Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình - Tuyên Quang) hiện có 177 hộ với 878 nhân khẩu, trong đó dân tộc Pà Thẻn có 605 người/143 hộ. Những năm qua, người Pà Thẻn nơi đây luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc nét văn hóa tiên tiến.
Rực rỡ trang phục truyền thống
Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau.
Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng; thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng..., tạo nên bộ trang phục hài hòa, có sự tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.
Trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang.
Theo phong tục người Pà Thẻn, trước khi cưới, người con gái phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới mặc trong ngày cưới. Vì vậy, ngay từ khi mới 5-6 tuổi, các bé đã được bà, mẹ dạy cách dệt, thêu trang phục. Mỗi năm, phải tự tay thêu 1-2 bộ quần áo diện Tết và để sau này về nhà chồng. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ Pà Thẻn ở Thượng Minh hầu như ai cũng biết dệt vải và may quần áo.
Trang phục phụ nữ Pà Thẻn được làm khá kỳ công. Để hoàn thành một bộ váy áo phải mất 3 tháng, từ dệt vải, nhuộm, khâu tay, sau đó thêu trang trí họa tiết. Những thành phần cơ bản của bộ trang phục gồm: váy, áo, khăn đội đầu xếp nhiều lớp, thắt lưng. Màu sắc chủ đạo của trang phục là đỏ, đen và trắng.
Đặc biệt, để duy trì việc làm trang phục truyền thống, xã Hồng Quang đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề dệt, thêu, thu hút đông đảo chị em tham gia.Chị Sìn Thị Thơm (thôn Thượng Minh) cho biết, nhờ tham gia các lớp dạy nghề dệt, hầu hết chị em trong thôn có thể dệt thành thạo và tự làm trang phục cho mình. Ngoài ra, chị em còn thêu, dệt các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm quà, tặng phẩm của khách du lịch, góp phần tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Chiếc mũ đội đầu cũng là điểm nhấn của bộ nữ phục, chị em thường dùng khăn dài vấn đầu gồm 1 đôi, khăn trong làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm, khăn ngoài được làm bằng vải màu đỏ dệt xen lẫn sọc trắng. Khi kết hợp với trang phục, khăn trong được quấn nhiều vòng xung quanh đầu, tạo thành một vành rộng, sau đó mới quấn khăn màu đỏ bên ngoài. Quấn xong, người phụ nữ dùng chỉ khâu đính để giữ cho khăn được chắc chắn, vì vậy, có thể tháo ra khỏi đầu mà không cần quấn lại nhiều lần.
Đặc sắc Lễ hội nhảy lửa
Khi nói đến người Pà Thẻn là người ta nhắc đến Lễ nhảy lửa, thường diễn ra từ 16/10 âm lịch năm trước đến 16 tháng Giêng năm sau. Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần: cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối (diễn ra khoảng 1 tiếng).
Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn mừng cho mùa màng bội thu, mong cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an.
Lễ nhảy lửa để mừng cho mùa màng bội thu và mong cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Đầu tiên, thầy cúng làm lễ xin thổ công, thổ địa cho được phép nhảy lửa, cùng lúc đó đống lửa to được đốt lên. Khi đống lửa đã cháy thành than rực hồng cùng với sự điều khiển của thầy cúng, các thành viên lần lượt ngồi trước mặt thầy cúng nhận sức mạnh và nhảy vào ngọn lửa đạp than bắn tung tóe trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người mà không hề bị bỏng.
Tuy màu sắc tâm linh huyền bí, nhưng Lễ hội nhảy lửa truyền thống của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đậm những giá trị tinh thần đậm nét nhân văn, đó là nơi con người giao hòa hội tụ để sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc họ lại tìm được niềm tin, tìm được tình yêu cuộc sống.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản, ngày 01/6/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn (Tuyên Quang) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ đó gắn kết con người với cộng đồng, môi trường sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có thu hút khách du khách đến với Tuyên Quang.
Nhà truyền thống đặc trưng
Các ngôi nhà của người Pà Thẻn đều làm từ gỗ, cột đục lỗ có mộng, chân cột kê trên đá tảng; xà, kèo, đòn tay, đòn nóc,… được cưa xẻ cẩn thận; phần lớn các ngôi nhà đều lợp ngói hoặc lá cọ, xung quanh bưng bằng ván hoặc phên nứa; có ít nhất 2 cửa sổ để trong nhà thông thoáng. Về khung mái, cho đến nay, bất kể nhà gỗ hay dạng nhà xây tường có lợp mái vẫn được làm từ tre và gỗ. Đòn nóc, đòn tay được làm từ gỗ, dui, mè có thể làm từ tre đã ngâm để chống mọt.
Những năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa như: khuyến khích các nghệ nhân dân gian truyền dạy các làn điệu dân ca, phục dựng nhà văn hóa truyền và giáo dục các nét văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm 2023, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, UBND huyện Lâm Bình phối hợp khởi công, xây dựng công trình nhà truyền thống dân tộc Pà Thẻn phục vụ bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang.
Cắt băng khánh thành nhà văn hoá cộng đồng dân tộc Pà Thẻn.
Mới đây, phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Trao tặng nhà văn hóa cho đồng bào dân tộc Pà Thẻn tuy không lớn về mặt giá trị, quy mô nhưng rất lớn về tinh thần nhân văn, thể hiện tình cảm sâu nặng của thế hệ trẻ Việt Nam đối với quê hương Cách mạng Tuyên Quang nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, xã hội, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường. Đề nghị cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hồng Quang phát huy truyền thống cách mạng, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.
Với những giá trị văn hoá truyền thống riêng có, đồng bào Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh đã mạnh dạn làm du lịch cộng đồng, bước đầu thu hút khách du lịch đến trải nghiệm về cuộc sống của đồng bào, đặc biệt là những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào nơi đây.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.