Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.
Cần hiểu rõ về nông nghiệp tuần hoàn
Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường. Mô hình dựa trên nguyên tắc tuần hoàn các nguồn tài nguyên trong hệ thống nông nghiệp từ; đất, nước, phân bón, đến cây trồng vật nuôi. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác.
Các loại phế, phụ phẩm chính trong nông nghiệp gồm: phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào, sau khi xử lý thì đây là nguyên liệu hữu hiệu cho quy trình sản xuất khác, bằng cách này, mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp tăng năng suất, chất lượng và an toàn trong các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: Phát triển NNTH là xu hướng của các nước phát triển, bối cảnh hiện nay đang mở ra cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế để giao lưu, học hỏi kỹ thuật tiên tiến trên thế giới nhằm phát triển NNTH gắn với sự phát triển bền vững cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Mười cho biết, tổng khối lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta gần 157 triệu tấn. Trong đó, gần 89 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ khâu chế biến các loại nông sản của lĩnh vực trồng trọt; hơn 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; có 5,5 triệu tấn từ ngành nông nghiệp…
Thực tế, nông dân của chúng ta vẫn đang lãng phí rất nhiều nguồn nguyên liệu góp phần mang lại giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp; giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Trong đó, phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) theo hướng NNTH là rất quan trọng. Tại Việt Nam, kinh tế VAC đã phát triển nhưng chưa áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chưa phát huy được giá trị tuyệt đối của mô hình NNTH, ông Mười cho biết.
NNTH mang lại nhiều lợi ích, ví dụ như xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi, người dân có thể sử dụng nguồn năng lượng này làm chất đốt. Hay sử dụng sinh khối là phế phẩm trong lâm nghiệp, cây trồng làm viên nén chất đốt; viên nén này còn được xuất khẩu, tăng doanh thu khá đáng kể.
Nguồn chất thải trong chăn nuôi, xác bã thực vật hoặc phế, phụ phẩm trong chế biến nông sản là nguồn nguyên liệu rất tuyệt vời để làm phân bón hữu cơ. Với nông dân, phân bón thường chiếm khoảng 50% chi phí đầu tư, thay vì bỏ rất nhiều tiền mua phân bón thì chúng ta tái sử dụng lại những phế phẩm làm phân bón sẽ mang lại giá trị rất lớn cho người nông dân. Đồng thời, việc tận dụng phế phẩm sẽ ngăn chặn chất thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Mười phát biểu tại Hội thảo.
Cụ thể, khi chăn nuôi bò, chúng ta có thể sử dụng phân bò nuôi trùn quế, sau đó dùng làm phân bón cho cây trồng. Không những mang lại hiệu quả trong chăn nuôi và trồng trọt mà còn đảm bảo được việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Trong NNTH, yêu cầu sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước để duy trì phát triển bền vững, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong sản xuất nông nghiệp, nước đóng vai trò rất quan trọng nên phải có những giải pháp để tiết kiệm nước, nhất là ở những vùng khô hạn. Chính vì vậy, tuần hoàn nước là giải pháp để tiết kiệm cũng như sử dụng hiệu quả tối đa nguồn nước chúng ta đang có. Với mô hình VAC, vai trò của ao hồ sẽ quay trở lại phục vụ cho chăm sóc cây trồng, trữ nước, thoát nước và có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cây... Đặc biệt, hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần ứng dụng giải pháp tuần hoàn nước để hạn chế xâm nhập mặn, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay.
Hưởng lợi lớn từ NNTH
Trao đổi tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyến, Trưởng Ban cố vấn khoa học kĩ thuật tại Công ty Cổ phần Phân bón BIOWAY HITECH cho biết, áp dụng phương pháp NNTH vào canh tác nông nghiệp không chỉ có nhiều tác dụng, mà còn có hiệu quả tức thời. Ví dụ: Tận dụng từ phụ phẩm của cá tra, trong những năm qua doanh nghiệp đã sản xuất thành công những sản phẩm giá trị gia tăng như các sản phẩm công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, bột cá, mỡ cá,… cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế, chứng tỏ những phụ phẩm, phế phẩm tưởng chừng như bỏ đi nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, đối với các phụ phẩm cá tra, ngoài việc tách lọc lại những phần như bao tử, bóng cá thì những phần phụ phẩm khác như đầu, ruột, xương, đuôi cá được sử dụng làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi hoặc được chế biến để thành phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng.
Việc tận dụng phụ phẩm chế biến từ cá tra có thể gia tăng 15 - 25% giá trị cho toàn bộ chuỗi ngành hàng. Ngoài ra, một phần bùn thải, chất hữu cơ trong ao nuôi thủy sản được xử lý làm phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng; nước có thể dùng để tái tưới cây sau khi đã xử lý theo phương thức thủy canh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyến, Ban cố vấn khoa học kĩ thuật tại Công ty Cổ Phần phân bón BIOWAY HITECH, phát biểu tại chương trình Hội thảo.
Không chỉ đáp ứng được hiệu quả kinh tế cho bản thân, cho gia đình đối với từng hộ nông dân, còn đảm bảo hiệu quả canh tác, hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã. NNTH không chỉ giúp canh tác hiệu quả mà còn hiệu quả về kinh tế, đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm, ông Nguyễn Đức Tuyến nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Nghiên cứu hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm trong quy trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo chuỗi khép kín. Phấn đấu 50% phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi, 100% nước và 80% chất thải trong nuôi trồng thủy sản, 100% phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông sản được tái sử dụng cho sản xuất tuần hoàn. Hiện tại, giá trị lĩnh vực kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tăng bình quân 10%/năm, giá trị các mô hình dự án sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn tăng ít nhất 20%. Xây dựng các chu trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không phụ phẩm, không chất thải bao gồm: tuần hoàn chất dinh dưỡng, tuần hoàn chất hữu cơ, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng và tuần hoàn vật liệu nhựa. Phấn đấu 50% các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản được tiếp cận và ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại nông lâm thủy sản, hợp tác xã, trang trại ứng dụng các mô hình sản xuất tuần hoàn đạt 25%. Trong đó 50% nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ các cấp từ trung ương đến địa phương được đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ, quy trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phải đáp ứng các tiêu chí giúp giảm đầu vào, tái sử dụng phụ phẩm, phát thải thấp và bền vững với môi trường. Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với sản xuất nông nghiệp; Chuyển giao nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp bền vững; Xác định thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; Học hỏi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệm. Trong đó, về phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin ngành nông nghiệp để có thể sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; phát triển công nghệ chuyển đổi số phục vụ cho thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng loại mô hình kinh tế tuần hoàn của từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, lâm nghiệp. Đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi, vật tư đầu vào (giống kháng bệnh, chống chịu; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản; chế phẩm xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tái chế, xử lý phụ phẩm; chế phẩm trong bảo quản chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm…), giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải. |
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.