Chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều hộ dân tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông về việc họ chịu rất nhiều thiệt thòi trong việc đền bù cũng như gặp khó khăn trong cuộc sống khi Công ty nhôm Đắk Nông – TKV mở rộng diện tích khai thác.
Có mặt tại đây, nhóm phóng viên ghi nhận, việc mở rộng diện tích khai thác của công ty nhôm Đắk Nông đang được tiến hành. Hàng chục hộ dân tại thôn 13 nằm trong diện tích mở rộng của Công ty nhôm Đắk Nông (thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam). Tuy nhiên, từ khi nhiều hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ cho TKV, cuộc sống của họ bị đảo lộn, nhiều hộ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Ông Bùi Quang Mạnh chia sẻ: “Vợ chồng tôi vào đây mấy chục năm rồi, hai vợ chồng đã bỏ ra nhiều công sức để tạo dựng cơ nghiêp, cây cối, vật nuôi,… nay đang ở trong giai đoạn đem lại kinh tế cho gia đình. Chúng tôi chấp thuận chủ trương của nhà nước. Thế nhưng, việc đền bù khiến gia đình tôi chịu quá nhiều thiệt thòi. Căn nhà mái thái khang trang vợ chồng tôi xây dựng từ năm 2008 đến 2011 mới hoàn thành hết hơn 500 triệu. Nếu như bây giờ đến nơi khác xây dựng cơ ngơi nhà cửa, đất đai, cây trồng, vật nuôi như hiện tại thì số tiền tiền đền bù chẳng thấm vào đâu, có khi chỉ đủ xây dựng lại căn nhà như hiện tại mà nhà tôi đang ở”.
Căn nhà của gia đình anh Bùi Quang Mạnh nằm trong diện tích bị thu hồi
Còn bà Đào Thị Nghĩa (mẹ của gia đình anh Lê Văn Hồng) nghẹn ngào nước mắt cho biết: “Với giá đền bù thế này thì chưa đủ tiền vay để xây nhà, hiện tại gia đình còn nợ rất nhiều dẫn đến đời sống khó khăn, con tôi có 3 đứa con nhưng không thể nuôi được mà phải gửi 2 đứa lên chùa Pháp Hoa. Tôi mong các cơ quan tỉnh Đắk Nông và huyện Đắk R’lấp xem xét lại giá đền bù và các chính sách hỗ trợ khác để gia đình vượt qua được khó khăn.
Bà Đào Thị Nghĩa chia sẻ trong nước mắt về việc đền bù của gia đình con trai
Trong khi đó, ông Lê Văn Tín – Chủ trang trại Tín Hiền ngậm ngùi nói: “Giá đền bù mà hội đồng thẩm định đền bù đưa ra là quá thấp, chưa bằng một nửa giá trị hiện tại trong trang trại của gia đình tôi. Tôi chưa đồng ý với giá đền bù nên chưa thể nhận tiền được. Đơn cử như giá đền bù cho 1 mét vuông bê tông dày 10cm nhưng chỉ được đền bù với giá 70.000đ, số tiền đó còn chưa đủ tiền công nữa. Trang trại của gia đình tôi là một trong những trang trại tiêu biểu của tỉnh, mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 10.000 con gà, chưa kể các vật nuôi khác. Giá trị kinh tế của trang trại rất lớn, gia đình tôi đã chịu rất nhiều thiệt thòi khi nằm trong chủ trương thu hồi đất để mở rông diện tích khai thác của Công ty nhôm Đắk Nông. Vậy mà bây giờ lại đền bù với mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế là chuyện khó chấp nhận. Tôi chỉ mong muốn được đền bù đúng với giá trị thực tế chứ không đồi hỏi gì hơn”.
