Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai và khí hậu, Lai Châu tích cực đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo mùa, trồng rau an toàn tuỳ theo vùng. Điều này đã giúp bà con nâng cao thu nhập, thêm giải pháp phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Sìn Hồ phát triển cây ăn quả
Đến thăm xã Sà Dề Phìn, nơi có hơn 70ha trồng cây lê, đào, mận đúng dịp người dân đang chăm sóc cây ăn quả. Qua quan sát bà con tích cực dọn sạch cỏ dại, cắt, tỉa cành cây, tưới nước, bón phân và bảo vệ quả để không bị ảnh hưởng do thời tiết, sâu bệnh. Qua đó, cho thấy, bà con nơi đây đang dần tiếp cận, áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cây ăn quả. Nhờ đó, cây ăn quả phát triển tốt sản lượng, chất lượng tăng theo từng năm, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Chị Chang Thị Khua, người dân bản Sà Dề Phìn (xã Sà Dề Phìn) cho biết: Trước đây, gia đình có gần 3.000m2 đất do cha ông để lại nhưng không biết trồng gì để phát triển kinh tế. Được xã vận động, tôi cải tạo lại đất, vay vốn mua giống lê về trồng. Tôi thường xuyên tham gia các lớp dạy nghề để có thêm kiến thức, biết cách áp dụng kỹ thuật. Đến nay, cây lê phát triển tốt, mỗi vụ tôi thu hoạch hơn 3 tấn quả, bán ngoài thị trường với giá từ 15 nghìn đến 20 nghìn đồng/cân, giúp tôi từng bước thoát nghèo.
Người dân bản Sà Dề Phìn (xã Sà Dề Phìn) phát dọn cỏ dại xung quanh vườn trồng lê.
Hiện nay, huyện Sìn Hồ có 1.470ha cây ăn quả và được chia thành 2 vùng khí hậu khác nhau. Ở vùng cao thì trồng các loại cây lê, mận, đào, chuối, còn ở vùng thấp có dứa, xoài, cam, dưa hấu. Để cây ăn quả trở thành thế mạnh trong công tác giảm nghèo, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các phòng ban liên quan tiến hành khảo sát địa chất, đánh giá khí hậu phù hợp với giống cây ăn quả nào mới xây dựng mô hình. Vận động dân cùng làm, thay đổi phương pháp, cải tạo lại đất, mở rộng quy mô, góp vốn. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các lớp dạy nghề, có thêm kỹ thuật áp dụng hiệu quả. Ngoài ra, huyện kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả tập trung, lâu dài; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông để việc thu mua, vận chuyển nông sản thuận lợi.
Có dân ủng hộ, việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi, từ việc trồng nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu gia đình, giờ đây đã phát triển lên thành các mô hình lớn, bà con mua giống, góp đất với doanh nghiệp để cùng làm. Trong quá trình sản xuất, người dân được hướng dẫn chi tiết từng bước, từ khâu cải tạo đất, dọn cỏ ranh, đào hố trồng, tưới nước, bón phân đến khi thu hoạch đều theo quy trình. Nhất là vào thời điểm thời tiết bất thường mà cây đang ra hoa kết trái, người dân đào rãnh thoát nước, đắp thêm đất, xây vách ngăn quanh gốc ngăn nước, dùng thêm túi nilon bọc quả, hộ nào có điều kiện thì làm nhà lưới che chắn. Đặc biệt, người dân ở bản Nậm Lò, xã Nậm Tăm góp đất cùng với doanh nghiệp trồng hơn 40ha cây dứa, sau 3 năm triển khai đến nay đã cho thu hoạch 2 vụ, mỗi hécta thu hoạch 50 tấn, không chỉ mang lại nguồn thu cho dân và từng bước xây dựng thương hiệu dứa Nậm Tăm.
Để cây phát triển không bị sâu bệnh, bà con tuân thủ nguyên tắc phun thuốc đúng liều lượng, thời điểm quy định, thường xuyên thăm đồng đánh giá tốc độ sinh trưởng của cây, thông báo ngay đến chính quyền địa phương khi cây trồng có biểu hiện bất thường để có biện pháp giải quyết. Cùng với đó, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, các sự kiện, hội chợ, mở các điểm du lịch để khách vào thăm quan, thu mua quả tại vườn. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn để người dân, doanh nghiệp được gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa ra các biện pháp hợp lý để cây ăn quả phát triển.
Anh Vũ Khắc Tiệp – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Phát triển cây ăn quả góp phần tăng thu nhập bình quân của huyện lên 38,5 triệu đồng/người/năm (năm 2023). Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh trồng cây ăn quả, tăng thêm 400ha đến hết năm 2025. Kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết. Nâng cao trình độ, kỹ thuật cho người dân, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn
Với lợi thế về thổ nhưỡng, các địa phương trong tỉnh Lai Châu tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân sản xuất rau, trong đó có các diện tích sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Qua đó, thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh phát triển, mang lại thu nhập cho nông dân.
