Dù mang trong mình thương tật 81% (thương binh hạng ¼), nhưng với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, thương binh Nguyễn Mạnh Hùng ở tiểu khu 5, phường Hải Hoà, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) vẫn hăng say tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế và trở thành tấm gương tiêu biểu vượt khó trong sản xuất, sáng tạo cống hiến vì cộng đồng và xã hội.
“Hùng máy cấy, Hùng cá lóc, cá rô…”
Đó là những biệt danh mà người dân trong vùng đặt cho ông thương binh nặng Nguyễn Mạnh Hùng, bởi lẽ sau khi xuất ngũ về địa phương ông vẫn cần mẫn, say mê nghiên cứu, sáng tạo tìm động lực để vượt khó, làm kinh tế và góp một phần công sức vào xây dựng cộng đồng.
Ông Hùng cho biết, buổi đầu lập nghiệp, với chút kiến thức về nghề nhiếp ảnh, ông bắt đầu tìm hiểu và đầu tư trang thiết bị máy móc làm photoshop, mở lớp dạy, cưu mang nhiều hoàn cảnh con thương bệnh binh, những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi như ông. Nhưng đâu ngờ thời cuộc đã làm ông “ngã quỵ” khi bão hoà công nghệ đến với cơ sở của ông, khiến ông phải đóng cửa, nhiều công nhân phải tìm kiếm công việc mới.
Chiếc máy cấy thế hệ mới do ông Nguyễn Mạnh Hùng chế tạo, cải tiến được đưa ra áp dụng vào thực tế.
Dù khó khăn là thế, nhưng không nản chí sờn lòng, ông tiếp tục chuyển hướng sang làm kinh tế từ nông nghiệp. Từ những diện tích đất hoang hoá, khó canh tác ông đã xin lại và cải tạo phát triển thành khu trang trại sinh thái tổng hợp gần 2ha, vừa kinh doanh dịch vụ ăn uống vừa trồng cây ăn quả, nuôi thả cá giống. Nhưng để làm nên biệt danh “Hùng cá lóc, cá rô” đó là thành quả của ông khi nghiên cứu và đưa về Thanh Hoá nuôi thử nghiệm thành công 2 giống cá lóc và cá rô đầu vuông.
“Năm 2011-2012, tôi được tham dự chương trình nghiên cứu khoa học nông nghiệp cạnh tranh (dự án khoa học cấp tỉnh) nghiên cứu tại khoa thủy sản Trường Đại học Cần Thơ và đưa được hai loại cá bố mẹ F1 (cá lóc và cá rô đồng đầu vuông) về Thanh Hóa cho sinh sản nhân tạo thành công tại trang trại. Trung bình hằng năm, cơ sở đã sản xuất được trên 200 triệu con cá giống các loại, đóng góp một phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế nông hộ”- ông Hùng chia sẻ.
Không chỉ vậy, để tiết kiệm chi phí từ đầu vào cho người chăn nuôi, ông nghiên cứu cho trứng cá nở muộn hơn để có thể vận chuyển đến nơi nuôi xa xôi với số lượng lớn mà không tốn kém chi phí vận chuyển.
“Với 10kg trứng cá rô có thể vận chuyển bằng balo hoặc món hàng kèm theo, nhưng để vận chuyển cá con thì phải dùng xe tải mới có thể vận chuyển được, rất mất thời gian đóng hàng, chi phí thuê nhân công và chi phí vận chuyển…”, ông Hùng lý giải.
Hiện nay, với thành công đó ông đang chuyển giao trực tiếp miễn phí cho các hộ nuôi cá và tham gia các chương trình của Đài truyền hình để chia sẻ kinh nghiệm nuôi cho người nông dân trên cả nước.
Cùng với đó, những năm 2015-2016, ông cùng với nhóm nghiên cứu khoa cơ khí Học Viện nông nghiệp Việt Nam sản xuất thành công máy cấy kéo tay, được bà con nông dân cả nước đón nhận. Không dừng lại ở đây, ông tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời máy cấy không động cơ thế hệ thứ tư và cho ra đời thế hệ thứ năm là loại có động cơ chạy bằng ắc quy.
