Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 7 năm 2024 | 13:8

Dấu ấn cuộc thi “Vườn đẹp Trang trại kiểu mẫu” ở Thanh Hoá

Cuộc thi Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu do Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa chủ trì đã thu hút hàng chục huyện Hội tham gia để lại nhiều dấu ấn cho hội viên, trở thành một trong những hoạt động nổi bật, trọng tâm của các Hội thành viên Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa.

Bài 1:  Lan tỏa điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi

Khởi đầu từ năm 2022, từ đó đến nay, hằng năm, Thanh Hóa đều tổ chức Cuộc thi “Vườn đẹp - Trang trại kiểu mẫu”. Đây là cách tiếp cận mới không chỉ dừng lại ở sân chơi giao lưu của hội viên, mà cốt lõi còn hơn thế nữa là phát hiện, tôn vinh, lan tỏa điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế VAC hiệu quả.

Cách tiếp cận hướng tới mục tiêu kép

Sau 40 năm hoạt động, trải qua nhiều tên gọi, quy mô, cấp độ và cơ chế hoạt động có nhiều thay đổi, hiện tại, 489 tổ chức hội thành viên ở xã, 27 tổ chức hội thành viên ở huyện, thị xã, thành phố trong hệ thống tổ chức hội thành viên Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa (Hội LVTT) có 24.776 hội viên tham gia. Trong đó, có hơn 24.000 vườn, trang trại, đơn vị kinh tế đang sản xuất - kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nổi bật có 1.505 trang trại thuộc 5 loại hình đạt chuẩn theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Quy mô số lượng là vậy, song bên cạnh sự nỗ lực vượt qua khó khăn, có những bước phát triển đáng kể, thì sức bật thi đua theo bề rộng lẫn chiều sâu hay đột phá về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất VAC ở các tổ chức hội thành viên trên địa bàn, có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, xu hướng phát triển ở một tỉnh lớn. Đáng chú ý, như trong báo cáo Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022 của Hội LVTT Thanh Hóa, nêu: “Hoạt động của Hội chưa đạt được sự đồng đều, có nơi chưa rõ nét…”.

Nông trại Ánh Dương, của ông Phạm Quang Vọng (xã Định Tân, huyện Yên Định), quy mô 5 ha. Mỗi năm đón khoảng 15.000-20.000 lượt khách tham quan; doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/năm.

Trong bối cảnh đó, năm 2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành  Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tổ chức Hội phát huy lợi thế so sánh, hưởng ứng tham gia Chương trình, Hội LVTT đã sớm xây dựng kế hoạch và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ triển khai thực hiện, trong đó nội dung tổ chức Cuộc thi “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu” trên địa bàn toàn tỉnh được xác định là một trong những nội dung mới và trọng tâm của kế hoạch.

Năm 2022, cuộc thi Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu lần đầu tiên được tổ chức,  thu hút hàng chục huyện Hội tham gia và để lại nhiều dấu ấn cho hội viên. Từ đó hằng năm, Cuộc thi trở thành một trong những hoạt động nổi bật, trọng tâm của các Hội thành viên Hội LVTT.

Vai trò, mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi đã được nêu rõ trong kế hoạch: mở ra một cách tiếp cận mới với nội dung, hướng đến mục tiêu kép. Ở đây không chỉ dừng lại ở sân chơi giao lưu, trao đổi của hội viên, mà còn hơn thế nữa, cuộc thi là để phát hiện, tôn vinh, lan tỏa các điển hình nông dân, chủ vườn, chủ trang trại sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế VAC hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, đem lại thu nhập ngày càng cao cho hội viên.

Việc tổ chức cuộc thi nhằm tạo ra cơ hội cho các tổ chức Hội và hội viên, nông dân tiên phong, tích cực tham gia thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu chất lượng, hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cách làm sáng tạo và sinh động

Theo Thể lệ cuộc thi, đối tượng, nội dung, phạm vi cuộc thi là các chủ thể gắn với vườn hộ gia đình, trang trại trong mối quan hệ điều chỉnh hướng dẫn, chỉ đạo của Hội LVTT thành viên ở các xã, phường, thị trấn và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Tiêu chí đánh giá chấm điểm cuộc thi được xây dựng trên cơ sở đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tế của từng vùng sinh thái và dựa theo tiêu chí “vườn hộ” của bộ tiêu chí “Thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu” (Đối với “Vườn đẹp hộ gia đình”), và theo Thông tư 02 về tiêu chuẩn, phân loại Trang trại của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Đối với “Trang trại kiểu mẫu”).

Cuộc thi được tích hợp theo 3 vòng, gồm: Thực hiện đánh giá thông qua hồ sơ, như: Hình ảnh, sơ đồ thiết kế quy hoạch, thuyết minh báo cáo và video/clip vườn, trang trại (Vòng 1); Thực hiện theo phương pháp chuyên gia, đánh giá trực quan, so sánh, tổng hợp theo banner gắn với các chỉ tiêu, nội dung thực tế vườn, trang trại (Vòng 2); Thực hiện thông qua thuyết trình cùng hình ảnh minh họa trên video/clip về kinh nghiệm, kết quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ của vườn, trang trại (Vòng 3). 

