Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương công nhận vải thiều Lục Ngạn của HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân đạt sản phẩm OCOP 5 sao. Từ sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên này, Bắc Giang đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai cho các sản phẩm khác.
Cách làm bài bản
Trao đổi với phóng viên về sản phẩm vừa được công nhận OCOP 5 sao, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) cho biết: Sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn, chăm sóc đúng theo quy trình. Khó nhất của mình là sản phẩm tươi, từ quy trình chăm sóc đến bảo quản rất khó khăn, trong khi sản phẩm lại mang tính mùa vụ.
Ông Dũng cho biết thêm, quan trọng nhất là quy trình chăm sóc, an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng. HTX phải có quy trình riêng chăm sóc cho vải thiều, đặc biệt là mở lớp tuận huấn cho các thành viên về quy trình chăm sóc, quy trình thu hoạch; ngoài ra luôn luôn áp dụng đúng quy trình, tuân thủ theo quy định. Thời gian tới, khi được cấp 5 sao, HTX sẽ thay đổi mẫu mã, tem nhãn; luôn luôn duy trì về chất lượng làm sao tối ưu cho khách hàng ưa chuộng, đạt tiêu chuẩn xuất sang nhiều nước.
Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang đạt OCOP 5 sao.
Ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, cho biết, đây vừa là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Bắc Giang, là sản phẩm thuộc bộ sản phẩm tươi sống đầu tiên của cả nước (vải tươi). Dó đó, khó khăn trong khâu bảo quản, đóng gói, đảm bảo chất lượng, tem truy xuất, đến nay sản phẩm xuất khẩu đến trên 30 nước.
Trao đổi về cách làm, theo ông Đức, trước hết cần tuyên truyền vai trò, ý nghĩa các sản phẩm khi được công nhận OCOP, đánh vào nhận thức của người dân, đặc biệt là nhận thức của chủ thể. Quảng bá, giới thiệu, nâng tầm các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Khi được công nhận OCOP đạt các tiêu chí, trong đó có tiêu chí an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, người dân sẽ yên tâm sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đạt OCOP 5 sao là sản phẩm nông nghiệp sạch chưa qua chế biến, là sản phẩm tươi đầu tiên của cả nước được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Huyện đã đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng hành với HTX trong quá trình triển khai, dành nhiều công sức để làm việc này, thành quả đến ngày hôm nay thực sự là rất vui mừng, phấn khởi.
Có được kết quả đó là cả một quá trình, mở đường cho trái vải của Lục Ngạn tiếp tục khẳng định được vị thế, thương hiệu đến tay người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị. Cách làm và hướng đi của Lục Ngạn là rất đúng, phù hợp với xu thế và nhu cầu của thị trường. Mở rộng cơ hội để trái vải của Lục Ngạn đến với nhiều thị trường hơn, sẽ có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu hơn. Để đón đầu tín hiệu này, huyện sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, củng cố các HTX liên kết sản xuất để có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của doanh nghiệp trong việc thu gom, thu mua, chế biến.
Theo ông Dũng, quan trọng nhất của sản phẩm là quy trình chăm sóc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Mạnh cho biết thêm, Lục Ngạn triển khai giống nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, chúng tôi có mấy việc làm hết sức cụ thể, quyết liệt, như: Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến tiêu thụ, để doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc với các cửa hàng lớn, các chuỗi cửa hàng, các nhà xuất khẩu để tạo cơ hội xuất khẩu. Qua đó, huyện hỗ trợ bao bì, tem, nhãn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm bón, sản xuất, đặc biệt, huyện tạo ra hành lang để cho các doanh nghiệp có cơ chế vận hành, cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, huyện cũng đồng hành với các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, qua sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đạt OCOP 5 sao, chúng tôi đã rút ra những bài học kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm tiềm năng tiếp theo trong thời gian tới.
Ông Luy cho biết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn, từ đó khơi gợi cho các chủ thể quyết định lựa chọn và mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của mình. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong việc rà soát, phát hiện các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của địa phương. Chú trọng lựa chọn được các sản phẩm đã hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ đó xác định chiến lược phát triển sản phẩm có hiệu quả.
Sản phẩm bầy bán trên hệ thống siêu thị.
Sau khi đã rà soát được sản phẩm, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện theo đúng lộ trình. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ để trao đổi tiến độ, phát hiện những vướng mắc để tham mưu giải quyết kịp thời.
Cử cán bộ có chuyên môn thường xuyên tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng chủ thể trong hoàn thiện hồ sơ, chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện sản phẩm, xúc tiến thương mại,... đảm bảo theo quy định.
Thực hiện chu trình OCOP thường niên, đúng trình tự, hướng dẫn tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023. Đẩy mạng công tác ứng dụng số hoá quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh đảm bảo nghiêm túc, minh bạch, chính xác và hiệu quả.
Cùng với đó, hỗ trợ chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng website, thương mại điện tử và phát triển thị trường hướng tới xuất khẩu cho các sản phẩm tiềm năng phát triển OCOP 5 sao.
"Có cơ chế chính sách đủ mạnh làm cơ sở động viên, khích lệ các chủ thể tích cực tham gia đổi mới kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tiếp cận thị trường, xây dựng phương án kinh doanh, quản lý kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm,... Bám sát quy định của bộ tiêu chí và các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo của các bộ ngành Trung ương để triển khai thực hiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát theo quy chế quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang", ông Luy nói.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.