Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024 | 8:15

Kinh tế nông thôn góp phần quan trọng làm nên những kết quả thắng lợi của ngành Nông nghiệp và PTNT

Trong không khí chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc gặp gỡ PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, trao đổi về những kết quả đạt được trong hoạt động của Hội và đóng góp của Tạp chí thời gian qua.

Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng đánh giá cao những đóng góp trong công tác truyền thông và khẳng định Kinh tế nông thôn đã góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi của ngành Nông nghiệp và PTNT nói chung và của Hội Làm vườn Việt Nam nói riêng.

Thưa Phó Chủ tịch, trong 7 nhiệm kỳ, các cấp Hội Làm vườn Việt Nam đã tập trung xây dựng phát triển kinh tế VAC, các mô hình vườn mẫu, kinh tế tuần hoàn. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật sau 4 năm Đại hội Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025?

Đại hội Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tổ chức thành công vào cuối tháng 10 năm 2020 với tinh thần “Đoàn kết- Đổi mới- Sáng tạo- Hiệu quả”.

Ngay sau Đại hội VII, Thường trực Hội đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung), trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội thông qua các Quy chế của Hội, các Quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc và triển khai các hoạt động của Hội theo Điều lệ và các Quy chế đã ban hành.

Đoàn công tác của HLV Việt Nam thăm mô hình trồng hoa lan, cây cảnh của gia đình bác Phạm Thanh Phương (thị trấn An Dương, huyện An Dương, Hải Phòng).

Với sự cố gắng nỗ lực của BCH, BTV và hội viên trên cả nước, từ sau Đại Hội VII đến nay, Hội đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Về tổ chức: Kịp thời kiện toàn BCH, BTV Hội; 21 Hội thành viên cấp tỉnh đã tổ chức Đại hội thành công; kết nạp thêm 20 hội viên tổ chức; các đơn vị trực thuộc Hội được củng cố về tổ chức, quy chế hoạt động. Hội đã thu hút, tập hợp được nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả cho công tác Hội.

Về thông tin, tuyên truyền, hội thảo, đào tạo, xây dựng mô hình: Ứng dụng công nghệ thông tin tạo bước đột phá và phát huy hiệu quả rõ nét trong hoạt động Hội; Tạp chí Kinh tế nông thôn vượt khó khăn, hoạt động khá tốt sau khi chuyển đổi; trang Web của Hội và của một số hội viên cấp tỉnh có số người truy cập tăng lên đáng kể.

Hội tổ chức thành công 6 hội thảo, diễn đàn chuyên đề; hội viên cấp tỉnh trực tiếp tổ chức trên 1600 lớp và phối hợp tổ chức khoảng 1500 lớp đào tạo, tập huấn cho hàng vạn hội viên, nông dân; tham gia cải tạo hàng nghìn hecta vườn tạp, xây dựng 1.300 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tham gia phong trào phát triển vườn kiểu mẫu gắn với xây dựng NTM.

Về phát triển quan hệ phối hợp với Bộ và ngành Nông nghiệp: Chủ tịch Hội và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV ngày 09 /10/ 2023 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2023-2030. Đây là văn bản rất quan trọng, làm cơ sở cho các cấp Hội trong toàn quốc xây dựng các hoạt động phối hợp với các đơn vị của ngành nông nghiệp và PTNT trên địa bàn. Hội đã chủ động phát triển mối quan hệ phối hợp trong công tác với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng thời hướng dẫn các cấp Hội trong toàn quốc thực hiện Nghị quyết liên tịch 06/NQLT-BNNPTNT-HLV.

Về quan hệ quốc tế: Đã đẩy mạnh, mở rộng quan hệ hợp tác hiệu quả với Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc tại Việt Nam (FAO- Vietnam); Mạng lưới Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA); thiết lập hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm kết hợp Quốc tế (ICRRAF) và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Úc (ACIAR).

Nói chung, sau gần 4 năm kể từ Đại Hội VII, hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bám sát phương hướng, nhiệm vụ Đại hội đã đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt hơn mong đợi. Với những kết quả đạt được, trong vòng 3 năm qua, Hội đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng 2 Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Hướng đến công tác chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam thời gian tới, Hội sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm gì?

Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam vừa tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024, vừa nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026.

Trong đó, đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển liên kết chuỗi sản phẩm nghề làm vườn. Tích cực vận động các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn, các hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia Hội.

Các cấp Hội tiếp tục triển khai phong trào thi đua giai đoạn 2022-2025 với chủ đề “Tăng cường đoàn kết, hợp tác, năng động  để  phát triển kinh tế VAC chất lượng, an toàn, hiệu quả,  bền vững, góp phần thưc hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng  nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, lập thành tích chào mừng Đại hội nhiệm kỳ VIII và Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội (1986 – 2026)”.

