Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2024 | 10:52

Những mô hình VAC mới hiệu quả ở Sơn La

Hiện nay, nuôi vịt cổ xanh, trồng ớt Sweet Palermo, nuôi dúi… là những giống cây trồng, vật nuôi đặc sản đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La.

Đặc sản vịt cổ xanh ở Chiềng La

Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng ưu chuộng các thực phẩm đặc sản, tháng 4/2024, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, đã triển khai mô hình nuôi vịt cổ xanh. Qua đánh giá bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế và đang được nhân rộng trên địa bàn.

Vịt cổ xanh là giống vịt bản địa, có khả năng kháng bệnh cao, thích nghi với điều kiện môi trường tự nhiên. Trước đây, các hộ dân trong xã chủ yếu nuôi nhỏ lẻ phục vụ gia đình, nên vịt được nuôi thả tự nhiên và thức ăn chủ yếu là ngô, sắn, cây chuối… Vịt cổ xanh ở Chiềng La có đặc điểm là cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang. Khi vịt trưởng thành chỉ nặng khoảng 1,6-1,8 kg; xương nhỏ, thịt chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt.

Tham gia mô hình có 5 hộ, quy mô 700 con vịt cổ xanh. Quá trình nuôi, các hộ được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vịt phát triển khỏe mạnh. Theo chia sẻ của các hộ tham gia thì nuôi vịt cổ xanh không đòi hỏi kỹ thuật cao. Sau khi ấp nở, vịt được úm từ 15 đến 20 ngày tuổi thì chuyển nuôi thường. Khi vịt được 60 ngày tuổi sử dụng ngô bột và cám gạo cho vịt ăn để tạo nạc. Đa phần vịt được nuôi theo hình thức bán chăn thả ở các ao, hồ; 100% các hộ tham gia mô hình không nuôi công nghiệp. 

Mô hình nuôi vịt ở Chiềng La bước đầu cho hiệu quả kinh tế.

Ông Quàng Văn Linh, bản Nưa, nói: Gia đình nuôi 100 con vịt cổ xanh. Sau 4 tháng nuôi, gia đình xuất bán với giá 198 nghìn đồng/con; nếu sơ chế và hút chân không bán có giá là 225 nghìn đồng/con. Nuôi vịt cổ xanh không mất nhiều công và chi phí. Với 100 con, sau trừ chi phí, thu lãi 3 triệu đồng. 

Sau khi tham quan, học hỏi, thấy mô hình nuôi vịt cổ xanh hiệu quả, tháng 6, anh Quàng Văn Mạnh, bản Cát Lót, đã đầu tư 100 con vịt cổ xanh giống về nuôi. Anh Mạnh cho biết: Quá trình nuôi, tôi thực hiện nghiêm quy trình tiêm phòng dịch bệnh, nhất là tiêm vắc-xin cho vịt con vào giai đoạn 3 và 7 ngày tuổi. Khi vịt được 30 ngày tuổi, tôi chăn thả ở ao để đàn vịt được bơi lội, tìm kiếm thêm thức ăn như cá, cua, ốc... Trời tối, vịt được lùa về chuồng và cho ăn thêm rau, ngô. Nhờ cách nuôi này, vịt cổ xanh phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn, thịt săn chắc và thơm. Dự kiến tháng 9, đàn vịt sẽ xuất chuồng.

Hỗ trợ người dân trong tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, xã Chiềng La đã thành lập nhóm “Hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản Chiềng La” gồm 10 thành viên do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên xã phụ trách. Theo đó, nhóm tập trung hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật; giám sát quá trình nuôi; quảng bá giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội như zalo, facebook. Nhóm đang phối hợp với đơn vị chuyên môn xây dựng tem truy xuất nguồn gốc. Qua mã quét, người tiêu dùng sẽ truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ cũng như quy trình nuôi của vịt bản của các hộ dân ở Chiềng La. 

Thời điểm này, các hộ tham gia mô hình đã cơ bản xuất bán hết lứa một và đang vào giống lứa thứ hai. Theo đánh giá của UBND xã, mô hình chăn nuôi vịt bản phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn. Vịt bản Chiềng La có chất lượng thịt ngon được khách hàng đón nhận. Theo tính toán, sau khi trừ các chi phí giống, thức ăn, nhân công… thì 100 con vịt sẽ cho thu lãi 3 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập tăng thêm của hộ dân. Đến nay, ngoài 5 hộ ban đầu, đã có thêm 6 hộ dân đăng ký tham gia nuôi vịt cổ xanh tập trung ở các bản: Song, Cát Lót, Nưa, Chiềng La…

Ông Lò Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô chăn nuôi. Phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, liên kết theo hướng VietGAP, từng bước đưa vịt bản Chiềng La trở thành sản phẩm OCOP. Đồng thời, định hướng cho các hộ liên kết đầu tư máy ấp trứng để chủ động con giống, tăng quy mô đàn, góp phần bảo tồn và duy trì nguồn giống bản địa.

