Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 4 năm 2024 | 14:52

Lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để có thu nhập cao

Miền Trung với điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, nên việc lựa chọn trồng trọt và chăn nuôi sao cho đạt được hiệu quả kinh tế cao, đang được người nông dân lựa chọn.

Đã có nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt của bà con nông dân ở đây phát huy được hiệu quả kinh tế và cần được nhân rộng ở các địa phương có những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng.

Nông dân miền núi Nghệ An trồng rau trong nhà lưới

Nghệ An là một địa phương có khí hậu khắc nghiệt, do đó việc phát triển kinh tế nông thôn với bà con nông dân là một trong những trở ngại lớn nhất là đối với các huyện miền núi của tỉnh này. Nhưng nhiều nông dân đã tự tìm cho mình một cách làm để phát triển kinh tế gia đình, cho thu nhập cao trên mảnh đất của mình.

Vụ Xuân Hè này anh Phạm Văn Ba chủ yếu trồng dưa trong nhà lưới. Ảnh: Q.An

Phạm Văn Ba lên lập nghiệp ở thị trấn Kim Sơn từ năm 2002. Đến với vùng đất mới Phủ Quỳ, anh nhận thấy, nếu có đất để trồng rau, củ, quả hàng hóa sẽ thuận lợi, bởi ở vùng miền núi này, phần lớn rau xanh là vận chuyển từ dưới xuôi lên. Và anh quyết định nhận thầu 5.000 m2 đất nông nghiệp để trồng rau.

Với kinh nghiệm có được của người nông dân, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng anh Ba quyết định đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới với diện tích 1.000 m2.

Toàn bộ khu vực trong nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, cùng với 3 ao, hồ sát cạnh, kết hợp nuôi cá quanh năm, đảm bảo nguồn nước tưới dồi dào. Vào mùa Hè nắng nóng, nhưng nhờ đầu tư máy nổ phát điện và hệ thống máy bơm đầy đủ, nên trong khu vực nhà lưới khi nào cũng tưới đủ nước, cây trồng xanh tốt. Đầu năm trồng dưa lưới, tiếp đó là cà chua, dưa chuột, rau các loại, đều cho thu nhập cao. Hiện, anh đang trồng thử dâu tây trong nhà lưới, bước đầu phát triển tốt.

Qua tính toán cho thấy, năm 2023, gia đình anh Ba có doanh thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 60 triệu đồng, chưa kể các loại rau, củ, quả trồng ngoài trời theo truyền thống cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể. “Nhận thấy sản xuất rau, củ, quả trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình đang tính tới đây sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 nhà lưới nữa. Sản xuất rau trong nhà lưới có ưu điểm là tưới hoàn toàn tự động, ít tốn công chăm sóc, ngăn chặn sự gây hại của côn trùng, hạn chế được sâu bệnh, không bị tác động xấu do thời tiết như mưa đá, giông lốc…

Ông Mạc Văn Tuất - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong cho biết: Trồng rau, củ, quả trong nhà lưới đã được người dân các huyện miền xuôi áp dụng từ nhiều năm trước, nhưng với huyện biên giới Quế Phong thì mới manh nha từ năm 2023. Từ trước đến nay, người dân trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp truyền thống, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Đầu năm 2023 đến nay, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, mặc dù kinh phí xây dựng cao, nhưng sản xuất theo hình thức chuyên nghiệp hơn. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 4 hộ nông dân đầu tư nhà lưới, gồm: 2 nhà lưới ở xã Tiền Phong, 1 nhà lưới ở khu vực thị trấn Kim Sơn và 1 nhà lưới ở xã Nậm Giải. Những hộ nông dân này đều có điều kiện về kinh tế, đam mê và có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, chịu khó học hỏi, do vậy, các mô hình nhà lưới này đều phát huy hiệu quả.

Thu lãi tiền tỷ bằng việc nuôi chồn hương ở Hà Tĩnh

Anh Mai Khắc Thạch sinh năm 1985, ở thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã bôn ba trong và ngoài nước với nhiều công việc khác nhau để tìm cơ hội đổi thay cuộc sống nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.

Đầu năm 2020, anh Mai Khắc Thạch tiến hành huy động vốn, xây dựng chuồng trại và bắt tay nuôi lứa đầu tiên với 50 con chồn hương. Từ kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được cùng quyết tâm làm giàu trên chính quê hương đã giúp anh vượt lên những khó khăn ban đầu.

Quá trình thực hiện mô hình, các thành viên HTX thường xuyên nhận được sự quan tâm của lãnh đạo xã Khánh Vĩnh Yên.

Anh Mai Khắc Thạch chia sẻ: “Mô hình mới nên những bước đi đầu tiên khá khó khăn nhưng bù lại, với sự thuận lợi khi tận dụng được nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương và sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của bạn nên tôi càng quyết tâm thực hiện”.

