Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 6 năm 2023 | 15:9

Gà Đông Tảo được nuôi dưỡng ở nhiều địa phương

Giống gà “tiến Vua” ở vùng châu thổ sông Hồng thuộc xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) mà dân gian vẫn gọi là Gà Đông Tảo, đã được nuôi dưỡng ở một số địa phương cho giá trị kinh tế và hiệu quả cao. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc nhân giống và bảo tồn giống gà quý.

Bảo tồn giống gà quý vì quê hương

Trong một lần về thăm xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) tôi được người quen đưa đến gia đình của anh Lê Hồng Thái, trú tại thôn Đông Tảo Nam để thăm mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo thuần chủng, một giống gà được người dân tôn là giống gà “Tiến Vua” bởi nó có những đặc điểm khác với các giống gà khác, đó là giống gà có đôi chân “khủng”. Đây là đặc trưng riêng của giống gà mang tên địa phương này.

Anh Lê Hồng Thái nuôi gà Đông Tảo vì tình yêu quê hương

Sau một tuần trà mạn tôi mạnh dạn hỏi anh Thái cơ duyên nào để anh đầu tư vào chăn nuôi giống gà nổi tiếng của địa phương. “Cơ duyên nào á?” Anh Thái hỏi lại tôi. Theo anh Thái cơ duyên để anh nuôi giống gà nổi tiếng của địa phương là bản thân anh sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất này.

Anh Thái cho biết, ngay từ khi được cha mẹ sinh ra và lớn lên, anh đã biết quê hương của mình có giống gà khác với nhiều loại gà được người dân chăn nuôi khác. Nhưng lúc bấy giờ kinh tế còn khó khăn, người dân chủ yếu tập trung vào việc trồng lúa để có nguồn lương thực cho cuộc sống và đóng góp cho Nhà nước cung cấp cho bộ đội đánh giặc.

“Việc các gia đình ở xã Đông Tảo nuôi giống gà này cũng chỉ đơn thuần là tăng gia sản xuất, để có thêm nguồn thực phẩm cải thiện cho cuộc sống gia đình trong những ngày lễ, tết…”, anh Thái nói.

Sau này khi đi bộ đội công tác tại Quân chủng Hải quân và làm việc tại Sài Gòn, hết thời gian công tác anh xin về quê hương sinh sống. Ban đầu anh Thái chưa biết nên làm gì sau 30 năm trở về nơi anh đã sinh ra và lớn lên. Đúng thời gian đất nước có sự đổi mới, nhu cầu được thưởng thức các loại đặc sản ở các địa phương tăng cao, nhận thấy quê hương mình có một giống gà quý nên anh đã quyết tâm dùng toàn bộ số vốn liếng mình có được để nuôi giống gà quý này.

Anh Thái cho biết. “Cũng gian nan lắm, cũng vất vả lắm và cũng thất bại nhiều lắm, bởi không lựa chọn được giống gà bố mẹ thuần chủng, thì gà ấp nở sinh ra sẽ dần dần bị lai tạp. Dó đó anh phải lựa chọn và có những nguyên tắc riêng trong chăn nuôi để luôn luôn giữ được chất lượng gà thuần chủng, giữ cho được giống gà này để nhân giống cũng là vì tình yêu với quê hương mình, mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn”.

Sau này gia đình được UBND tỉnh Hưng Yên chọn làm cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo, với mục đích bảo tồn gen đối với giống gà quý hiếm này của địa phương. Hàng năm, tỉnh Hưng Yên cấp một nguồn kinh phí để gia đình anh thực hiện việc bảo tồn gien giống gà quý hiếm này.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu được biết, Dự án chăn nuôi phát triển và bảo tồn gien giống gà Đông Tảo được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện tại gia đình anh Lê Hồng Thái đã được trên 10 năm qua, với việc duy trì nguồn gien giống gà Đông Tảo tại đây luôn được cán bộ của Dự án kiểm tra và đánh giá có chất lượng, gà bố mẹ luôn bảo đảm 100% thuần chủng, các loại gà giống được nhân giống ở đây đều đạt con giống có chất lượng cao, nhiều địa phương đã tìm về đây để mua con giống về phát triển chăn nuôi.

Nhiều địa phương đã nuôi thành công giống gà “chân khủng”

Về xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) hỏi nhà cụ ông Đinh Xuân Thực (75 tuổi) không ai không biết. Chục năm qua, ông nổi tiếng với trang trại chăn nuôi gà Đông Tảo thu lãi tiền tỷ mỗi năm.

Ông Thực kể, trước khi nghỉ hưu, ông có nhiều năm công tác tại trường Cao đẳng Thủy lợi tại Hưng Yên (thuộc Bộ NN&PTNT) và làm Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Sống tại vùng đất Hưng Yên có loại gà Đông Tảo xưa kia chỉ vua chúa mới được dùng, ông hỏi thăm người quen để tìm hiểu. Thấy ở Ninh Bình chưa có ai nuôi, ông mạnh dạn mua khoảng 200 gà giống về nuôi.