Mô hình nuôi vịt bản ở Chiềng La bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng để “thương hiệu” vịt Chiềng La được biết đến nhiều hơn.

Triển vọng từ trồng ớt Sweet Palermo

Bắt đầu triển khai trồng thử nghiệm từ năm 2023, đến nay, cây ớt Sweet Palermo đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ớt ngọt Sweet Palermo được anh Phạm Văn Tuấn trồng trong nhà lưới

Giống ớt Sweet Palermo xuất xứ tại Hà Lan. Được mệnh danh là vua của các loại ớt, có hình dáng thuôn dài không cay, không hăng, có vị giòn, ngọt và mọng nước, có thể ăn trực tiếp như trái cây. Loại ớt Sweet Palermo có chứa nhiều dưỡng chất, như: Vitamin, chất xơ, axit folic, magie, kali... trong đó vitamin C trong ớt ngọt Sweet Palermo cao gấp 3,8 lần quả cam. 

Hiện nay, xã Đông Sang có hơn 10ha trồng ớt Sweet Palermo. Giống ớt này có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch kéo dài trong khoảng 8 tháng, trong đó, 3 tháng đầu trồng và 5 tháng sau thu hoạch. Doanh thu từ một vụ ớt đạt khoảng 500 triệu/ha.

Năm 2023, anh Phạm Văn Tuấn đã tìm hiểu và mua 1,2 vạn cây giống về trồng thử nghiệm trong 8.000m2 nhà lưới tại xã Đông Sang. Sau 3 tháng xuống giống, mỗi ngày anh cung ứng ra thị trường trung bình từ 9-10 tạ ớt. Vụ ớt đầu tiên, anh Tuấn thu 20 tấn quả, với giá bán từ 50.000 - 90.000 đồng/kg.

Từ hiệu quả kinh tế trồng cây ớt Sweet Palermo, anh Tuấn mở rộng diện tích trồng. Đến nay, anh đang sở hữu vườn ớt Sweet Palermo lớn nhất xã,  quy mô 1,5 ha nhà lưới với đủ 4 màu đỏ, cam, vàng và socola.

Thăm vườn ớt Sweet Palermo của anh Phạm Văn Tuấn, chúng tôi ấn tượng với quy trình trồng và chăm sóc ớt tỉ mỉ, theo tiêu chuẩn VietGAP. Ớt ở đây được trồng thành từng hàng, những cây ớt sai quả lúc lỉu từ gốc tới ngọn, trái ớt chín thuôn dài, có quả to gần bằng cổ tay người lớn. 

Theo anh Tuấn chia sẻ: Gia đình đầu tư gần 2 tỷ đồng làm nhà lưới giúp hạn chế côn trùng, mầm bệnh gây hại cho cây ớt. Việc tưới nước, bón phân được thực hiện thông qua hệ thống tưới tiết kiệm với các chỉ số được tính toán theo tỷ lệ nhất định.

Vụ ớt năm nay, mỗi ngày, gia đình anh Tuấn thu khoảng 1,5-2 tấn ớt Sweet Palermo, cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, với mức giá bán buôn từ 30.000-80.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, anh Tuấn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử TikTok mang lại hiệu ứng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sở hữu vườn ớt Sweet Palermo với quy mô 8.000m² được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình anh Ngần Văn Quân thu gần 100 triệu đồng/tháng từ cây ớt này. Anh Quân chia sẻ: Giống ớt này khó chăm sóc. Chúng tôi phải đầu tư làm nhà màng, lựa chọn giống cây chuẩn F1. Kỹ thuật về tưới cây và phân bón cũng là yếu tố rất quan trọng. Toàn bộ sản phẩm ớt Sweet Palermo của gia đình được xuất bán đến các siêu thị thực phẩm sạch tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh… Qua phản hồi của khách hàng, loại ớt này rất được ưa chuộng.

Mỗi vụ ớt Sweet Palermo có thể thu hoạch 70 tấn quả/ha.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sang, cho biết: Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã đã thử nghiệm các giống cây trồng mới kết hợp với công nghệ cao như ớt Sweet Palermo, cà chua Nova,... Giống ớt ngọt Sweet Palermo rất phù hợp với khí hậu, đất đai của xã. Loại ớt này đầu mùa năm nay, có lúc giá lên tới 80.000 đồng/kg và được khách hàng ưa chuộng. Vào mùa, thương lái thường đến tận vườn để thu mua. Vì vậy, sản lượng và diện tích trồng năm nay cũng tăng vọt. Nhưng với đặc tính khó chăm sóc, giống đạt chuẩn có giá thành cao, nên các hộ đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng về giống và quy trình kỹ thuật chăm sóc. Xã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân để áp dụng vào sản xuất các loại cây đòi hỏi kỹ thuật cao, sản xuất hiệu quả.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng ớt Sweet Palermo đã mang đến thêm sự lựa chọn cho người dân về loại cây trồng để phát triển kinh tế, góp phần làm phong phú thêm bức tranh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên mảnh đất cao nguyên Mộc Châu. Đồng thời, là cơ sở khuyến khích, thúc đẩy các hộ nông dân mạnh dạn đưa cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao vào trồng, đẩy mạnh đầu tư, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, Organic,… để phát triển các loại rau sạch, chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi dúi ở Tạ Khoa

Những năm gần đây, một số hộ ở xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, đã đưa những giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; trong đó, có mô hình nuôi dúi, mở thêm một hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả cho nhân dân.