Lứa chồn đầu tiên thành công đã mang đến cho Mai Khắc Thạch niềm hy vọng mới sau những ngày dài tìm hướng làm ăn. Kết quả này cũng tạo động lực để Thạch hướng đến mục tiêu mới - mở rộng mô hình nuôi chồn hương.

Muốn làm được điều đó, chỉ một mình là không đủ nên anh tìm gặp nhiều thanh niên trong vùng, khích lệ họ đổi mới tư duy. Từ những chia sẻ về khát vọng, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi của Thạch, nhiều thanh niên trong vùng đã ngỏ ý muốn tham gia mô hình.

Năm 2022, Thạch cùng 5 thanh niên thôn Quần Ngọc thành lập HTX chồn hương Khánh Ngọc (Khánh Ngọc Farm). Ngay từ khi thành lập, HTX Khánh Ngọc đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương. Sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm Can Lộc trong cấp phép và kiểm tra định kỳ; sự quan tâm của địa phương về quỹ đất và các chính sách khuyến nông, hỗ trợ vay vốn đã giúp HTX sớm đi vào hoạt động ổn định.

Đến nay, HTX đã đầu tư xây dựng khu vực chăn nuôi với hệ thống chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn gần 1 ha, gồm 5 khu vực nuôi với quy mô gần 320 con (trong đó có gần 220 con chồn cái sinh sản, 50 con chồn đực và 50 con hậu bị) với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho biết, Thời gian qua, HTX nuôi chồn Khánh Ngọc đã thu hút nhiều hội viên nông dân trong và ngoài xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mô hình không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế mà còn lan tỏa phong trào khởi nghiệp, mở rộng tư duy dám nghĩ, dám làm cho người dân trên địa bàn.

Trồng mướp khía hiệu quả kinh tế cao

Nhiều hộ dân tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang tất bật thu hoạch mướp khía tại vườn. Với kỹ thuật trồng đơn giản, không mất nhiều công chăm sóc, mô hình trồng mướp khía đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng mướp trong thôn Đông Luật.

Mô hình trồng mướp khía tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân -Ảnh: N.P

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở địa phương này trồng tổng cộng 2,5 sào mướp, nhờ chăm sóc tốt nên diện tích trồng mướp khía của gia đình chị phát triển tốt, trái xanh đẹp, năng suất cao.

Chị Thủy cho biết, so với các loại cây màu khác thì mướp khía ít bị sâu bệnh, nếu bị ong chích thì chỉ sử dụng thuốc sinh học chứ không dùng thuốc trừ sâu nên rất an toàn. Không chỉ năng suất cao mà mướp khía còn ăn ngon ngọt, dễ bán. “Mướp khía đầu mùa có giá khoảng 22.000 đồng/kg, hiện giảm còn 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Là người có gần 20 năm kinh nghiệm trong trồng mướp khía, chị Trần Thị Hạnh, ở thôn Đông Luật cho biết, đây là loại cây ngắn ngày phù hợp với đất cát, dù không tốn công chăm sóc song lại phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên cần lưu ý để mướp không bị chết là lúc làm đất phải lên liếp cao, có rãnh thoát nước tốt để cây không bị đọng nước. Khi mướp cao 20cm - 30cm thì mua lưới và cây về làm giàn cho mướp leo.

Với hiệu quả kinh tế mà mướp khía mang lại từ những năm trước, năm nay, gia đình chị Hạnh quyết định mở rộng diện tích trồng mướp khía lên tổng cộng 5 sào. “Mướp khía rất nhanh cho thu hoạch, từ lúc trồng đến khi mướp khía ra trái chỉ khoảng 55 - 60 ngày. Thời gian thu hoạch từ 30 - 35 ngày và có thể kéo dài hơn nếu cây mướp được chăm sóc tốt. Hiện, vườn mướp mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập từ 1,5 triệu đồng - 1,7 triệu đồng/ngày”, chị Hạnh chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Thành thông tin thêm, theo con số thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn xã có trên 2 ha diện tích trồng mướp khía. Thời gian qua, cùng với một số loại cây khác như môn nịt, khoai lang, sắn, ném... cây mướp khía cũng được một số hộ gia đình lựa chọn trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Thái sẽ tiếp tục khuyến khích người nông dân nhân rộng mô hình mướp khía; đồng thời giúp nông dân lựa chọn mô hình sản xuất mới, phù hợp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Có thể nhận thấy các loại cây trồng và vật nuôi, nếu biết lựa chọn loại cây phù hợp thổ nhưỡng, vật nuôi thích ứng với khí hậu và thời tiết sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gawy gắt và khốc liệt, trồng trọt chăn nuôi phải bảo đảm không ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến đất đai, làm thoái hóa, biến chất là điều quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp xanh bền vững.

 

Theo Báo Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top