Hội Làm vườn Việt Nam vừa công bố quyết định thành lập Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ. Được biết, Ban này sẽ kết nối các đơn vị thuộc Hội, các chuyên gia đầu ngành và một số tổ chức quốc tế để triển khai các đề tài, dự án, hội thảo, đào tạo, tập huấn..., giúp nhà vườn, chủ trang trại, doanh nghiệp có cơ hội phát triển kinh tế VAC bền vững và hiệu quả cao.
Phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam, Trưởng ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ, để tìm hiểu những thông tin hoạt động chính của Ban.
Ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) và lãnh đạo Hội Làm vườn Hà Nội thăm mô hình sản xuất công nghệ cao tại huyện Đông Anh.
Xin ông cho biết chức năng, nhiệm vụ của Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ trong bối cảnh hiện nay?
Hội Làm vườn Việt Nam được thành lập từ năm 1986. Sau gần 40 năm hoạt động, Hội có rất nhiều hoạt động khác nhau và một trong những hoạt động chủ lực là kết nối tuyên truyền hội viên ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế VAC hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, để nâng cao hơn nữa vai trò của Hội trong việc cung cấp thông tin và hướng dẫn tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mở rộng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất có hiệu quả thì Hội đã thành lập một số ban chuyên môn trực thuộc Thường trực Hội, một trong số đó là Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ.
Ban này có chức năng là đầu mối phối hợp giữa Hội với các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tổ chức và cá nhân trong và ngoài Hội, để thực hiện các hoạt động: thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, đào tạo huấn luyện, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), chuyển giao công nghệ và khuyến nông; tư vấn, dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN), hợp tác quốc tế phục vụ phát triển kinh tế VAC trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, Ban sẽ tham mưu, xây dựng, đề xuất các chương trình, dự án, kế hoạch hoạt động trung hạn và hàng năm về triển các hoạt động nêu trên để Thường trực Hội phê duyệt và chủ trì tổ chức thực hiện.
Để thực hiện hai chức năng trên, Ban dự kiến xây dựng chức năng, nhiệm vụ rất rộng và sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông tin, tư vấn kiến thức cho Hội viên các chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, về xây dựng nông thôn mới; các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế VAC.
Thứ hai, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Hội theo dõi, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn các mô hình, điển hình về: vườn mẫu, vườn chuẩn Nông thôn mới và các mô hình VAC, mô hình trang trại, gia trại tiêu biểu để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng trong thực tiễn.
Thứ ba, tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề, tổ chức tham quan, khảo sát học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội, hội viên và nông dân.
Thăm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Vĩnh Ngọc (Đông Anh - Hà Nội).
Thứ tư, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN, khuyến nông, nhiệm vụ khảo sát, đánh giá, thẩm định, nghiệm thu... do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc đặt hàng.
Thứ năm, Ban sẽ chủ trì hoăc phối hợp tham gia cung cấp các dịch vụ tư vấn, chuyển giao về khoa học kỹ thuật, công nghệ, cây - con giống, vật tư, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm VAC; biên soạn tài liệu, video hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực kinh tế VAC theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Hội, phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ Hội và khả năng thực tế của Ban.
Thứ sáu, Ban sẽ tham gia tư vấn, kiến nghị, phản biện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, các đề án, dự án liên quan đến phát triển kinh tế VAC theo yếu cầu của các cơ quan, tổ chức khi được Lãnh đạo Hội phân công.
Thứ bảy, phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp; tư vấn, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác, liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho hội viên và nông dân theo phân công của Lãnh đạo Hội.
Thứ tám, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế của Hội theo phân công của Lãnh đạo Hội.
Thứ chín, thực hiện các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Hội phân công.
Có thể nói, nhiệm vụ hoạt động của Ban được dự kiến rất nhiều nhưng Ban sẽ tập trung vào việc chính là thông tin chuyển giao kiến thức và nâng cao tay nghề, cũng như bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, hội viên, nông dân về KHCN. Ngoài ra, các nội dung khác thì Ban sẽ có sự phối hợp thực hiện với các Ban thuộc Hội.
Lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam và Hội Nông nghiệp - PTNT Sơn La thăm vườn mẫu của ông A Sở, dân tộc Mông, ở thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).
Không chỉ thiếu vốn, nhà nông, nhà vườn còn thiếu kiến thức, nhất là tiến bộ KHKT và công nghệ trong sản xuất; thiếu kiến thức về quản trị, thị trường… Ban có định hướng hỗ trợ về các lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?
Tôi nhất trí với nhận xét đó, chỉ có thể nói, bây giờ, bên cạnh thiếu kiến thức về kỹ thuật, thì thiếu kiến thức về quản trị trang trại, quản trị các cơ sở sản xuất của các tổ chức cũng như hội viên và nông dân là vấn đề rất cấp thiết. Chính vì thế, cùng với thành lập Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ, Hội cũng đã thành lập Ban về liên kết sản xuất và thị trường để làm nòng cốt trong việc giúp đỡ hội viên về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay trong hoạt động KHCN, chúng tôi cũng luôn luôn có những kết nối giữa việc chuyển giao kỹ thuật với việc nâng cao năng lực kiến thức về thị trường và quản trị cho nhà vườn, hội viên, nông dân.