Mô hình nuôi dúi của nông dân bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dúi của gia đình ông Hà Văn Lóng, ở bản Tân Cuông, xã Tạ Khoa. Trước đây, gia đình ông Lóng chủ yếu trồng ngô, sắn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức truyền thống. Ông luôn trăn trở tìm giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với mong muốn có thể phát triển kinh tế một cách bền vững. Năm 2022, xã Tạ Khoa đã tạo điều kiện cho một số hộ nông dân đi học tập kinh nghiệm mô hình nuôi dúi ở huyện Mai Sơn, ông Lóng đăng ký tham gia.

Ông Hà Văn Lóng chia sẻ: Sau khi tham quan mô hình, gia đình tôi bắt đầu triển khai nuôi với 5 đôi giống. Từ năm 2022 đến nay, gia đình đã có sản phẩm bán và tăng thêm thu nhập. Hiện nay, đàn dúi của gia đình vẫn còn gần 30 con. Thức ăn của dúi rất dễ kiếm và sẵn có ở địa phương, như tre, nứa non, các loại cỏ, củ và thân cây ngô, mía... Bên cạnh đó, số lượng dúi ngoài tự nhiên đang ngày càng giảm do bị săn bắt, vì thế dúi được thị trường ưa chuộng và mang lại giá trị kinh tế cao.

Cũng là hộ lựa chọn mô hình nuôi dúi, năm 2023, gia đình ông Đinh Văn Sin, ở bản Nhạn Nọc, đã đầu tư 50 triệu đồng để làm chuồng trại, mua giống dúi má đào về nuôi. Đến nay, nhờ được chăm sóc cẩn thận nên đàn dúi phát triển tốt. Hiện nay, gia đình ông Sin đang gây thêm giống, mở rộng thêm chuồng trại để phát triển đàn dúi.

Ông Sin chia sẻ: Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 7-8 tháng dúi có thể sinh sản. Mỗi năm, dúi đẻ 3-4 lứa, mỗi lứa từ 4-5 con và được 1-2 tháng tuổi có thể bán con giống. Dúi thương phẩm sau 5-6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 2 kg. Hiện nay, dúi thương phẩm được bán với giá từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/kg; dúi giống có giá dao động từ 3 triệu đến 6 triệu đồng/cặp.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, bên cạnh việc duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm truyền thống, xã Tạ Khoa đang tích cực xây dựng một số mô hình sản xuất mới. Ông Đinh Văn Khiếm, Phó Chủ tịch UBND xã Tạ Khoa, cho biết: Qua nuôi thí điểm, cho thấy dúi là vật nuôi phù hợp với điều kiện, khí hậu ở địa phương; thức ăn, chăm sóc phù hợp với điều kiện của người dân. Ngoài 2 hộ nuôi thử nghiệm, xã đã và đang vận động mở rộng mô hình. Đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân xã nghiên cứu, tìm hiểu và hướng dẫn bà con nuôi thử nghiệm nhím và cầy hương, giúp nhân dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

 

Theo baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả ở Quảng Nam

    Mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả ở Quảng Nam

    Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hình thức hộ kinh doanh đang dần khẳng định tính hiệu quả, lâu dài và phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

  • Nhà khoa học của nhà nông: Tạo sự đột phá trong ngành Nông nghiệp

    Nhà khoa học của nhà nông: Tạo sự đột phá trong ngành Nông nghiệp

    Những năm qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, góp phần làm gia tăng giá trị nông sản, nâng cao năng suất lao động, thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng.

  • Hợp tác sản xuất lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn, bền vững

    Hợp tác sản xuất lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn, bền vững

    Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Bayer Việt Nam về Chương trình hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng lúa, sầu riêng, cà phê tại Việt Nam năm 2025.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

  • Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Chúng tôi về thôn Miếu Bông, xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng), tham quan vườn ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa thu lá để làm thuốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Đỗ Thị Thanh Thúy.

  • Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Nuôi chim cảnh đã giúp một thanh niên khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu, đó là trường hợp của anh Trần Hữu Vinh (31 tuổi, ở ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ việc nhân nuôi giống chim chào mào đột biến (giống lai) đã giúp chàng trai trẻ này có thu nhập tiền tỷ.

Top