Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024 | 11:21

Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Gian nan

Trang trại của chị Hương rộng khoảng 3,5 ha, phía Bắc nhìn ra cánh đồng lúa xanh, phía Tây hướng về làng bản. Trong khu vườn, chị trồng chủ yếu cây cam ruột đỏ và bưởi da xanh. Nhìn vườn cây xanh mướt đang độ ra hoa kết quả, hệ thống tưới tiêu chăm sóc tự động, ít ai biết rằng chị đã gồng gánh gian khổ để gây dựng nên một Cara farm gần 10 năm qua, đây là hành trình không dài nhưng cũng chẳng ngắn. Trong khoảng thời gian từ lúc hình thành ý tưởng trồng cây đến nay là bao mồ hôi công sức mà chị đã dành cho khu vườn của mình.

Toàn cảnh khu vườn cam.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hương cho biết, chị đã trồng thử nghiệm thành công giống bưởi da xanh và cam ruột đỏ - những loại quả cực quý gần như không có hạt, rất tốt cho sức khỏe, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cho người làm vườn. Hơn nữa, nơi đây còn có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ.

Theo chị Hương, tìm hiểu thấy khí hậu của vùng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng có thể nói là khắc nghiệt nhưng lại không hoàn toàn là trở ngại đối với việc trồng cây ăn quả có múi, ngược lại đó lại là lợi thế. Do đó, chị mạnh dạn trồng thử nghiệm hai loại cây này trên khu vườn của mình.

Chị Hương cho biết, khó khăn, thử thách lớn nhất cho việc làm vườn, trồng cây lại đến từ chính bản thân bởi tôi không phải được sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp. Làm vườn đã xa lạ, đã khó, làm vườn theo phương thức nông nghiệp hữu cơ lại càng khó hơn.

Khách tham quan khu vườn.

Vì là người trực tiếp làm và hướng dẫn người làm vườn từ đầu đến khi thu hoạch nên bản thân muốn làm nông nghiệp được bền vững, hiệu quả, cần phải học và nghiên cứu bài bản như nhà khoa học trong chính khu vườn của mình, để có thể làm chủ các khâu trồng, chăm sóc. Vì thế, muốn chăm cây thì trước tiên phải chăm đất, vì đất có khỏe thì mới hào phóng với cây. Khi làm điều gì đó cho cây bên trên, tôi luôn nghĩ đến ích lợi của đất ở bên dưới. Để chăm đất, không gì tốt hơn là bón phân hữu cơ, tự ủ phân đúng cách, từ các loại phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây cỏ, phân gia súc, gia cầm... Phân tốt là nguồn gốc căn nguyên của mọi chất lượng cây trong vườn. Do nguồn phân bón dồi dào dưỡng chất kết hợp với công nghệ tưới và chăm sóc cây trồng tiên tiến đã tạo nên những trái ngọt trong khu vườn của tôi mà chỉ có ai được nếm, được ngửi mới cảm nhận rõ hương cùng vị thật đậm đà và khác biệt.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của vùng Tây Bắc, cụ thể là Điện Biên, mùa hè lòng chảo nóng như rang, mùa đông không khí lạnh cắt da cắt thịt dồn về đấy. Khí hậu phân mùa rõ rệt xuân hạ thu đông, nhiệt độ ngày đêm có sự chênh lệch lớn, đã đem lại hương vị đậm đà và khác biệt cho quả cam ruột đỏ, quả bưởi da xanh Điện Biên mà hiếm nơi nào có được.

Khi tham quan khu vườn của chị, ít ai nghĩ rằng, để xây dựng được mô hình như ngày hôm nay, chị đã rong ruổi biết bao mô hình trồng bưởi trong và ngoài nước, có những lúc trồng cây nhưng bị chết hàng loạt do úng nước, cây còi cọc, sâu bệnh do bón phân không đúng cách hoặc kỹ thuật cắt tỉa cũng chưa có kinh nghiệm. Đã có lúc chị muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến bao công sức đầu tư chăm sóc, chị lại “đứng lên” tiếp tục học hỏi và kết hợp tư vấn của chuyên gia.

Thành quả

Đến nay, thành quả trong vườn là trái cam ruột đỏ và bưởi da xanh là đại biểu xuất sắc của trái cây chính vụ. Quả cam và bưởi được nhà vườn chăm sóc trong gần 10 tháng và chín rộ chỉ trong một thời gian rất ngắn vào mùa thu, dường như bao tinh hoa đất trời trong những tháng ngày dài đằng đẵng đó hội tụ cả trong từng tép cam, tép bưởi là nguồn bổ sung năng lượng, sức đề kháng tuyệt vời cho cơ thể con người.

Cam ruột đỏ giàu lycopene và carotene, đây là những chất khử các gốc tự do xâm nhập tế bào trong cơ thể, chống ung thư tự nhiên hiệu quả. Lượng vitamin C có trong cam ruột đỏ vượt trội và cao gấp 150% so với các loại cam khác, rất tốt cho làn da, giúp chống lão hoá, có tác dụng phục hồi sức khoẻ. Đặc biệt, cam ruột đỏ còn được phát hiện là một loại quả có chứa hàm lượng axit thấp hơn nhiều so với cam nội địa khác. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể tiêu thụ một lượng lớn cam ruột đỏ mà không sợ bị ợ nóng như khi ăn cam quýt hay các sản phẩm có chất axit của họ cam quýt. Cam ruột đỏ rất bổ nhờ lượng đường khử cao như đường glucose chỉ ngọt bằng 60% đường mía, nên cam ruột đỏ không ngọt khé mà ngọt thanh, ngọt dịu. Đường khử rất tốt cho cơ thể nên người tiểu đường yên tâm khi ăn cam này.

Cam cara và bưởi da xanh không chỉ mang lại hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn mang lại giá trị kinh tế, tương lai khi mở rộng vùng sản xuất có thể giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, đặc biệt là người dân thiểu số bản địa.

Trong tương lai, chị Hương mong muốn kết hợp mô hình nông nghiệp sạch, sản xuất tinh dầu bưởi, chè túi lọc từ vỏ cam vỏ bưởi và các sản phẩm khác, bên cạnh trồng trái cây đặc sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ngay tại Cara farm, đồng thời nhân rộng hơn nữa mô hình kinh tế này ở Điện Biên.

 

Như Quỳnh - Huy Khuyến
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top