Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 7 năm 2024 | 15:22

Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình

Việc xây dựng các vùng sản xuất VietGAP không chỉ nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Trang trại trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành).

Thanh Hóa: Đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP

Thời gian qua, việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường. Đến nay, Thanh Hóa đã có hàng nghìn héc-ta cây trồng sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP với đa dạng các sản phẩm nông sản như lúa, rau màu, cây ăn quả...

Trên cánh đồng sản xuất lúa xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa), HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc và người dân nhiều năm qua đã đưa vào sản xuất diện rộng giống lúa Q5 theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trịnh Tất Đợi, một trong những hộ dân có diện tích sản xuất lớn tại thôn Hoạch Phúc, cho biết: "Hiện nay, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã khá thân thuộc với người dân; chúng tôi đã biết cách quản lý đồng ruộng như ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón đúng loại, đúng thời điểm, không còn tình trạng vứt vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ngoài ruộng... Nhất là, HTX đã ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào công đoạn phun thuốc bảo vệ thực vật giúp tiết kiệm chi phí lao động, bảo vệ sức khỏe”. Do đó, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3 lần so với giống lúa cũ; sản phẩm gạo hạt to, thơm, dẻo nên cũng thuận lợi hơn trong việc thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm".

Theo anh Nguyễn Văn Tỉnh, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc: “Phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm được sức khỏe cho người sản xuất. Bên cạnh đó, thông qua mô hình giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa một cách khoa học”. Bởi vậy, không chỉ ở Thiệu Hóa, diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được mở rộng trên địa bàn tỉnh, như các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hà Trung, Thọ Xuân...

Từ thực tế khẳng định, lợi thế khi nông sản được sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, ngoài các doanh nghiệp thì một số HTX, người dân cũng đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trồng trọt, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó tạo lợi thế trong các kênh tiêu thụ cũng như thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhất là các sản phẩm đạt các chứng nhận này sẽ có nhiều lợi thế về giá cũng như sức cạnh tranh trên hành trình chinh phục thị trường.

Thị trấn Vân Du (Thạch Thành) được biết đến với nhiều trang trại trồng cây ăn quả quy mô lớn, được áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh Nguyễn Văn Chung, chủ trang trại trồng cây ăn quả quy mô lớn tại đây, cho biết: Hiện nay, các sản phẩm cam lòng vàng, bưởi da xanh tại trang trại đã đạt chứng chỉ GlobalGAP. Sản xuất theo tiêu chuẩn này không chỉ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sản xuất. Ngoài các yêu cầu về kỹ thuật của GlobalGAP như sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục, giảm phân hóa học và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng, thời gian cách ly an toàn... thì các chủ trang trại phải đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun hiện đại, xây dựng nhà kho, bồn rửa để bảo quản sau thu hoạch...

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 480ha cây ăn quả đạt chứng nhận VietGAP, nhưng để đạt được tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí sản xuất cao, nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng....

Mặc dù việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do một số địa phương diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; chi phí sản xuất cao; trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác... Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế; chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, với xu thế sản xuất nông sản an toàn như hiện nay, các địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tiếp tục nâng cao trình độ, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương để tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; quy hoạch vùng sản xuất an toàn; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân. Cần có các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp an toàn, hỗ trợ kinh phí đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Thái Bình: Nâng cao giá trị nông sản nhờ VietGAP

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ và giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên tại Thái Bình, diện tích sản xuất trồng trọt áp dụng theo quy trình VietGAP vẫn còn khá khiêm tốn.

Xã Trung An (Vũ Thư) xây dựng vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, thôn An Lộc, xã Trung An (Vũ Thư) có 3 sào chuyên canh các loại rau diếp, xà lách, cải, rau gia vị… Từ 2 năm nay, bà Ngọ cũng như nhiều hộ dân trong thôn chuyển từ canh tác truyền thống sang áp dụng các quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Bà Ngọ cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ quá trình chăm sóc cây, từ khâu giống, gieo trồng, bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học đến thu hoạch đều được gia đình tôi ghi chép nhật ký. Đặc biệt, tôi chuyển sang sử dụng phân vi sinh thay thế hoàn toàn phân chuồng, vừa sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường lại tiết kiệm công lao động; cây rau đẹp, đanh cây.

Xã Trung An hiện có hơn 40ha chuyên canh rau màu. Trên cùng một diện tích, bà con trồng luân canh các loại rau ngắn ngày để có sản phẩm cung cấp ra thị trường quanh năm. Ngoài phương thức canh tác truyền thống, xã Trung An xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha, từ đó xây dựng thương hiệu OCOP cho 7 loại rau.

Ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trung An cho biết: Thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy quy trình phức tạp hơn sản xuất truyền thống nhưng tạo được sản phẩm an toàn, từ đó HTX xây dựng thương hiệu. Rau có tem mác, truy xuất nguồn gốc nên giá trị cao hơn rau sản xuất đại trà.

