Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 3 năm 2023 | 16:20

Luật Đất đai sửa đổi cần đảm bảo sử dụng đất nông nghiệp ổn định, lâu dài

Được sử dụng đất ổn định, lâu dài cho sản xuất nông nghiệp; các dự án phát triển kinh tế - xã hội không lấy đất sản xuất nông nghiệp; đảm bảo quyền lợi cho xã viên hợp tác xã khi góp đất làm tài sản thế chấp cho dự án phát triển nông nghiệp... là những ý kiến đóng góp của một số giám đốc HTX nông nghiệp, luật sư... đối với Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp phải lâu dài

Xã Tráng Việt thuộc huyện Mê Linh (Hà Nội) là vùng đất chuyên cung cấp rau xanh cho hầu hết các chợ đầu mối, phục vụ  nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và các vùng lân cận. Với khoảng 1.250 hộ dân và hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 800 hộ dân sản xuất canh tác tại vùng trồng rau lớn của thôn Đông Cao, tính trung bình một ngày số lượng rau tiêu thụ khoảng 300 - 500 tấn.

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Cao, cho biết, đất đai là tư liệu sản xuất vô cùng quý giá và quan trọng đối với người dân thôn Đông Cao. Nhờ có đất, xã viên HTX Nông nghiệp Đông Cao canh tác trồng các loại rau xanh theo từng mùa, cung cấp cho thị trường Hà Nội, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân.

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Cao trao đổi với P.V.

“Do đó, trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần quy định rõ và cụ thể kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất dùng cho sản xuất nông nghiệp phải lâu dài, mang tính ổn định. Không sử dụng đất nông nghiệp “bờ xôi, ruộng mật” cho các dự án phát triển kinh tế khác ngoài mục đích an ninh quốc phòng”, ông Đua nhấn mạnh.

Ông Đua dẫn chứng cho việc thời gian qua  nhiều địa phương khi phát triển kinh tế, đã tiến hành thu hồi đất nông nghiệp màu mỡ, được hình thành từ hàng trăm năm, trải qua bao năm người dân đã canh tác  để tạo ra lúa gạo, phục vụ cho đất nước trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dẫn đến người nông dân không còn đất canh tác, không ổn định cuộc sống lâu dài, nảy sinh ra nhiều tệ nạn của xã hội. Vì thế, ông Đua đề nghị, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có quy định không thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội nếu không phục vụ cho quốc phòng và an ninh.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng (Đông Anh - Hà Nội), người được mệnh danh là “biến rau củ quả thành ống hút”, cho biết: Mặc dù rất muốn mở rộng diện tích để phát triển kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho bà con nông dân, vừa nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp nhưng quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp lại rất hạn hẹp, nên không thể mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh.

Ông Tám đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, cần đưa điều khoản quy định đối với Kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phải đảm bảo ổn định cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản được tiếp cận và sử dụng đất nông nghiệp để phát triển sản xuất.

“Ổn định đất sản xuất nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng đối với nông dân nói chung và đối với các HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng. Vì có ổn định thì doanh nghiệp và các HTX mới đầu tư vào sản xuất, nếu không, khi đầu tư chưa được bao lâu, đất đó lại quy hoạch thành đất thương mại, dịch vụ, dẫn đến thiệt hại cho HTX và doanh nghiệp, mặc dù Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ, bồi thường”, ông Tám nói.

Liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp, LS Trương Thị Hoà (TP. Hồ Chí Minh) góp ý nên quy định người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được sử dụng đất nông nghiệp ổn định, lâu dài, thay vì thời hạn sử dụng 50 năm như hiện nay. Việc quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lâu dài giúp cho người sử dụng đất yên tâm tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất.

Ngoài ra, bà Hòa kiến nghị xem xét cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sử dụng đất nông nghiệp (quy định hiện nay không cho phép). Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích như trong các trường hợp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất thì có thể tận dụng tiềm lực tài chính, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp của người Việt Nam định cư ở người ngoài. Việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào sản xuất nông nghiệp có thể góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Ruộng trồng rau xanh của người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) .

Phải công khai quy hoạch

Có thể nói, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, đây chính là căn cứ giải quyết các yêu cầu về đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quy hoạch là căn cứ quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Góp ý vào quy định này, cử tri Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị, cần làm rõ hơn chu kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của các ngành, các lĩnh vực; quy hoạch ở đơn vị, địa phương nào thì công khai trên trang thông tin ở nơi đó để dân tiếp cận, từ đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng cần có thời gian, lộ trình cụ thể, tránh tình trạng “quy hoạch treo” trong khi nhiều hộ dân phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát, xuống cấp mà không thể tiến hành xây dựng hay sửa chữa.

Về quy định đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cử tri đề nghị xem xét quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Điều 171 để đảm bảo thống nhất với quy định về tích tụ đất đai theo Điều 186 của dự thảo Luật; đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền cấp, thu hồi, đính chính trang bổ sung của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy định về trình tự thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Từ những vụ việc thực tế diễn ra, luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho rằng, hiện nay, công tác quản lý đất có nhiều  bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Công tác quản lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bị bỏ ngỏ, nhiều diện tích đất bị quy hoạch treo hàng chục năm, ảnh hưởng đến quyền lợi cuộc sống của người dân. Quản lý về quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, nông nghiệp và đất ở ở những địa phương có rừng còn nhiều bất cập. Việc thay đổi quy hoạch đất lâm nghiệp không ổn định, chưa rà soát, kiểm tra diện tích đưa ra ngoài đất lâm nghiệp hoặc đưa vào quy hoạch đất lâm nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Quá trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất kéo dài, không đúng thời hạn 1 năm theo quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Do đó, sửa đổi Luật Đất đai nên đưa quy định về phân định các khu vực trong quy hoạch sử dụng đất. Có khu vực thuộc quy hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất. Đưa ra quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong khu vực có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để đảm bảo minh bạch trong quá trình giải quyết quyền lợi của người sử dụng đất.

Là nước nông nghiệp, nông dân chiếm tỷ lệ khá cao, đất đai đối với người nông dân là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng để ổn định đời sống và phát triển kinh tế. Sửa đổi Luật Đất đai lần này phải bảo đảm được quản lý Nhà nước về đất đai, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, nhất là nông dân. Như vậy, Luật sẽ có sức sống lâu dài, việc chấp hành Luật mới nghiêm minh.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top