Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 7 năm 2024 | 14:28

Hiệu quả nuôi cá điêu hồng trong lồng bè

Những năm qua, phong trào nuôi cá lồng bè trong hồ thủy lợi ở huyện Phù Cát (Bình Định) ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân.

Tiêu biểu là mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở hồ chứa nước Mỹ Thuận (xã Cát Hưng).

Thu lãi “khủng”

Hồ chứa nước Mỹ Thuận là một trong những hồ thủy lợi lớn ở huyện Phù Cát với diện tích mặt nước rộng, nguồn nước sạch, lưu thông đều..., thuận lợi cho việc nuôi cá, nhất là nuôi cá trong lồng bè. Chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương đã tạo điều kiện để nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá và các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư làm lồng bè nuôi cá. Từ vài hộ nuôi với quy mô nhỏ lẻ, đến nay, tại hồ Mỹ Thuận, có 8 hộ  nuôi cá điêu hồng với 6 bè, 170 lồng nuôi. Theo các hộ nuôi, nguồn nước tại hồ Mỹ Thuận sạch nên cá ít bị dịch bệnh, phát triển nhanh. Khi thu hoạch có màu đẹp, thịt dai, ngon nên được thị trường ưa chuộng, tạo thu nhập đáng kể cho các hộ nuôi.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Hưng, cho biết: “Nuôi cá điêu hồng trong hồ chứa nước đòi hỏi chi phí đầu tư khá cao để làm lồng bè, mua cá giống và thức ăn cho cá. Do đó, Hội đã lập đề án để các hộ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, huyện và tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để các hộ nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ đó, các hộ có điều kiện làm bè nuôi bài bản, quy mô và thả nuôi theo hình thức gối đầu, đảm bảo có cá thu hoạch liên tục, tạo thu nhập đều, ổn định ở mức khá cao”.

Ông Cảnh chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè ở hồ chứa nước Mỹ Thuận.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Cảnh (thôn Mỹ Long) đầu tư làm bè với 20 lồng nuôi cá điêu hồng trong hồ chứa nước Mỹ Thuận, mỗi lồng có diện tích 20m2, sâu 2m. Theo đó, ông thả nuôi 3.000 con cá giống/lồng. Nhờ lựa chọn con giống tốt, nguồn nước sạch, không có sán ký sinh và tích cực chăm sóc, theo dõi, phòng trừ bệnh kịp thời nên cá nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Nuôi hơn 5 tháng thì thu hoạch, được khoảng 1,5 tấn cá, với trọng lượng khoảng 1,3 kg/con. Cá thu hoạch được thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận hồ thu mua với giá 45.000 đồng/kg,  trừ chi phí, ông thu lãi hơn 12 triệu đồng/lồng. Như vậy, với 20 lồng nuôi, mỗi lứa ông thu lãi hơn 240 triệu đồng và trên 480 triệu đồng/năm.

Ông Cảnh cho biết: “Nhận thấy diện tích mặt nước ở hồ Mỹ Thuận thuận lợi cho việc nuôi cá nên tôi đầu tư làm lồng bè nuôi cá điêu hồng, vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua cá giống, thức ăn nên việc nuôi cá khá suôn sẻ, thuận lợi, tạo thu nhập ổn định hơn, có của ăn của để, mà chăm sóc cũng nhàn. Ngoài thời gian cho cá ăn và thu hoạch cá, tôi còn có thể làm nhiều việc khác”.

Giúp nhau nuôi cá

Để tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân xã Cát Hưng đã thành lập tổ hợp tác nuôi cá điêu hồng trong hồ Mỹ Thuận, thành viên là tất cả các hộ nuôi, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc chăm sóc, quản lý cá.

Ông Nguyễn Xuân Hòa (thôn Mỹ Long), Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, các thành viên trong tổ đều có trách nhiệm và nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ  nhau trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, nhất là trong việc trông coi, quản lý bè cá nên việc nuôi cá thuận lợi hơn rất nhiều. Có công việc đi đâu nhờ anh em trong tổ trông coi, cho ăn giúp nên cũng yên tâm.

Hiện tại, diện tích mặt nước hồ Mỹ Thuận nói riêng và các hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Phù Cát nói chung còn rất lớn. Vì vậy, để khai thác tối đa lợi thế mặt nước, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, thời gian tới, các địa phương và ngành chức năng cần hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng; đồng thời xây dựng các mô hình nuôi mới với những loại cá có giá trị kinh tế cao để thu hút nhiều người tham gia.

Trường Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An tăng tốc sản xuất vụ đông

    Nghệ An tăng tốc sản xuất vụ đông

    Vụ đông năm nay, tỉnh Nghệ An phấn đấu gieo trồng 34.690 ha cây trồng vụ đông các loại. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng gần 5.000 ha.

  • Nương nhờ vào biển, khôi phục diện tích thủy hải sản

    Nương nhờ vào biển, khôi phục diện tích thủy hải sản

    Trắng tay sau siêu bão Yagi nhưng người dân nuôi trồng thủy hải sản ở biển Quảng Ninh vẫn quyết bám trụ với nghề. Bởi họ yêu biển, hiểu biển và bao đời này sống nhờ biển. Với hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, tạo ra cơ hội lớn cho người dân phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

  • Nhiều giải pháp khôi phục sản xuất và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ

    Nhiều giải pháp khôi phục sản xuất và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ

    Siêu bão Yagi càn quét đã gây thiệt hại rất lớn tại nhiều tỉnh và thành phố, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất ngành nông nghiệp, hiện các địa phương đang tích cực tiến hành nhiều giải pháp khôi phục sản xuất và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.

  • Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Đó là thành quả mà ông Đàm Duy Từ, sinh năm 1963, ở xóm 10, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đạt được.

  • Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Với diện tích 2ha đất được trồng xen canh nhiều loại cây trồng được canh tác bài bản, khoa học giúp mỗi năm có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng.

  • “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    Sau nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương đã thuần hóa và nuôi thành công chồn hương - con nuôi tốn không nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc, từng bước mở rộng quy mô, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Top