Cụ thể, trong các chương trình tuyên truyền về kỹ thuật, bao giờ chúng tôi cũng lồng ghép vào đó là hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hoặc các kiến thức về kỹ thuật. Hội còn lồng ghép giới thiệu cho nông dân các thông tin về thị trường, thông tin về nhu cầu của sản xuất, các thông tin về chính sách, liên kết hoặc là các kỹ năng để đàm phán ký kết hợp đồng hoặc liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Ngay cả lớp tập huấn và các buổi tham quan, chúng tôi cũng liên tục mời các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ hợp tác xã, doanh nghiệp đến để có chuyên đề liên kết sản xuất và đưa ra các yêu cầu về chất lượng cũng như chủng loại các nông sản để nông dân khi sản xuất và lựa chọn sản phẩm nào cũng gắn xuất phát từ nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, Ban cũng phối hợp với các ban khác của Hội cũng như các tổ chức khác để tổ chức hội thảo, diễn đàn, hội chợ, các hoạt động thương mại khác để tăng cường giao lưu kết nối giữa hội viên, nông dân, các tổ chức, hợp tác xã, các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tăng liên kết chuỗi giá trị trong ngành sản xuất VAC.
Nhiều năm qua, Hội Làm vườn đã làm tốt việc chuyển giao kỹ thuật nghề VAC cho hội viên nhưng mới chỉ là những kỹ năng sản xuất thông thường, trong khi đòi hỏi của thị trường về sản xuất xanh - sạch - truy xuất nguồn gốc ngày càng cao. Xin ông cho biết hướng tiếp cận của Ban để giải quyết các vấn đề này?
Đây cũng chính là một trong những hướng ưu tiên và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ. Nếu như trước đây chúng ta chủ yếu quan tâm đến giới thiệu và truyên truyền phổ biến kiến thức về khoa học thì ngày nay các hoạt động của Ban, Hội chúng ta kết hợp giữa hoạt động chuyển giao kỹ thuật với chuyển giao kiến thức về kinh tế nông nghiệp uyển chuyển để giúp hội viên chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tức là phải có kết nối giữa sản xuất với các khâu tiếp theo của chuỗi giá trị, từ sản xuất, sơ chế bảo quản, chế biến đến tổ chức tiêu thụ.
Tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái cho nông dân ở xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk). Ảnh: Tuyết Mai
Do vậy, tất cả các hoạt động của Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ sau này bao giờ cũng có sự phối hợp và lồng ghép các nội dung chuyển giao kỹ thuật với nội dung bồi dưỡng kiến thức, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Đối tượng tham gia, các chương trình, sự kiện cũng như là các tài liệu hướng dẫn, mô hình xây dựng chúng tôi cũng sẽ kết nối giữa các lĩnh vực kỹ thuật, kiến thức về quản trị nông trại cũng như liên kết sản xuất.
Chúng tôi cũng luôn lấy trọng tâm là định hướng nhu cầu sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để đưa vào chương trình phổ biến kiến thức, cũng như nâng cao tay nghề kỹ thuật cho nông dân.
Cũng phải có bố trí các kênh thông tin như các trang web của Hội, tài liệu hướng dẫn và đặc biệt các trang web Hội có liên kết với trang web của các cơ quan quản lý như Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Tạp chí Kinh tế nông thôn để ngoài việc nông dân khai thác được kiến thức KHCN cũng có thêm thông tin về kinh tế nông nghiệp, thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt đối với những sản phẩm xuất khẩu thì Hội sẽ kết nối với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và một số cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT phụ trách về lĩnh vực xuất khẩu để phổ biến, tập huấn, nâng cao hiểu biết cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã về yêu cầu của thị trường xuất khẩu, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và các chứng chỉ cần thiết để hội viên khi sản xuất biết ngay từ đầu để tuân thủ các quy định để khi sản phẩm xuất ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Khó khăn lớn nhất của Ban khi triển khai các nhiệm vụ hiện nay là gì? Giải pháp gỡ khó như thế nào, thưa ông?
Hoạt động chuyển giao KHCN xưa nay cũng đã được quan tâm và triển khai khá thường xuyên, tuy nhiên, khi đổi mới tư duy từ phổ biến, chuyển giao khoa học kỹ thuật thuần túy sang kết hợp giữa chuyển giao kỹ thuật và kiến thức về quản trị nông trại, kiến thức liên kết sản xuất và thị trường là công việc mới, nên đòi hỏi từng thành viên của Ban cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN của Ban phải có sự nâng cao năng lực và kiến thức, nhất là về lĩnh vực gắn sản xuất với tiêu thụ và nắm bắt các thông tin thị trường khi mà thông tin tập huấn, hướng dẫn hay tuyên truyền nông dân xây dựng mô hình bao giờ cũng đòi hỏi có kiến thức để trả lời bà con.
