện tích khoảng 30ha. Hiện, bà con đang nhân rộng mô hình.

Ông Chiến đang chăm sóc vườn rau.

Đặc biệt, huyện chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh hại trên cây trồng, năm 2022, cơ bản được quản lý, phòng trừ kịp thời. Tính đến thời điểm này, chưa phát hiện sâu bệnh gây hại lớn trên cây trồng. Những diện tích có cây mai dương trong lô sản xuất của nông dân, đã được các xã, thị trấn tích cực diệt trừ để đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn là, một số diện tích cây mai dương ở bờ lô ven đường, dọc sông suối, vùng bán ngập xã Diên Bình, Pô Kô và thị trấn Đắk Tô, đã diệt trừ năm 2020, nay đang phát triển trở lại. Hoặc, vẫn còn một số diện tích cây sắn giống mới, bị nhiễm bệnh khảm lá, với tỷ lệ nhiễm khá cao, 5 - 30%. Phòng Nông nghiệp Đắk Tô đang tiếp tục làm việc với nhà máy cồn và tinh bột sắn Đắk Tô, để xây dựng mô hình sắn giống mới, giúp kháng bệnh khảm lá hoàn toàn.

Mặt khác, huyện tích cực chỉ đạo Trạm quản lý thuỷ nông huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra nguồn nước đến, giúp bà con chủ động tưới tiêu. Kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng thoát lũ vùng hạ du, các hồ chứa, đập thuỷ lợi. Qua kiểm tra, các đơn vị đã thực hiện tốt việc quản lý, điều tiết nguồn nước tưới. Các công trình thuỷ lợi đảm bảo khả năng thoát lũ và an toàn trong mùa lũ. Không có diện tích cây trồng bị khô hạn, thiếu nước. 

Về mô hình kinh tế tập thể, ông Khanh cho biết, năm 2022, huyện đã vận động bà con thành lập 22 THT trồng cây mắc ca, với 358 thành viên. Toàn huyện hiện có 37  THT với 506 thành viên; 12 HTX  đang hoạt động;  chưa có HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.    

 

 

An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top