Hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng cây mãng cầu gai. Đặc biệt, nơi đây là vùng đất trũng, phèn, mặn nhưng lại là nơi cây mãng cầu vươn lên tươi tốt.
Mãng cầu gai giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Anh
Là một trong những hộ tiên phong trồng mãng cầu gai tại ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm), ông Phạm Hữu Huynh cho biết, cũng nhờ loại cây trồng này mà giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định và dần trở nên khấm khá.
Ông Huynh kể vùng đất Vĩnh Quới trước đây do hệ thống đê bao chưa khép kín nên mùa mưa nước ngập tràn đồng còn mùa khô thiếu nước, lại nhiễm phèn, mặn. Bà con ở đây trồng lúa mãi mà không có lợi nhuận. Khi biết được cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát sinh trưởng tốt, thích nghi với thổ nhưỡng nên vào năm 2012, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1.000 m2 đất lúa kém hiệu quả để trồng mãng cầu.
Hơn 2 năm sau, cây bắt đầu cho thu hoạch với năng suất hơn 3 tấn trái/năm, bán với giá 10.000-15.000 đồng/kg (thời điểm 10 năm trước), trừ chi phí sản xuất thu nhập từ 20-25 triệu đồng, cao 7-8 lần so với trồng lúa.
“Đến nay, gia đình phát triển được gần 1,5 ha cây mãng cầu gai, năng suất trên 35 tấn trái/năm, giá bán trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang về cho gia đình trên 400 triệu đồng/năm” - ông Huynh vui vẻ cho hay.
Cũng theo ông Huynh, cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát thích hợp với vùng đất trũng, nhiễm phèn, mặn hay khô hạn cây vẫn phát triển tươi tốt. Ngoài ra, cây ghép này rất dễ chăm sóc, cho trái nhiều, ra trái quanh năm, trồng khoảng hơn hai năm là thu hoạch. Giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng, có thời điểm giá lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Tương tự, anh Đặng Hoàng Tính ở ấp Vĩnh Kiên (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cũng thoát nghèo và vươn lên khá giàu từ mô hình trồng mãng cầu gai.
Anh Tính cho biết, gần 10 năm trước khi mới lập gia đình, anh được bố mẹ cho 2.000 m2 đất vườn tạp để sản xuất. Nhận thấy trồng mãng cầu đạt hiệu quả nên anh mạnh dạn cải tạo vườn trồng 300 gốc mãng cầu. Sau hơn 2 năm, anh thu hoạch đợt đầu tiên gần 6 tấn trái/năm, trừ chi phí gia đình thu lãi trên 70 triệu đồng.
“Từ lợi nhuận những vụ sau đó, gia đình mua thêm đất, xây dựng nhà cửa khang trang và có tiền cho con đi học. Hiện gia đình trồng gần 600 gốc mãng cầu trên diện tích 5.000 m2, thu hoạch từ 15-20 tấn trái/năm, trừ các khoảng chi phí lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm” - anh Tính phấn khởi nói.
Theo UBND thị xã Ngã Năm, đến nay, toàn thị xã có khoảng 248ha trồng mãng cầu gai tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Quới. Địa phương cũng đã thành lập được 2 Hợp tác xã (HTX) với tổng diện tích 50 ha.
Ông Lê Bảo Xuyên - Giám đốc HTX Mãng cầu Kiên Hòa, xã Vĩnh Quới - thông tin, HTX hiện có 35 ha sản xuất mãng cầu gai theo hướng hữu cơ. Năng suất bình quân 700 tấn trái/năm, được ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp ở TPHCM với giá bán cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg, giúp các xã viên có lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha.
Trái mãng cầu và những sản phẩm chế biến từ mãng cầu luôn có mặt trong các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh
Ngoài ra, để nâng cao giá trị HTX còn chủ động chế biến ra các sản phẩm như trà, mứt và rượu... từ trái mãng cầu cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước và được nhiều người đánh giá cao chất lượng sản phẩm. Sau qua chế biến giá trị của trái mãng cầu gai tăng lên hàng chục lần (mứt, trà đều có giá vài trăm nghìn đồng mỗi kg).
“Hiện HTX có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng” - ông Xuyên cho hay.
Theo UBND thị xã Ngã Năm, địa phương đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, trong đó có sản phẩm trà, bánh, mứt từ mãng cầu. UBND thị xã đã chỉ đạo ngành chuyên môn hỗ trợ cho người dân tham gia vào chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực và tìm kiếm doanh nghiệp kết nối sản phẩm tạo điều kiện nâng giá trị sản phẩm phát triển bền vững.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.