Thông qua đây, giúp cho Ban Tổ chức (BTC), Ban Giám khảo (BGK) cuộc thi và các tổ chức Hội đánh giá được mức độ nổi trội của từng vườn, trang trại, cũng như giúp cho các chủ thể tư duy, khung định hình phát triển vườn, trại theo ba không gian: Kinh tế - Môi trường sinh thái - Văn hóa. Đồng thời, cũng để nắm bắt và giúp chủ vườn, chủ trang trại nâng cao khả năng kết nối, cung cấp thông tin, thuyết minh đánh giá về quy mô, khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giá trị sản xuất, thu nhập, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sinh thái, hiệu quả, khả năng nhân rộng trong thực tiễn và các điều kiện, yêu cầu pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai vườn, trại của mình.

BGK cuộc thi là đại diện Hội LVTT tỉnh và một số thành viên được cử đến từ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Chính sự tham gia của các đại diện này đã giúp cho việc đánh giá chấm điểm cuộc thi được toàn diện, làm tăng thêm vai trò, trách nhiệm, tầm vóc, vị thế và tính khách quan của cuộc thi.

Ban Giám khảo cuộc thi chấm điểm tại thực địa.

Kết quả chung cuộc

Đối với cuộc thi đầu tiên (năm 2022), đã có gần 800 vườn, 360 trang trại/300 xã được các Hội thành viên ở xã và huyện khảo sát, đánh giá. Sau đó, 81 chủ vườn, trang trại (46 vườn, 35 trang trại)/20 huyện, thị xã, thành phố được lựa chọn dự thi cấp tỉnh. Đạt 60% về số vườn, trang trại và 70% số huyện, thị xã, thành phố tham gia thi ở tỉnh (kế hoạch của Hội LVTT tỉnh là 135 vườn trại/27 huyện, thị xã, thành phố). Sau 3 vòng chấm điểm, kết quả chung cuộc, có 66 giải thưởng các loại, được trao cho 27 Vườn đẹp, 23 Trang trại kiểu mẫu, 16 tập thể Hội huyện tiêu biểu.

Về cuộc thi năm 2023, có 863 vườn, 460 trang trại/301 xã được được các Hội thành viên ở xã và huyện khảo sát, đánh giá. Sau đó, 80 chủ vườn, trang trại (44 vườn, 36 trang trại)/20 huyện, thị xã, thành phố được lựa chọn dự thi cấp tỉnh. Đạt 50% về số vườn, trang trại và 70% số huyện thị xã, thành phố tham gia thi ở tỉnh (kế hoạch của Hội tỉnh là 162 vườn trại/27 huyện, thị xã, thành phố). Kết quả, 68 giải thưởng các loại được trao cho 32 Vườn đẹp, 30 Trang trại kiểu mẫu, 6 cho tập thể Hội huyện tiêu biểu.

Về kinh phí tổ chức cuộc thi: Đây là một trong những yếu tố quan trọng, cần thiết đảm bảo cho việc tổ chức triển khai thành công cuộc thi. Do đó, phần thi ở tỉnh, trong 2 năm 2022 và 2023, mỗi năm đều được ngân sách tỉnh hỗ trợ; phần thi ở huyện, hầu hết mỗi lần thi đều được ngân sách của mỗi huyện hỗ trợ cho các đơn vị trên địa bàn. Ngoài ra, năm 2023, cuộc thi ở tỉnh được Tổng Công ty CP Nông Công nghiệp Tiến Nông tài trợ 50 triệu đồng.

Theo đà thành công của các năm 2022, 2023, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục hỗ trợ Hội LVTT tỉnh tổ chức cuộc thi “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu” năm 2024. Hiện tại, các hội thành viên ở các xã, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tích cực triẻn khai. Điều này càng khẳng định, sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của UBND tỉnh Thanh Hóa và cách tiếp cận mới trong hoạt động của tổ chức Hội đã phát huy hiệu quả và phong trào thi đua lao động sáng tạo ở cả bề rộng lẫn chiều sâu của các Hội thành viên ngày càng được quan tâm nâng cao.

Bài 2: Dấu ấn và những bài học kinh nghiệm

 

Trần Đức
Ý kiến bạn đọc
  • Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Đó là thành quả mà ông Đàm Duy Từ, sinh năm 1963, ở xóm 10, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đạt được.

  • Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Với diện tích 2ha đất được trồng xen canh nhiều loại cây trồng được canh tác bài bản, khoa học giúp mỗi năm có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng.

  • “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    Sau nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương đã thuần hóa và nuôi thành công chồn hương - con nuôi tốn không nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc, từng bước mở rộng quy mô, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Top