Bình Lư là một trong những xã dẫn đầu của huyện Tam Đường về sản xuất rau xanh, với diện tích lớn, các loại rau trồng phong phú, sản phẩm được tiêu thụ nhanh. Hiện, toàn xã có 46ha rau, củ, quả các loại, riêng rau ngắn ngày (rau cải các loại) 8ha, sản lượng 35 tấn/ha. Để đảm bảo chất lượng rau đáp ứng được nhu cầu thị trường, chính quyền xã tập trung tuyên truyền người dân áp dụng sản xuất rau theo hướng hữu cơ, an toàn; sản xuất các loại rau ngắn ngày, đa dạng về chủng loại.
Ông Quách Tá Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: Cùng với phát triển diện tích trồng rau củ, xã định hướng người dân mở rộng thêm 10-15ha rau ngắn ngày, trong đó trồng trong nhà màng khoảng 2ha; đảm bảo tiêu chí an toàn, tập trung. Qua đó, nâng cao về sản lượng và chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng rau.
Nằm giữa lòng thành phố Lai Châu, khu trồng rau xanh của phường Quyết Thắng với đa dạng các loại rau được trồng theo hướng tập trung; rau sản xuất không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được các thị trường lớn ngoài tỉnh ưa chuộng. Gia đình anh Bùi Văn Phong là một trong nhiều hộ có diện tích sản xuất rau lớn của phường, với 14 lao động thường xuyên, cuối giờ chiều hằng ngày là thời điểm vườn rau nhộn nhịp thu hoạch để kịp xuất đi Hà Nội. Anh Phong cho biết: Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương hợp với trồng rau, đặc biệt là các loại rau ngắn ngày, hơn 4 năm trước, gia đình tôi và 1 vài anh em hùn vốn thuê đất của bà con trong bản để trồng rau xanh. Diện tích vườn rau hiện tại khoảng 2,2ha. Rau được trồng đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật từ khâu làm đất, đa dạng về giống, mùa nào rau đó. Hiện, vườn rau đang vào vụ thu hoạch dưa leo, rau cải, các loại rau thơm và hành lá; bình quân mỗi ngày thu hơn 1 tấn dưa leo, trên 1 tạ hành lá. Một năm làm 4 vụ, mang lại lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Nông dân phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) thu hoạch rau xanh.
Thành phố Lai Châu có hơn 60ha trồng rau, tập trung ở 6 xã, phường: San Thàng, Sùng Phài, Đông Phong, Tân Phong, Quyết Tiến và Quyết Thắng. Chính quyền thành phố xác định mục tiêu đến năm 2030 có 170ha trồng rau, trong đó 30ha trồng rau an toàn và theo quy trình kỹ thuật.
Bà Dương Thị Nhài - Phó Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: “Phòng tập trung tham mưu UBND thành phố tuyên truyền người dân sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: áp dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt. Cùng với đó, thành phố chú trọng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, qua việc đưa các sản phẩm rau giới thiệu tại các hội chợ, chương trình, sự kiện lớn được tổ chức tại tỉnh và các địa phương trong nước; đưa lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, tăng giá trị sản phẩm, mang lại doanh thu cho người trồng rau. Nhờ các hướng đi hiệu quả, trung bình các diện tích sản xuất rau đại trà có doanh thu 400 - 500 triệu đồng/ha, đặc biệt các diện tích rau sản xuất an toàn đạt doanh thu từ 1 - 2 tỷ đồng/ha.
Diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 985ha, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thu hoạch ước đạt 6.608 tấn. Ngày 22/1/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa các nội dung Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 vào điều kiện thực tế của địa phương; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm rau của tỉnh.
Trong đó, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm rau của thị trường trong nước và các nước nhập khẩu để phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn biết và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ những định hướng phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tin rằng diện tích trồng rau của tỉnh sẽ đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Qua đó, mang lại thêm nhiều lợi nhuận cho người trồng rau.
Lai Châu đề ra mục tiêu đến năm 2030: tổng diện tích rau toàn tỉnh đạt trên 3.210ha, gồm: cải các loại trên 2.000ha; bầu, bí, dưa các loại 400ha; rau họ đậu khoảng 180ha; nhóm rau khác (rau muống, bầu, bí, khoai tây, rau gia vị, rau bản địa, ớt,…) trên 420ha; trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoảng 255ha, chiếm khoảng 8% tổng diện tích gieo trồng rau cả tỉnh. |
Theo baolaichau.vn
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.