Ông Võ Duy Sang, Chủ tịch HLV và TT Thanh Hoá cho biết, mặc dù là thương binh nặng nhưng bằng ý chí và nghị lực, ông Hùng đã vươn lên trong cuộc sống, có nhiều ý tưởng đóng góp cho xã hội. Đây là tấm gương sáng trong sự vượt khó, tận tâm, nhiệt huyết trong các phong trào phát triển sản xuất, làm kinh tế để hội viên học hỏi.
Hiện nay, với cương vị trong Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại tỉnh Thanh Hoá, ông luôn giúp đỡ các hội viên trong áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tìm tòi, nghiên cứu những máy móc thiết bị, chỉ dẫn, chuyển giao với mức giá thấp để các hội viên tiếp cận áp dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm do chính mình làm ra, giúp hội viên nâng cao thu nhập và làm giàu.
Sở hữu máy tinh lọc mật ong
Trong cái nắng hè oi ả, trong sân nhà lợp mái tôn, ông Hùng đang tất bật với cỗ máy để kịp bàn giao cho khách, khi được hỏi về sản phẩm ông Hùng phấn khởi cho biết: “Đây là sản phẩm của tôi trong quá trình công tác tại Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hoá, một lần tôi được tham gia hội chợ ở tỉnh, thấy sản phẩm mật ong của nông dân gặp nắng thì xì nổ. Đó là câu hỏi lớn và đau đáu trong tâm trí tôi, sau đó được sự động viên của tỉnh, tôi đã bắt tay vào làm và nghiên cứu máy tinh lọc mật ong”.
Giới thiệu với tôi về sản phẩm, ông Hùng chia sẻ, mật ong được đưa vào thùng inox 304 thứ nhất, vừa khuấy vừa ủ ấm 40 độ C gây bốc hơi nước nhằm tách thủy phần trong mật. Hệ thống tia UV được chiếu vào mật để khử khuẩn nhưng không làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng và các enzim có lợi. Sau đó mật được tự động chuyển sang thùng inox 304 thứ hai để làm lạnh, thổi ôxi và đánh khuấy, tạo thành hệ thống bọt, kéo theo những tạp chất nổi lên trên. Kết quả, hàm lượng nước trong mật ong sau khi sơ chế thấp hơn nhiều chỉ số 18,5%. Các thành phần tạp chất, chất bụi mịn không nhìn thấy bằng mắt thường cũng cơ bản được loại bỏ, từ đó sản phẩm sau khi đóng thành phẩm sẽ không phản ứng với môi trường bên ngoài gây xì, nổ như sản phẩm chưa qua tinh lọc .
Thương binh Nguyễn Mạnh Hùng đang hoàn thiện các chi tiết cuối cùng của máy tinh lọc mật ông để bàn giao cho khách hàng.
Nguyên lý hoạt động là vậy, nhưng để đạt được thành công, ông phải mất hơn 2 năm vừa nghiên cứu, thực thi với 4 lần cải tạo lớn để cho ra phiên bản cuối cùng mang tên “Máy tinh Lọc Mật Ong - NH:10/70” và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận sáng chế và công nhận bản quyền tháng 1/2022.
Hiện nay, ông Hùng đã bán ra thị trường hơn 20 chiếc máy tinh lọc mật ong cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với công suất lọc mỗi mẻ được 80 lít mật trong quy trình 3 giờ, một máy lọc có thể đưa đi làm dịch vụ cho cả vùng. Thỉnh thoảng, vẫn có người tận huyện Hà Trung, Như Thanh, Nông Cống... mang từng can mật đến tận nhà để nhờ ông lọc mật.
Tuy nhiên, với giá bán của bản full này cao so với điều kiện của nhiều người nông dân, để giải quyết vấn đề chi phí, ông lại tiếp tục cải tiến tinh giảm bản full từ 2 bể chứa inox xuống 1 bể nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà tiết kiệm vài chục triệu đồng, giúp người nông dân tiếp cận được sản phẩm để sản xuất.
"Mật ong rừng Am Các" có chứng nhận OCOP 3 sao.
Cùng với thành công của máy lọc tinh mật ong, hiện nay ông cũng đã xây dựng riêng cho mình một sản phẩm OCOP 3 sao mang tên “Mật ong rừng Am Các” và cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng.
Từ những thành công nối tiếp thành công, nhiều năm liền thương binh 1/4 Nguyễn Mạnh Hùng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng 25 Giấy khen, Bằng khen các cấp. Gần đây nhất, năm 2019, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.