Ông Đinh Xuân Thực gắn bó với nghề nuôi gà Đông Tảo chục năm qua. 

"Không ngờ từ đó tôi bén duyên với loại gà có đôi chân to như chân voi này. Lứa gà đầu, rồi các lứa tiếp theo, việc chăn nuôi thuận lợi. Đàn gà lớn nhanh, không bệnh tật gì. Mỗi lần, tôi xuất bán được 200-300 con gà thịt. Giá gà đặc sản này cao gấp nhiều lần gà thường nên lãi lớn", cụ ông 75 tuổi chia sẻ.

"Loại gà này ít người nuôi nên thị trường rất tiềm năng, nuôi lứa nào thương lái đến mua hết lứa đó. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán 8 -10 tấn gà thịt, với giá dao động từ 95.000 đồng đến 120.000 đồng/kg. Gà con mỗi năm xuất bán 4 lứa với số lượng khoảng 70.000 con", ông chủ trang trại gà tiết lộ.

Gà thịt đang được ông Thực bán trực tiếp cho thương lái ở chợ đầu mối tại Hà Nội. Gà con bán cho các trại chăn nuôi quy mô lớn ở Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định… Ông Thực nhẩm tính, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình cũng thu lãi khoảng một tỷ đồng.

Chỉ vì mê chăn nuôi, trồng trọt, anh Nguyễn Văn Lý ở Đà Nẵng quyết bỏ phố với công việc ổn định, lương cao về nhà, đầu tư trang trại nuôi gà Đông Tảo.

Mặc dù đang giữ vị trí công việc có thu nhập cao, anh bàn với gia đình mở trang trại chăn nuôi trồng trọt, trong đó vật nuôi chủ lực là gà Đông Tảo và trồng cây mai vàng.

Anh Nguyễn Văn Lý khởi nghiệp với trại gà Đông Tảo tại Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

"Ban đầu, không ai ủng hộ tôi đùng đùng bỏ việc ở phố về quê làm nông, rước cực khổ vào thân", anh Lý nhớ lại.

Hai năm sau, anh Lý đáp lại bằng trang trại gà đầu tư bài bản với nhiều khu chăn nuôi riêng gà con, gà sinh sản, gà thành phẩm, khu ấp trứng… Khu nào cũng thoáng mát, sạch sẽ. Toàn bộ chuồng trại đều do anh thiết kế xây dựng.

Thời điểm khởi nghiệp, anh Lý nhập 100 con gà Đông Tảo từ Hưng Yên về nuôi và cay đắng chứng kiến đàn gà lần lượt chết, do anh chưa có kinh nghiệm nuôi loài vật này trong môi trường khí hậu miền Trung khắc nghiệt.

Không bỏ cuộc, anh học hỏi qua mạng internet, ra tận Hưng Yên để học hỏi kinh nghiệm. Sau một thời gian "ăn, ngủ" với gà, anh nắm được đặc điểm sinh trưởng của loài để có cách chăm sóc riêng.

"Nuôi gà Đông Tảo như chăm trẻ, phải tỉ mỉ. Hàng ngày, tôi dậy từ rất sớm, lau rửa sạch sẽ từng máng ăn, nguồn nước, sát khuẩn chuồng trại thường xuyên", anh Lý chia sẻ.

Gà trưởng thành cân nặng 4-5kg, chân tròn, vảy thịt gai nhung. Anh Lý tỉ mỉ kiểm tra từng con đảm bảo tiêu chuẩn xuất bán và hướng dẫn khách cách chăm sóc gà, phòng bệnh cho vật nuôi.

Gà nuôi tầm 11-12 tháng thì đạt tiêu chuẩn để xuất bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng/con.

Anh Lý bán cả gà con mới nở 7-10 ngày, ăn khỏe cho khách mua về làm con giống với giá 60.000 đồng/con.

Anh Lý cho hay, gà Đông Tảo thuần chủng chân rất to nên khó đạp mái. Vì thế để gà sinh sản đạt chất lượng, anh phải dùng biện pháp hỗ trợ thụ tinh.

"Bình thường gà thuần chủng khi sinh sản chỉ đạt 30% nhưng khi hỗ trợ thụ tinh có thể đạt 90%. Gà được chọn làm giống cũng phải đạt tiêu chuẩn riêng", anh Lý giải thích.

Gà Đông Tảo hiện nay đã được nhiều người ở các địa phương chăn nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhờ vào chăn nuôi giống gà quý này mà người chăn nuôi đã thoát nghèo và làm giàu cho chính bản thân mình. Tuy nhiên muốn thành công trong việc chăn nuôi giống gà này, người chăn nuôi cần phải học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn gà thuần chủng để có hiệu quả cao nhất.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top