Vụ mùa năm 2023, HTX SXKD DVNN xã Đông Tân (Đông Hưng) xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5ha. Đến vụ xuân năm 2024, mở rộng lên 10ha và dự kiến vụ mùa 2024 nâng lên 20ha. Nhờ xây dựng mô hình này, các thành viên trong HTX đã thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hướng an toàn, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn được HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 10 - 15% so với sản xuất đại trà.

Ông Nguyễn Duy Luân, nông dân xã Đông Tân cho biết: Cấy lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm các quy trình từ sử dụng giống, thời vụ gieo cấy, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh trong đó sử dụng 50% phân bón vi sinh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Năng suất lúa ổn định với giá bán cao hơn giá thị trường nên thu nhập cao hơn từ 400.000 - 500.000 đồng/sào.

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Tân cho biết: Thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm an toàn, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, HTX quy hoạch cánh đồng thôn Tây Thượng Liệt là vùng có nguồn nước tự chảy thuận lợi thực hiện quy trình canh tác VietGAP, đưa vào gieo cấy hai giống lúa: Đài thơm 8, ST25. Qua hai vụ thực hiện quy trình VietGAP đã giúp nông dân biết cách quản lý đồng ruộng: ghi chép nhật ký, sản xuất an toàn. Trước khi tham gia mô hình, bà con chưa biết cách sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng thời điểm. Sau khi tham gia mô hình, bà con đã biết nên bón phân vào lúc nào và bón bao nhiêu cho phù hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gì, vào thời điểm nào, thời gian cách ly ra sao. Chất lượng lúa gạo cũng từ đó nâng lên. HTX xây dựng thương hiệu gạo làng Giắng là sản phẩm OCOP 3 sao, mỗi vụ tiêu thụ cho thành viên từ 100 - 200 tấn thóc.

Việc xây dựng các vùng sản xuất VietGAP không chỉ nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Thực tế cho thấy, áp dụng quy trình VietGAP là điều kiện thuận lợi để nâng cao những tiêu chí sản xuất và dễ dàng chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ… Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện có, việc phát triển diện tích trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng diện tích cây trồng của tỉnh. Hết tháng 5/2024, toàn tỉnh mới có 30 vùng trồng được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích 168,15ha. Trong đó, chứng nhận VietGAP trên lúa đạt 131,91ha, rau màu 29,7ha, cây ăn quả 1,5ha, cây dược liệu 5,04ha. Các vùng này chủ yếu nằm tại các xã đã và đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao bởi trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có quy định các xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải xây dựng vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP (hoặc tương đương) cho sản phẩm chủ lực.

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Chứng nhận VietGAP đối với cây trồng gồm những yêu cầu trong sản xuất, sơ chế sản phẩm. Quá trình kiểm tra, đánh giá để cấp chứng nhận theo mùa vụ từ khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch có sản phẩm mất từ 4 - 6 tháng. Do vậy, các địa phương không triển khai thực hiện kịp thời với tiến độ sản xuất sẽ khó khăn trong quá trình đánh giá của các đơn vị chứng nhận. Ngoài ra, kinh phí chứng nhận cao so với giá trị sản xuất trồng trọt trong khi chứng nhận chỉ có giá trị trong 3 năm nên nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí chứng nhận.

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Tân cho biết: Khi lựa chọn địa điểm xây dựng vùng sản xuất VietGAP, ngoài yếu tố vị trí địa lý, HTX chọn vùng được nông dân tích tụ, tập trung để giảm bớt số hộ tham gia, tạo thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Vùng sản xuất gồm nhiều nông hộ sẽ rất khó thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành rà soát và quy hoạch các vùng sản xuất VietGAP bảo đảm quy mô, tập trung và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng về sản phẩm VietGAP, đặc biệt là có sự phân biệt giữa sản phẩm sản xuất bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm với sản phẩm sản xuất đại trà, truyền thống; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xây dựng liên kết, sản xuất, tiêu thụ…

Năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, trong đó có hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia tích tụ, tập trung đất đai bảo đảm các điều kiện theo quy định được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, số hóa đồng ruộng, chứng nhận chất lượng sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… tối đa 50 triệu đồng/sản phẩm/vùng sản xuất tập trung.

Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình mà trở thành một hướng đi tất yếu, bền vững của nền nông nghiệp sạch, bên cạnh những cơ chế, chính sách mang tính chất động lực, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, chủ động nghiên cứu đề ra giải pháp phù hợp khuyến khích sản xuất; bản thân các HTX, người dân cũng cần thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, trình độ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn mới để thích ứng với nhu cầu tiêu dùng và hướng đi tất yếu này.

VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tiêu chuẩn này bao hàm các quy định về thực hiện sản xuất nông nghiệp, cụ thể là trình tự, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm tính an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức khỏe của người dân, người sản xuất, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vĩnh Phúc: Thay đổi tư duy sản xuất, mở hướng phát triển bền vững

Sau vài năm triển khai, mô hình trồng nho Hạ đen theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) đã cho nhiều trái ngọt. Thành quả ấy không chỉ hiện thực hóa niềm đam mê với nông nghiệp của Giám đốc công ty Phạm Văn Quỳnh mà còn cung ứng nguồn nông sản sạch cho người tiêu dùng.