Đồng thời, để  động viên, khuyến khích hội viên phát triển kinh tế VAC giỏi, Hội Làm vườn Việt Nam dự kiến phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Vụ Tổ chức,  Cục KTHT và PTNT, các Cục chuyên ngành khác...) xây dựng và trình Bộ  ban hành tiêu chí  “Nghệ nhân làm vườn”  hoặc “Người làm vườn giỏi” và hướng dẫn thực hiện nhằm xét chọn và tôn vinh kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phát triển kinh tế VAC.

Các hoạt động của Hội trong thời gian tới sẽ tập trung cao độ vào việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam nhằm phối hợp triển khai các chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ do ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý về khoa học công nghệ, khuyến nông; xây dựng nông thôn mới; liên kết sản xuất và tiêu thụ; kinh tế hợp tác; xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề nông thôn; di dân, tái định cư, ổn định dân cư; hợp tác quốc tế…

Phối hợp nghiên cứu và tổng kết, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đặc biệt là những mô hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp. Xây dựng và nhân rộng một số mô hình khuyến nông sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới nâng cao; các mô hình nông nghiệp mới như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chuyển đổi số, nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ,...), phát triển các sản phẩm OCOP; mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu, biểu dương các tập thể, cá nhân điền hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Tăng cường công tác tư vấn, phản biện xã hội. Chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách, chiến lược, đề án phát triển, văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các hoạt động giám sát, chứng nhận…  thuộc lĩnh vực và phạm vi hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị và góp ý kiến với các cấp về những chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có khuyến khích mô hình kinh tế VAC theo hướng sinh thái,  nông nghiệp tuần hoàn.

Thường trực Hội  Làm vườn Việt Nam thăm mô hình nhãn chín muộn của hội viên HLV và Nuôi ong Hưng Yên.

Hội đặt mục tiêu  tập trung giới thiệu, làm cầu nối, cung cấp thông tin và hướng dẫn, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn trên cơ sở liên kết giữa hội viên với nhau và giữa hội viên với các doanh nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương xây dựng và phát triển một số cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nghề làm vườn được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại một số thành phố lớn. Đến nay, đã đạt những kết quả như thế nào thưa ông?

Xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề vườn trên cơ sở liên kết giữa các hội viên, nông dân và doanh nghiệp là một hoạt động luôn được các cấp Hội Làm vườn Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nhiều hội thảo, diễn đàn và các lớp tập huấn của các cấp Hội đều quan tâm đến nội dung này. Hội đã động viên, thu hút nhiều doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nghề vườn tham gia hoạt động Hội. Các cấp Hội có nhiều sáng kiến như tổ chức các câu lạc bộ người làm vườn, hội quán, tọa đàm, giao lưu kết nối hội viên, HTX với doanh nghiệp…nhằm hỗ trợ các hội viên và nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững. Một số Hội thành viên đã hướng dẫn, hỗ trợ các HTX và hội viên xây dựng các dự án để được hưởng các chính sách ưu đãi, khuyến khích liên kết, tiêu thụ nông sản của Nhà nước và địa phương. Hội cũng phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu sản phẩm nghề vườn của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, tranh thủ lợi thế của các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước trên Thế giới.

Việc phối hợp tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm nghề vườn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đã được nhiều Hội Làm vườn cấp tỉnh thực hiện thành công. Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức được 10 gian hàng tham gia triển lãm sản phẩm OCOP của tỉnh; Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa tham gia trưng bày 40 sản phẩm của hội viên tại Hội chợ kết nối cung- cầu của tỉnh; Hội Làm vườn thành phố Hải Phòng chủ động phối hợp với Sở Du lịch khảo sát các mô hình vườn sinh thái và ký kết văn bản hợp tác với Hiệp hội Du lịch đẩy mạnh Du lịch nông nghiệp trên địa bàn địa phương, góp phần giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nghề vườn…Đây là những mô hình sẽ được Hội Làm vườn Việt Nam tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng trong thời gian tới.

Theo Quyết định 687/2022/QĐ-TTg, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng  chương trình “Mỗi xã một mô hình kinh tế tuần hoàn”, Hội có vai trò như thế nào trong hoạt động này?

Kinh tế tuần hoàn hướng đến tối ưu hóa khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu sự thất thoát, lãng phí và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ sức khỏe con người.

Trong thực tế, Vườn - Ao- Chuồng (VAC) được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là mô hình nông nghiệp tuần hoàn truyền thống điển hình, đơn giản nhất, được áp dụng rộng rãi ở nông thôn Việt Nam từ lâu đời. Vào những năm 1970 của thế kỷ XX, cơ sở lý luận của mô hình kinh tế VAC bắt đầu được hình thành và phát triển tại Việt Nam. Đây là mô hình nông nghiệp sinh thái, đa chức năng, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, mà các thành phần trong mô hình này tạo nên một vòng tròn khép kín, sử dụng chất thải của thành phần này làm nguyên liệu đầu vào cho thành phần khác.

