Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 4 năm 2023 | 14:0

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giữ đất lúa, dành đất cho sản xuất

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với khoảng 70% dân số tham gia lĩnh vực này, vì thế, đất đai là tư liệu sản xuất rất quan trọng đối với nông dân.

Giữ đất để trồng lúa, dành đất cho sản xuất, chế biến nông nghiệp là những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ của nhà khoa học, nhà quản lý mà còn của bà con nông dân, các doanh nghiệp, HTX.

Phải có quy định để bảo đảm đủ diện tích trồng lúa không được chuyển đổi

Khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, nhiều nông dân đã đề nghị các cơ quan soạn thảo và Quốc hội phải có quy định về việc bảo đảm diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp nói chung và đất cho trồng lúa nói riêng. Không được chuyển đổi mục đích sản xuất này sang mục đích khác để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Ông Lê Hông Trường ở Khoái Châu (Hưng Yên) đã trao đổi với chúng tôi khi được hỏi về việc Nhà nước đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp. Hàng nghìn năm qua, nhờ sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông ngòi trên khắp đất nước, chúng ta mới có được những cánh đồng màu mỡ để gieo trồng, sản xuất ra lương thực thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xuất khẩu. Hai vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ là hai vựa thóc lớn cho cả nước. Từ quốc gia thiếu lương thực, đến nay chúng ta không những có đủ lương thực cho nhân dân, có dự trữ mà còn xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo.

“Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa màu mỡ phì nhiêu đã chuyển đổi thành đất xây dựng, đất ở đô thị. Không thể phủ nhận những giá trị khi đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng mang lại, nhưng nếu chúng ta cứ lấy hết những mảnh đất “bờ xôi, ruộng mật” thì không bao lâu nữa sẽ không còn đất trồng lúa, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không giữ những diện tích đất màu mỡ này. Chúng tôi làm nông nghiệp, lấy việc trồng lúa để phát triển kinh tế. Nhìn những diện tích đất trồng lúa màu mỡ chuyển đổi sang thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội mà thấy lo lắng. Vì thế, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phải có quy định đối với những diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa không được chuyển đổi mục đích sử dụng”, ông Trường nói.

Tại Hội nghị Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo đã có phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm về vấn đề này. Ông Báo cho hay, từ những chuyến đi thăm các quốc gia, ông đã học được rất nhiều điều về việc quản lý đất đai, nhất là quản lý đất nông nghiệp.

“Tôi đi Nhật Bản, học được 2 điều. Thứ nhất là phải giữ được đất trồng cây lương thực. Thứ hai là phải giữ được rừng. Hiện nay, chúng ta đang có 100 triệu dân, nhưng đến năm 2050 sẽ có 125 triệu dân. Nước ta tăng 30 triệu dân thì xuất khẩu 7 triệu tấn gạo có là gì đâu? Trong khi đó, đất nông nghiệp cứ mở đường đến đâu, đất “bờ xôi ruộng mật” ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long bị thu hồi đến đó, chúng tôi đi qua đều thấy chảy nước mắt” đến đó”, ông Báo nói.

Theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025): Diện tích đất nông nghiệp là 27,73 triệu hecta (giảm 251.220 ha so với năm 2020). Riêng diện tích đất trồng lúa là 3,57 triệu hecta, giảm 348.770 ha.

Không chỉ có quy định về bảo đảm được diện tích trồng lúa, trồng cây lương thực mà còn phải có những quy định rất cụ thể về diện tích đất để cho doanh nghiệp, HTX hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có đất để mở rộng sản xuất.

Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa

Luật Đất đai năm 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp. Điều này được cho là làm hạn chế việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chưa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Đây là một “rào cản” lớn đối với nhiều hộ gia đình, HTX đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không thể mở rộng sản xuất vì không có đất.

Là cơ sở gia đình sản xuất chuối sấy khô với năng lực sản xuất, tiêu thụ lượng lớn chuối tiêu hồng đang được  nông dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên) trồng, với diện tích khoảng 2.000ha, sản phẩm chuối sấy khô và chuối dẻo của HTX nông nghiệp Toàn Phát đang có mặt tại nhiều thị trường miền Bắc và một số tỉnh, thành miền Nam. Tuy nhiên, một khó khăn đang thách thức đối với HTX nông sản Toàn Phát là không có đất để mở rộng sản xuất.

Giám đốc HTX nông sản Toàn Phát - ông Nguyễn Văn Phát cho biết: “Địa điểm sản xuất hiện nay của HTX nằm tại nhà riêng, mặc dù HTX đã có ý kiến với lãnh đạo xã và huyện, mong muốn có  mặt bằng đủ rộng để mở rộng quy mô,  tuy nhiên, do quỹ đất của xã hạn hẹp nên chưa thể thể bố trí cho HTX, đây là một khó khăn và trở ngại lớn cho HTX chúng tôi”.

Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng Lê Văn Tám.

 

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Hồng - ông Lê Văn Tám có cùng quan điểm và mong muốn như ông Phát khi trao đổi về vấn đề mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Tám cho biết: Mong muốn của HTX là được chính quyền các cấp tạo điều kiện cho thuê đất, mua đất mở rộng sản xuất trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, làm tăng giá trị sản phẩm nông sản, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con nông dân sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.

Vì vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Điều kiện là các tổ chức kinh tế phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, đúng mục đích, được UBND cấp tỉnh chấp thuận.

Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, đây là quy định hợp lý. Hiện, nhận thức của người dân về tích tụ, tập trung đất đai còn chưa đầy đủ, tâm lý sợ mất đất khiến người dân không cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng, hoặc cho thuê thời hạn hợp đồng ngắn. Bên cạnh đó, chính sách đất đai với thời hạn và hạn điền chưa phù hợp cũng khiến cho chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận.

Nếu kiến nghị của các HTX, doanh nghiệp được xem xét đưa vào dự thảo, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, sẽ khắc phục được tình trạng nông dân giữ đất rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh; khuyến khích được nông dân góp vốn bằng đất đai với doanh nghiệp, HTX.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top