Thứ hai, chúng ta thực sự phải đóng vai trò kết nối. Ngoài hướng dẫn một chiều phải có kết nối nhu cầu của nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã để các bên trao đổi với nhau. Hội sẽ là cơ quan cầu nối để kết nối người sản xuất với thị trường nhằm tạo nhiều kênh thông tin và nhiều cơ hội để các bên kết nối với nhau và có thể đi đến các hợp đồng, thỏa thuận tiêu thụ được sản phẩm thuận lợi và hiệu quả.
Khó khăn về kinh phí cũng chính là một hạn chế lớn. Bởi vậy, Hội cũng đặt vấn đề phối hợp hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan Khuyến nông trung ương, địa phương để chúng ta có thể phối hợp được nguồn lực một cách tối đa và có hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, Hội đã mời các lãnh đạo cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của địa phương tham gia vào Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ, mục đích để tận dụng nguồn kiến thức, kinh nghiệm và nguồn vốn... phục vụ cho mục tiêu chung là giúp cho hội viên phát triển kinh tế VAC hiệu quả hơn.
Cách nào để đưa tiến bộ kỹ thuật đến nhà vườn có nội dung phong phú, thiết thực? Hội có nghĩ đến việc họ - nhà vườn sẽ chi tiền để được học các lớp đào tạo kiến thức bài bản, quy mô, Hội có định hướng gì về vấn đề này chưa, thưa ông?
Để đáp ứng yêu cầu này của nông dân và mang lại lợi ích thiết thực và hiệu quả thực chất, tới đây, Ban sẽ thường xuyên có những khảo sát nhu cầu của hội viên cũng như của nông dân về KHCN, xem họ cần gì và sử dụng tập trung vào những công nghệ gì? Chúng tôi sẽ có sự lựa chọn những nhu cầu thông tin đào tạo, tập huấn phù hợp chứ không phải mình có cái gì mình thực hiện cái đấy mà phải xuất phát từ nhu cầu của người nông dân. Sau đó, chúng tôi sẽ tập hợp lại lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật cũng như nội dung phù hợp để đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, hoạt động.
Để đa dạng hóa nguồn cung các kiến thức, bên cạnh kiến thức do Hội chủ động tổ chức tập huấn tuyên truyền phổ biến, chúng tôi sẽ liên kết với các cơ quan, lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan ngoài Bộ và các kênh như website và tư liệu của các cơ quan này trên thư viện điện tử, sau đó sẽ giới thiệu đường link cho hội viên khi vào trang web của Hội sẽ link vào các đơn vị liên kết. Ví dụ như Trung tâm Khuyến nông quốc gia có thư viện điện tử rất nhiều tài liệu, video hướng dẫn từng khâu kỹ thuật rất cụ thể, hay Cục Bảo vệ thực vật có các hướng dẫn về mã số vùng trồng, về quy định đóng gói xuất khẩu ... và lĩnh vực thương mại cũng có rất nhiều thông tin của Cục Kinh tế hợp tác, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với các đơn vị và tạo nên kênh thông tin đa dạng, phong phú.
Ngoài ra, Ban sẽ phối hợp với các đơn vị này sản xuất các tài liệu theo hình thức video để hướng dẫn rất ngắn gọn, cụ thể để tải lên app khác nhau, giúp nông dân có thể thuận tiện trong việc truy cập. Nhất là các kênh về dự báo thời tiết, dự báo dịch bệnh... thông qua các app sẵn có.
Chúng tôi cũng sẽ thay đổi hình thức tổ chức, trước đây chủ yếu tập huấn theo hình thức lên lớp, thì nay sẽ chuyển sang tập huấn ngoài hiện trường nhiều hơn để nông dân có thể trực tiếp, họ có thể vừa tham quan khảo sát, vừa trao đổi trực tiếp với chủ cơ sở và cán bộ khuyến nông đóng vai trò kết nối và tư vấn những gì họ cần. Chúng tôi cũng tăng cường tổ chức các diễn đàn để tăng cường cơ hội để các chủ vườn, trang trại tiếp xúc trực tiếp với các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để có thể liên kết chặt chẽ và móc nối với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ngoài ra, có thể thành lập hộp thư trên trang web của Hội về tư vấn. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia để định kỳ có những tư vấn giải đáp những thắc mắc của nhà vườn, hội viên, nông dân có nhu cầu trao đổi thông tin có hiệu quả cao hơn.
Trong nhiệm vụ của Ban cũng có dịch vụ tư vấn, dịch vụ đào tạo theo nhu cầu. Trước mắt, Hội chưa đặt vấn đề tổ chức các lớp học đào tạo thu phí, nhưng về lâu dài, Hội cũng hướng đến dịch vụ có thu phí để đáp ứng nhu cầu thiết thực của hội viên và để nâng cao chất lượng đào tạo. Để nâng cao kỹ năng đào tạo, Hội cũng có hướng đến việc thu một phần kinh phí đối với các hoạt động tập huấn chuyên sâu như các chuyến tham quan mô hình ở nước ngoài, mời các chuyên gia cao cấp tập huấn đào tạo, để nâng cao trách nhiệm học và đào tạo cả hai bên, từ đó đem lại hiệu quả thiết thực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.