Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 1 năm 2024 | 10:4

Giải pháp cho phát triển chăn nuôi tuần hoàn

Một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã và đang áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, khép kín. Đây là giải pháp không chỉ nâng cao về giá trị, tận dụng các phế - phụ phẩm mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường…

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn tiêu biểu

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn và xử lý chất thải bằng hệ thống máy tách phân của gia đình anh Nguyễn Văn Sáng (quê Quảng Nam) ở thôn An Tân, xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa) hình thành từ năm 2015, với kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. 

Trang trại được xây dựng trên diện tích 4ha, trong đó có hơn 1,8ha bố trí khu vực nuôi heo (lợn), trồng cỏ và nuôi bò, còn lại trồng bắp (ngô) và lúa. Quy mô trại heo khoảng 500 con/lứa, mỗi năm nuôi trung bình 2,5 lứa, sản lượng xuất chuồng trên 150 tấn, doanh thu trên 7,5 tỷ đồng. Trại bò với quy mô 200 con, trong đó có 40 bò sinh sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền (hàng trên bên trái) kiểm tra mô hình chăn nuôi tuần hoàn tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Sáng.

Theo anh Sáng, để trang trại chăn nuôi đạt hiệu quả cao, phải luôn đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trang trại đã đầu tư xử lý chất thải  bằng hệ thống công nghệ máy tách phân trị giá 250 triệu đồng. Với hệ thống xử lý này, chất thải gia súc sau khi thu về hố thu, máy sẽ hút và tách toàn bộ phân để làm khô, còn nước sẽ chảy vào hầm biogas để xử lý và được dùng bón cho cỏ, bắp (ngô) làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, anh còn đầu tư 100 triệu cho hệ thống phun khử mùi bằng than hoạt tính; sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera điều khiển từ xa.

Anh Nguyễn Văn Sáng (bên trái) giới thiệu thiết bị sản xuất thức ăn cho heo với đoàn tham quan.

Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, anh Nguyễn Hoài ở thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) đã không ngừng học hỏi, kiên trì lao động, nhằm tích lũy tiền đầu tư mở rộng sản xuất.

Năm 2003, anh đầu tư vốn làm Đại lý thức ăn gia súc, gia cầm và thuốc thú y (hơn 500 triệu đồng); đầu tư cho xây dựng chuồng trại, heo giống (hơn 400 triệu đồng). Đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư Đại lý thức ăn gia súc, gia cầm và thuốc thú y là hơn 3 tỉ đồng; xây dựng thêm trại chăn nuôi heo khép kín tăng từ 50 heo nái lên 200 nái với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỉ đồng.

Trang trại của anh Hoài được đầu tư hệ thống xử lý chất thải gia súc hiện đại. Đây là mô hình được địa phương đánh giá là hình thức chăn nuôi tuần hoàn khá thành công.

Anh Nguyễn Hoài ở xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) chăm sóc đàn heo nái.

Nhờ đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi heo, gia đình anh Hoài có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Trang trại tạo việc làm cho 7 lao động, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Anh còn thành lập câu lạc bộ chăn nuôi cùng sở thích, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển sản xuất.

Được huyện Mộ Đức hỗ trợ 600 con gà, 500 cây ổi và nuôi trùn quế, anh Ngô Tân ở xã Đức Lân (huyện Mộ Đức) đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật thực hiện mô hình theo chu trình khép kín: Tận dụng phụ phẩm chăn nuôi bò để nuôi trùn quế; lấy phân trùn quế bón cho cây ổi; trùn quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất.

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mộ Đức, mô hình nông nghiệp tuần hoàn này nhằm mục tiêu hạn chế tối đa lượng phế thải, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Ngoài các trang trại chăn nuôi kể trên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp ở huyện Minh Long, sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động; nhân công chỉ cần nhấn nút, thức ăn tự động đổ vào máng ăn. Trại Chăn nuôi heo Huỳnh Cường ở huyện Bình Sơn sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera điều khiển từ xa.

Giải pháp thúc đẩy chăn nuôi tuần hoàn

Ông Nguyễn Việt Hoài, nhà khoa học có nhiều sáng chế về xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp cho biết: Chất thải chăn nuôi gây ra khí CO2, gây ô nhiễm môi trường và làm giảm giá trị sản phẩm nông sản của Việt Nam nếu căn cứ với các tiêu chuẩn quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hoài, người chăn nuôi phải áp dụng giải pháp công nghệ để xử lý chất thải.

Về giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi, ông Hoài cho biết, đã sáng chế quy trình sản xuất phân vi sinh từ chất thải hữu cơ; quy trình sản xuất đệm lót sinh học dùng cho chăn nuôi; quy trình sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh.

Nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, TS. Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam Bộ, đề xuất, đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật. Đồng thời nhấn mạnh hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế.

Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. TS. Nguyễn Văn Bắc dẫn ví dụ về trùn quế, “1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng một tháng. Chất thải từ trùn quế rất thích hợp để sử dụng trong trồng trọt, đem lại giá trị kinh tế cao”.

Về quản lý chính sách, TS. Nguyễn Văn Bắc đưa ra một số đề xuất: Cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn; cần công bố kịp thời, rộng rãi tiến bộ kỹ thuật phục vụ chăn nuôi tuần hoàn; đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có những buổi đối thoại với doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để có thể nắm bắt thông tin và điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn; các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp cùng hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top