VAC được xem là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tiết kiệm năng lượng, tận dụng hiệu quả tài nguyên về đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời, nhằm giúp người nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp, đồng thời góp phần làm giảm thiểu tối đa những vấn đề về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hầu hết các vùng nông thôn và ven đô, mô hình VAC được áp dụng phổ biến ở nước ta và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bắt đầu từ các mô hình nhỏ lẻ ban đầu với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo, mô hình VAC đã phát triển rộng khắp tại nhiều trang trại, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu và được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn áp dụng, đem lại hiệu quả cao.

Nhiều mô hình VAC đã tạo được mối liên kết hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Ngày nay, mô hình kinh tế VAC hiện đại có sự kết hợp giữa các biện pháp canh tác truyền thống với công nghệ tiên tiến chính là mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Chính vì vậy, Quyết định 687-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam giao Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng chương trình “Mỗi xã một mô hình kinh tế tuần hoàn” sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế VAC ở nước ta trong thời gian tới.

Hội Làm vườn Việt Nam đã chủ động đề xuất, bố trí các chuyên gia của Hội tham gia với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong quá trình xây dựng, trình ban hành Chương trình “Mỗi xã một mô hình kinh tế tuần hoàn”, trong đó có mô hình VAC. Hội cũng đề xuất với Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam hỗ trợ chuyên gia và tài chính nhằm thúc đẩy nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nghề làm vườn, trong đó có biên soạn cuốn sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế vườn và kinh tế VAC tuần hoàn tại Việt Nam. Các hội Làm vườn địa phương đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan của ngành Nông nghiệp và PTNT tham mưu, đề xuất các nội dung hoạt động và giải pháp để xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn. Đây là một cơ hội thuận lợi để phát huy vai trò của các cấp Hội Làm vườn toàn quốc trong thúc đẩy phát triển kinh tế vườn và kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững ở Việt Nam.

Ông có thể đánh giá công tác tuyền thông và những đóng góp của Tạp chí Kinh tế nông thôn trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội, nhân rộng các mô hình, phong trào phát triển kinh tế VAC? Hội có định hướng cho Tạp chí Kinh tế nông thôn trong thời gian tới về hoạt động tuyên truyền như thế nào?

Trong chặng đường 36 năm phát triển, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã góp một tiếng nói mạnh mẽ, chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tôn chỉ, mục đích của Hội Làm vườn Việt Nam về phong trào phát triển VAC, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đến mọi vùng miền trên toàn quốc; truyền thông, lan tỏa sâu rộng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp hiệu quả, những điển hình tiên tiến trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng làm nên những kết quả thắng lợi của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tạp chí đã phản ánh những cái hay, cái đẹp và vai trò của nghề làm vườn gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc, qua đó truyền cảm hứng cho bạn đọc đối với công việc làm vườn. Tạp chí là người bạn đồng hành, là tiếng nói, là diễn đàn của hội viên Hội Làm vườn Việt Nam và nông dân nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Những năm gần đây, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung tuyên truyền theo hướng chuyên sâu, hình thức đẹp, nội dung sâu sắc, đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn nhưng văn phong giản dị, dễ hiểu, gần gũi với hội viên và nông dân. Các phóng viên của Tạp chí năng nổ, chuyên nghiệp, chịu khó sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với các cán bộ Hội và hội viên ở các địa phương, có kiến thức, hiểu biết tốt về lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy có rất nhiều bài viết, thông tin có chất lượng cao.

Tôi hy vọng và tin rằng, trong thời gian tới Tạp chí Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm đạt được và tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa về chất lượng, gặt hái nhiều thành công hơn nữa, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Tạp chí cần bám sát hơn tôn chỉ, mục đích của Hội Làm vườn Việt Nam, tăng cường nhiều hơn lượng tin, bài trực tiếp liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn, phát triển VAC, kinh tế vườn và xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đến những vấn đề nảy sinh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạp chí cũng nên có nhiều tin bài, phản ánh nhiều hơn về thực trạng công tác Hội và các kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội tại các địa phương cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực trong phát triển kinh tế vườn và chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ…Tạp chí nên phát triển mạnh hơn mạng lưới cộng tác viên là cán bộ Hội và hội viên, các chuyên gia nông nghiệp, các doanh nhân, các nhà quản lý… để có những bài viết chuyên đề nhằm tổng kết thực tiễn, góp phần cập nhật, bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc phát triển hệ sinh thái VAC, góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững tại Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ và phóng viên, biên tập viên, những người làm Tạp chí Kinh tế nông thôn. Chúc Kinh tế nông thôn luôn là kênh thông tin tin cậy, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đồng hành cùng Hội, những người làm vườn, nhà nông và các doanh nghiệp, HTX trên khắp cả nước. Chúc Kinh tế nông thôn không ngừng đổi mới và phát triển mạnh mẽ.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

 

Thanh Tâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top