Vốn là kỹ sư xây dựng, nay là thợ cơ khí ô tô có tiếng ở đất Yên Lạc, song, anh Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính lại luôn đam mê làm nông nghiệp sạch, ngày đêm anh trăn trở, muốn thuần hóa những giống cây trồng mới, lạ, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại đồng đất quê nhà.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mô hình trồng nho Hạ đen của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính đang cung ứng nguồn nông sản sạch cho người tiêu dùng.

Sau thời gian đi tìm hiểu, nghiên cứu nhiều mô hình tại các tỉnh, thành phố, năm 2019, anh Quỳnh mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng thu gom, cải tạo gần 1.000 m2 đất nông nghiệp và trồng 2.000 gốc nho Hạ đen. Đây là giống nho “khó tính”, đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cao, đặc biệt dị ứng với mưa, ngập, đất trũng.

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp với giống nho Hạ đen trồng trên đất quê mình, anh Quỳnh cho biết: Là cây đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí ban đầu lớn nhưng nho Hạ đen được thị trường, người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi độ giòn, ngon ngọt. Đặc biệt, đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, song thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có ai thử nghiệm với giống cây này.

Với mong muốn cung cấp nguồn nông sản sạch cho người tiêu dùng, mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, tôi đã đầu tư hệ thống nhà màng, có mái che hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bệnh; hệ thống tưới nước nhỏ giọt bảo đảm độ ẩm, cung cấp đồng đều chất dinh dưỡng cho cây nho.

Đồng thời áp dụng quy trình trồng trọt theo hướng VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Cùng với đó, tôi về tận Trường đại học Nông lâm Bắc Giang tìm hiểu giống cây, nhận chuyển giao kỹ thuật. Ước chi phí đầu tư ban đầu cho 1 cây nho từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 800 nghìn đồng.

Đây là một chi phí không hề nhỏ đối với nông dân, song, với sự đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sau hơn 1 năm trồng, chăm sóc, cây nho Hạ đen bắt đầu thu trái ngọt.

Vụ đầu tiên, vườn nho đạt sản lượng hơn 4 tấn, giá bán 150 nghìn đồng/kg, thu về gần 600 triệu đồng. Theo tính toán, nếu thời tiết thuận lợi, từ những năm sau, nho Hạ đen sẽ mất ít chi phí hơn, sản lượng thu hoạch cao hơn.

Thế nhưng, trời như thử lòng người, vụ thứ 2, thứ 3 do kinh nghiệm chưa nhiều, kỹ thuật làm mái che chưa tốt khiến cây nho Hạ đen chịu tác động của mưa, nắng thất thường, không những ra quả ít mà sắp đến ngày thu hoạch còn thối, rụng, công ty thất thu.

Không nản chí, anh Quỳnh vừa thuê thợ cải tạo, sửa chữa lại mái che vừa học hỏi thêm kỹ thuật, tiếp tục trồng, chăm sóc cây nho Hạ đen, đồng thời tìm hiểu thêm một số giống cây trồng mới thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương về trồng.

Đến nay, 3 ha nho Hạ đen và nho sữa đang đua nhau kết trái. Trong đó, có 1,5 ha nho Hạ đen đang cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi giữa hai hàng nho thẳng tắp, sai trĩu quả, anh Quỳnh cho biết: Chu kì sinh trưởng của cây lên đến 20 năm, mỗi năm cây ra quả 2 vụ, thu hoạch vào tháng 3 và khoảng đầu tháng 6.

Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính thu hút nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Không chỉ cung cấp nguồn nông sản an toàn tới người tiêu dùng, mỗi tuần, vườn nho của công ty thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh và tự cắt những trùm nho chín mọng mang về làm quà. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Với mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, công ty tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh vườn nho trên các nền tảng xã hội như zalo, facebook. Đồng thời tăng cường phối hợp, liên kết với các nông hộ đầu tư, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nhằm đa dạng hóa các dịch vụ, trải nghiệm, cung cấp thêm nhiều nông sản an toàn tới người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Hồng Chu Văn Tiến cho biết: Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính là doanh nghiệp đầu tiên thuần hóa giống nho Hạ đen trên đồng đất Yên Lạc, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.

Hiệu quả của mô hình đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ... nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích canh tác, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình, tạo việc làm, gia tăng giá trị, Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính tiếp tục đầu tư, nâng cấp một số hạng mục, chất lượng các loại cây trồng hiện có, đồng thời liên kết với các mô hình du lịch nông nghiệp góp phần làm phong phú hơn dịch vụ, nguồn nông sản an toàn.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, công ty rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời hơn nữa của các cấp, ngành, chính quyền địa phương đối với nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm của công ty nói riêng, các hộ dân trên địa bàn tỉnh nói chung./.

 

Thanh Tâm (t/h theo baothaibinh.com.vn, baovinhphuc.com.vn, baothanhhoa.vn...)
Ý kiến bạn đọc
Top