Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 5 năm 2023 | 15:11

Đưa sản phẩm nông nghiệp lên kệ siêu thị và phát triển kinh tế tuần hoàn

Việc đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị và hệ thống tiêu dùng hiện đại nhằm tạo chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững vẫn đang là bài toán khó đối với người sản xuất.

Các sản phẩm mắm và nước mắm của HTX chế biến thủy sản Hải Bình chưa thể vào siêu thị vì nhiều khó khăn.

Thanh Hóa: Gian nan đưa sản phẩm nông nghiệp lên kệ siêu thị

Thanh Hóa có hệ thống sản phẩm nông nghiệp đa dạng, trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và nhiều loại nông sản thiết yếu như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống đều có tiềm năng cung ứng cho thị trường với khối lượng lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị và hệ thống tiêu dùng hiện đại nhằm tạo chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững vẫn đang là bài toán khó đối với người sản xuất.

Là chủ thể sản xuất các sản phẩm chế biến từ thủy sản, HTX chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) được thị trường biết đến và đánh giá cao về các sản phẩm mắm tôm, mắm tép, nước mắm mang nhãn hiệu Vị Thanh. Hằng năm, HTX cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm các loại. Giám đốc HTX Nguyễn Thế Hoàng cho biết: Những năm qua HTX đã xây dựng và phát triển được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó có 3 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. HTX mong muốn đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị nhưng còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nguyên nhân chính là nếu muốn đưa sản phẩm vào siêu thị HTX phải bảo đảm sản lượng cung cấp cho toàn bộ hệ thống. Đồng thời cam kết thực hiện các hoạt động thu mua, thanh toán chậm theo điều khoản, chính sách của đơn vị tiêu thụ. Trong khi đó, HTX không đủ tiềm lực kinh tế và nguồn vốn để hoạt động sản xuất khi lượng hàng ký gửi quá lớn. Ngoài ra, việc nhập sản phẩm vào siêu thị đòi hỏi nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý rườm rà. Giá thành sản phẩm còn bị chi phối bởi nhiều loại phí, thuế như phí mặt bằng, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ quảng cáo, bán hàng, giá kệ, đóng phí mã hàng... nên giá trị kinh tế không được như mong đợi.

Khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh các chủ thể sản xuất phần lớn vẫn là hộ dân, HTX với diện tích còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, các sản phẩm còn theo tính chất mùa vụ. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh Lương Hồng Sỹ cho biết: Như Thanh có các sản phẩm nấm hữu cơ, rau, củ, quả, thịt gà, lợn nuôi theo quy trình an toàn. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, đặc biệt là tiêu thụ trong hệ thống siêu thị. Một trong những yêu cầu khi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong siêu thị thì người dân cần cung ứng sản phẩm liên tục quanh năm, đảm bảo chất lượng, trong khi người dân sản xuất còn mang tính thời vụ. Do đó, thị trường tiêu thụ của bà con vẫn chủ yếu qua các kênh truyền thống. Ngoài ra, để đưa được sản phẩm nông sản tiêu thụ trong các siêu thị, người dân, HTX, doanh nghiệp cần nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý, giá thành chi phối bởi nhiều loại thuế, phí và đảm bảo các yêu cầu khắt khe về tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác...

Tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, bên cạnh những mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày thì sự đa dạng về các sản phẩm nông sản đang là “điểm hút” người tiêu dùng trong tỉnh. Hiện siêu thị có bán hơn 50 mặt hàng nông sản được sản xuất từ các HTX, vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên cả nước. Tuy nhiên, theo lý giải của bộ phận kinh doanh Công ty TNHH MTV Co.opmart Thanh Hóa, các mặt hàng nông sản được lựa chọn, kết nối để tiêu thụ tại siêu thị phải là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm, nông sản an toàn được cơ quan chuyên môn cung cấp. Hiện nay, đơn vị đã trực tiếp liên hệ, tìm hiểu và ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số mặt hàng như trứng gà của Công ty TNHH Hiền Nhuần; rau, quả an toàn của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Còn lại hầu hết các mặt hàng nông sản đều được nhập tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.100 ha đất nông nghiệp sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...). Để thúc đẩy hỗ trợ đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các huyện cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm thông qua các hội nghị, hội chợ nhằm tạo sự kết nối cho các đơn vị sản xuất - tiêu thụ.