Anh Lê Văn Tín ngậm ngùi khi trang trại của gia đình nằm trong diện bị thu hồi
Một việc nữa mà nhóm phóng viên ghi nhận là chuyện gặp khó khăn trong nơi ở của các hộ gia đình nằm trong diện bị thu hồi đất. Một số hộ tại thôn 13 trong quyết định đền bù được cấp đất tái định cư. Thế nhưng, nhiều hộ cho biết đến nay vẫn chưa được biết đất tái định cư là ở đâu. Chưa kể đến tái định canh là làm ngành nghề gì cho phù hợp. Họ bị yêu cầu 20 ngày sau khi nhận tiền đền bù phải chuyển đến chỗ khác ở. Nhiều hộ dân phải đi thuê nhà trọ sinh sống, có những hộ phải ở nhà trọ chật hẹp với 6-7 nhân khẩu. Vậy người dân phải còn đi ở trọ, phải chờ đợi biết đến bao giờ. Họ phải sống trong mòn mỏi, lo lắng vì bản thân các hộ dân hiện nay vẫn mù mờ về nơi ở mới của họ. Đúng ra, khi tiến hành thu hồi, người dân đã phải biết nơi sinh sống mới của họ như thế nào rồi, đằng này người dân vẫn mù chưa biết nơi tái định cư như thế nào.
Điều đáng nói khác là việc thu hồi đất theo kiểu “ngon lấy dở bỏ” khiến nhiều hộ gia đình bức xúc, cuộc sống bị đảo lộn. Việc thu hồi đất của các hộ dân có sự bất cập, khi tiến hành thu hồi đất của người dân nhưng lại không thu hồi hết mà nhiều hộ dân lại bị trừ lại phần nhỏ diện tích đất không thu hồi. Số đất ít ỏi của người dân bị trừ lại người dân không được đền bù có nghĩa các gia đình vẫn phải sử dụng diện tích bị trừ lại đó. Thử hỏi rằng, khi đưa vào khai thác quặng trên những diện tích đất đã bị thu hồi, liệu những diện tích đất trừ lại có thể sinh sống và canh tác được hay không? Môi trường bị tàn phá, ô nhiễm, ồn ào mà người dân phải canh tác, sinh sống trong môi trường đó có khác gì đang giết dần giêt mòn sự sống? Với hoàn cảnh như vậy thì diện tích đất bị trừ lại chỉ có thể để hoang thì quá phí phạm, làm sao có thể mưu sinh được trong môi trường như vậy? Đó là việc đẩy người dân vào sự thống khổ.
Quyết định thu hồi đất liên quan đến hộ dân
Việc người dân chấp nhận chủ trương, giao lại đất đai, nhà cửa để Công ty nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) thực hiện việc mở rộng khai thác quặng nhôm là họ đã chịu nhiều thiệt thòi. Họ đang sinh sống, canh tác ổn định trên mảnh đất đã bao nhiêu năm họ đổ mồ hôi, công sức. Ấy vậy mà giờ lại phải giao lại và đi tìm nghề khác để mưu sinh. Trong sâu thẳm suy nghĩ, họ không hề muốn phải đi nơi khác bởi họ đã gắn bó máu thịt với những tấc đất đã gắn liền với cuộc sống của họ. Giờ họ phải đi nơi khác, tìm một công việc mới, phải xây dựng nhà cửa, phải lo rất nhiều chuyện khác. Đúng ra, cần cảm thông cho người dân. Rồi mai đây, họ phải bắt đầu với cuộc sống mới thế nào, tiền đền bù không đủ mua những nơi ưng ý, công việc, nghề nghiệp bị đảo lộn, rồi chuyện học hành của con cái…
Mở rộng diện tích khai thác quặng nhôm là góp phần đưa một doanh nghiệp phát triển triển hơn, nhưng cũng đừng để người dân bị thiệt thòi quá. Họ đâu muốn rời khỏi nơi ở của họ. Họ đang sinh sống yên ổn, giờ coi như phải làm lại từ đầu. Nhà nước ta luôn lấy dân làm gốc, dù làm việc gì thì lợi ích của dân vẫn phải đặt lên hàng đầu. Người dân thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cũng vậy, họ muốn được đối xử công bằng, họ muốn được đền bù đúng với công sức họ đã bỏ ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc trong các số tiếp theo!
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.