Huyện Thăng Bình đang tích cực giúp người dân tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam (Nghị quyết 35) quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) giai đoạn 2021-2025, từ đó tạo nên các mô hình bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng lợi thế
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam ra đời dựa trên nhu cầu và thế mạnh sẵn có của địa phương, nhất là ở khu vực trung du, miền núi. Qua đó, hướng đến mục tiêu gia tăng thu nhập từ KTV, KTTT, tạo nguồn nông sản, hàng hóa lớn; đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, tạo cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; góp phần thúc đẩy, thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Đợt 1 năm 2024 có 12 mô hình vườn ở Thăng Bình đề nghị hưởng cơ chế của Nghị quyết 35.
Thăng Bình xác định, vùng phía Tây có lợi thế về kinh tế nông nghiệp, kinh tế rừng. Vì vậy, huyện tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35, trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp, dịch vụ và công nghiệp, làng nghề. Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, KTTT theo mô hình nông, lâm kết hợp; tập trung phát triển trồng rừng sản xuất, chú trọng đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây nguyên liệu, dược liệu. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại. Xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, nhằm giải quyết các sản phẩm đầu ra cho nông dân. Tiếp tục khôi phục, mở rộng các làng nghề, ngành nghề truyền thống như làm bún, phở khô, sản xuất nấm rơm… Đồng thời, nghiên cứu phát triển các ngành nghề mới, các cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra của người dân.
Quan tâm quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối giao thông trong vùng, liên vùng và dành quỹ đất để phát triển, hình thành các khu dân cư tập trung, chợ đầu mối, đẩy mạnh phát triển dịch vụ tại trung tâm các xã Bình Trị, Bình Phú, Bình Lãnh… Thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án Khu du lịch lưu trú, trải nghiệm Đồng Dương tại xã Bình Định Bắc; xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trong vùng. Từng bước kêu gọi đầu tư hình thành Chợ đầu mối nông súc sản miền Trung Tây Nguyên và Khu công nghiệp Tây Thăng Bình dọc Quốc lộ 14E.
Xuất hiện nhiều mô hình vườn, trang trại mới
Cách đây 2 năm, gia đình ông Võ Tấn Thanh (thôn Quý Xuân, xã Bình Quý) đã tận dụng diện tích hơn 7.500m2 để trồng các loại cây ăn quả trong vườn nhà, trong đó chủ lực là dừa và mãng cầu.
Ông Võ Tấn Thanh (phải) được cán bộ chuyên môn hướng dân chăm sóc vườn.
Được địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình ông Thanh đã trồng các loại cây theo mật độ quy định (20 cây/sào, 1 sào Trung Bộ = 500m2) để đủ điều kiện tiếp cận vốn hỗ trợ sau đầu tư. Hiện nay, toàn bộ khu vườn của ông có khoảng 300 cây dừa và 100 cây mãng cầu.
Theo ông Thanh, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm hội viên Hội Làm vườn nên 2 loại cây trồng chủ lực đang phát triển tốt, phù hợp trên loại đất cát pha ở địa phương. Trong đó, mãng cầu đã cho thu hoạch quả vụ đầu tiên.
“Thời gian qua, gia đình được xã Bình Quý và cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn thực hiện các loại hồ sơ để đáp ứng theo Nghị quyết 35 quy định. Đối với nông dân được hỗ trợ ít hay nhiều đều rất quý, vì đó là động lực để bà con an tâm phát triển, mở rộng quy mô kinh tế vườn”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Cao Thị (thôn Quý Phước, xã Bình Quý) sau 20 năm làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, đã chọn quê cha đất tổ để sinh sống. Năm 2016, ông Thị bắt đầu cải tạo khu vườn hơn 1ha khá bài bản để trồng ổi, cau và hoa mai.
“Để đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết 35, tôi đã quy hoạch riêng diện tích 2.700m2 đầu tư hệ thống tưới nước tự động, trong đó trồng 116 cây ổi và 275 cây mai con trong chậu, theo tiêu chuẩn hàng cách hàng, cây cách cây. Tôi mong muốn sau khi thẩm định, sẽ sớm nhận được nguồn hỗ trợ”, ông Thị nói.
Hỗ trợ từ chính quyền các cấp
Thời gian qua, xã Bình Quý đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển KTV, KTTT theo Nghị quyết 35. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Ban Nông nghiệp xã, người dân địa phương xác định đầu tư phát triển KTV là mũi nhọn, tuy nhiên, họ lại gặp khó khi thực hiện các thủ tục hồ sơ được hưởng lợi. Do đó, địa phương chủ động phối hợp với cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tận tình hướng dẫn các quy trình, thủ tục liên quan.
Vùng Tây của huyện Thăng Bình có lợi thế về kinh tế nông nghiệp, kinh tế vườn rừng.
Ông Quyền cho biết: “Đây là nghị quyết rất đúng đắn để thúc đẩy phát triển KTV, KTTT. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 35, thủ tục, hồ sơ khá nhiều nên một số hộ “ngại” tiếp cận. Hiện nay, Bình Quý có 10 hồ sơ đã phê duyệt phương án sản xuất và chúng tôi tin rằng người dân sớm được hưởng lợi từ Nghị quyết của HĐND tỉnh”.
Để Nghị quyết 35 đi vào cuộc sống, sớm khắc phục khó khăn phát sinh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã tham mưu củng cố lại Hội đồng thẩm định và nghiệm thu, tổ giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35.
Đến nay, UBND huyện Thăng Bình đã phê duyệt kế hoạch vốn chi tiết triển khai Nghị quyết 35 với kinh phí tỉnh phân bổ và quyết định phê duyệt phương án sản xuất - kinh doanh hộ đăng ký trên địa bàn huyện đợt 1 - năm 2024 cho 12 hộ. Tổng mức dự toán đầu tư 937 triệu đồng, tổng kinh phí dự toán đề nghị nhà nước hỗ trợ trên 417,6 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Cẩm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, đề nghị: “Các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách của ngành Nông nghiệp cho người dân nắm và thực hiện. Ngoài ra, UBND huyện xem xét ưu tiên kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, chủ vườn, chủ trang trại và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển KTV, KTTT tại các địa phương trong và ngoài tỉnh”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.