Hà Nội: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Tại nước ta, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bài bản... Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, có nhiều bài toán cần lời giải cùng lúc. Trong đó có việc Nhà nước đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích; đồng thời, phải chú trọng đến công tác quy hoạch, quy trình sản xuất...

Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là sản xuất theo quy trình khép kín, chất thải và phế thải của quá trình sản xuất này sẽ là đầu vào của quá trình sản xuất tiếp theo. Việc này sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm thiểu sự thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành dù mức độ hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, khép kín của Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn). (Ảnh: Tuệ An).

Bà Bùi Thị Hồng Hà - Trưởng phòng Vi sinh thuộc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thông tin, trung tâm đã triển khai mô hình liên kết gà, rau tại tỉnh Thái Bình. Nhờ ứng dụng các công nghệ vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi, trang trại này đã nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng năng suất tới 40% so với phương pháp sản xuất cũ.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Thoan - Giám đốc Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, hợp tác xã đang triển khai mô hình chăn nuôi tuần hoàn, trong đó có sử dụng đệm lót sinh học cho chuồng trại từ nguồn phế phẩm chăn nuôi. Hằng năm, trang trại cung cấp cho thị trường 70 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, nhờ chăn nuôi tuần hoàn, khép kín, nên gà ít bị dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Đánh giá về hiệu quả của kinh tế tuần hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, các mô hình này còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao và việc liên kết các sản phẩm trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, nên chưa có nhiều mặt hàng nông sản từ các mô hình này được đưa vào các kênh phân phối hiện đại.

Cũng về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN&ptnt) Nguyễn Giang Thu cho rằng, ứng dụng khoa học, công nghệ trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp về vấn đề này còn lỏng lẻo...

Để kinh tế tuần hoàn thực sự phát huy hiệu quả và được nhân rộng ở các địa phương, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam Nguyễn Hồng Lam cho rằng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ được những lợi ích mà kinh tế tuần hoàn mang lại, cả về kinh tế cũng như môi trường.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tuần hoàn, Sở NN&PTNT Hà Nội đang kết nối với các doanh nghiệp triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi phục vụ trồng trọt, tạo vòng tuần hoàn khép kín tại huyện Ba Vì. Hiện tại, các doanh nghiệp đang khảo sát thực tế, làm việc với chính quyền địa phương, xây dựng phương án cụ thể để tổ chức triển khai trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức đánh giá, nghiên cứu khả năng nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng cho rằng, để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7-6-2022, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là: Ưu đãi về vốn, chính sách thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao áp dụng mô hình này, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ tuần hoàn, công nghệ trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp để hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.

“Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn. Mặt khác, các địa phương cần tổng kết, đánh giá các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã và đang thực hiện trong nước, từ đó, xây dựng các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Điều quan trọng, để các mô hình kinh tế tuần hoàn đi vào cuộc sống, cần bổ sung tiêu chí phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vào bộ Tiêu chí nông thôn mới. Có như vậy mới tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...”, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh.

Bắc Ninh: Ưu tiên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, kinh tế trang trại tập trung 

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc hoàn thành quy hoạch ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp; quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, sinh thái, kinh tế trang trại tập trung được ưu tiên tập trung, gắn với quá trình xây dựng Nông thôn mới.

Bắc Ninh có gần 50 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính.

Bắc Ninh hiện có 1.242 vùng lúa năng suất, chất lượng cao với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên; 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên; xây dựng và phát triển  gần 70 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 167 ha, trong đó có 22 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP (138  ha); 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh đạt 140 triệu đồng/ha.

Năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng ứng dụng KHCN cho năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Đồng thời, phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao đời sống nhân dân với mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%; tỉ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top